Phải đồng bộ


Phân loại rác tại nguồn là việc làm cần thiết để góp phần bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, đây là việc không dễ, vì phải thay đổi thói quen cũ của người dân đã tồn tại từ lâu.  
Thu gom rác tại một khu cao ốc ở huyện Bình Chánh để đưa đi phân loại, xử lý. Ảnh: THÀNH TRÍ
Thu gom rác tại một khu cao ốc ở huyện Bình Chánh để đưa đi phân loại, xử lý. Ảnh: THÀNH TRÍ

Vấn đề bỏ rác đúng giờ, đúng nơi quy định và thực hiện phân loại rác tại nguồn... tưởng chừng đơn giản, dễ thực hiện, ấy vậy mà nhiều năm nay công tác này vẫn gặp khó không chỉ ở các đô thị lớn mà còn ở các vùng nông thôn. Bước ra đường, chúng ta vẫn còn đang bắt gặp những túi rác, bịch rác nằm ngổn ngang ở miệng cống thoát nước, cột điện, ven đường...

Mặc dù đã có quy định phải bỏ rác đúng giờ để người thu gom đến lấy, thế nhưng quy định này dường như vẫn chưa được nhiều người tuân thủ. Rảnh lúc nào là họ mang ra trước cửa nhà để lúc đó, rác thải ít hay nhiều cũng cứ mang ra bỏ. Lý giải những bất cập này, nhiều ý kiến cho rằng, một phần là do ý thức, một phần là do hạ tầng, trang thiết bị trong việc thu gom rác cũng chưa tốt, chưa có sự đồng bộ nên vẫn còn tình trạng ai thích thì làm.

Bỏ rác bừa bãi là thói quen xấu, song để loại bỏ hành vi này vẫn là một câu chuyện dài. Trong thực tế, luật pháp về bảo vệ môi trường quy định khá rõ về việc cấm xả rác bừa bãi, quy định về thu gom rác thải, trách nhiệm của các cơ quan có liên quan, kể cả việc kiểm tra, xử phạt hành vi này. Nhưng số người có trách nhiệm thi hành công vụ quản lý môi trường, xử phạt các hành vi vi phạm lại quá ít.

Nếu như mỗi người biết chia sẻ một chút trong việc thực hiện bỏ rác đúng nơi quy định, đúng giờ và nhất là phân loại rác ngay trong gia đình thì môi trường sẽ xanh, sạch và đẹp hơn rất nhiều. Cần giữ gìn vệ sinh chung, quét dọn đường làng, ngõ xóm, khơi thông cống rãnh, những cống rãnh chảy phải có nắp đậy, không xả nước thải, chất thải sinh hoạt chưa qua xử lý ra những ao, hồ. 

Bảo vệ môi trường sống không phải của riêng ai, mỗi người dân phải nâng cao nhận thức và có ý thức giữ gìn vệ sinh tại mỗi gia đình và nơi công cộng. Có rất nhiều giải pháp, nhưng vấn đề quan trọng hàng đầu vẫn là tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của mỗi người dân. Học sinh cần được nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường ngay tại nơi mình sinh sống và học tập.

Về phía cơ quan quản lý nhà nước cần có những chế tài nghiêm khắc, xử lý kiên quyết đối với hành vi thiếu ý thức gây ô nhiễm môi trường và đồng thời phải hoàn thiện các cơ chế, chính sách trong việc đầu tư hạ tầng, phương tiện thu gom rác để phù hợp với từng giai đoạn và đáp ứng nhu cầu tình hình thực tế. Có sự đồng thuận của cả cộng đồng, chắc rằng môi trường của chúng ta sẽ xanh - sạch - đẹp hơn.

Tin cùng chuyên mục