
Để phòng chống tham nhũng triệt để
Tại cuộc họp toàn thể của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tuần qua, một nhận định được các vị đại biểu thống nhất cao là hiệu quả của các biện pháp phòng ngừa tham nhũng như kê khai tài sản, thu nhập hay xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu để xảy ra tham nhũng tại cơ quan, đơn vị mình… đều không cao như kỳ vọng. Ông Nguyễn Đình Quyền (ảnh), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội đã dành cho phóng viên Báo SGGP cuộc trao đổi về vấn đề này.

° Phóng viên: Thưa ông, theo số liệu do Thanh tra Chính phủ cung cấp, trong năm 2013 có gần 1 triệu người đã kê khai tài sản thu nhập. Trong đó chỉ có 1 người bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo do kê khai tài sản thu nhập không trung thực; chưa tới 10 người bị xử lý kỷ luật do vi phạm thời hạn trong minh bạch tài sản thu nhập… Những con số này liệu có thuyết phục không, khi mà gần đây công luận nhiều phen xôn xao về khối tài sản khổng lồ của một số vị cựu lãnh đạo hoặc số tiền, vàng bị mất trộm lớn bất ngờ của lãnh đạo đương nhiệm?
° Ông NGUYỄN ĐÌNH QUYỀN: Chuyện kê khai tài sản, tôi đã từng phát biểu quan điểm khá lâu rồi. Tôi cho rằng chúng ta đang làm ngược. Kinh nghiệm quốc tế là phải kiểm soát tài sản của toàn xã hội để đảm bảo sự minh bạch, có như vậy thì việc kiểm soát tài sản của cán bộ công chức mới có ý nghĩa. Làm được như vậy thì không chỉ là phòng ngừa tham nhũng, mà còn chống được các hành vi vi phạm pháp luật khác như rửa tiền; trốn thuế, gian lận thương mại, cho vay nặng lãi và đặc biệt là đảm bảo việc thi hành án dân sự được thực hiện nghiêm minh. Như thế là một việc làm đạt 6 mục đích. Có một thực tế mới nghe như đùa, ấy là ở nhiều nước - như tôi đã từng chứng kiến ở Nam Phi - khi bọn trộm cướp vặt cướp được tài sản của du khách, chúng chỉ lấy số tiền mặt bản địa mà vứt lại ngoại tệ. Vì sao? Vì có lấy cũng khó mà tiêu được; nhà chức trách dễ dàng phát hiện ra những giao dịch khả nghi.
Ngoài ra, bên cạnh việc từng bước đi tới kiểm soát được tài sản công dân, chúng tôi cũng đã kiến nghị là những giao dịch có giá trị lớn của người có chức vụ quyền hạn, nếu không thanh toán qua ngân hàng, sẽ bị coi là bất hợp pháp. Khi đó, họ sẽ chùn tay khi mua sắm nhà cửa, xe cộ… bằng tiền bất chính.
° Đề án thanh toán không dùng tiền mặt không phát huy tác dụng sao, thưa ông?
° Đề án đó vẫn đang được triển khai, nhưng sẽ không có nhiều giá trị khi còn chưa kiểm soát được tài sản công dân một cách hữu hiệu. Việc kiểm soát giao dịch tài khoản ngân hàng cũng chẳng để làm gì, khi mà tiền bạc, tài sản của ông A. có thể bảo là của ông B., ông B. nói của ông C., bà D… Tôi là công chức, không có tài sản đáng giá, nhưng con tôi, cháu tôi làm ngân hàng, doanh nghiệp, có hàng trăm tỷ, ngàn tỷ đồng nên tôi vẫn có thể nhà cao cửa rộng, đi xe siêu sang. Không sao cả và không ai vặn vẹo được! Với cơ chế hiện nay, ngay cả khi đã phát hiện vi phạm, tham nhũng cũng rất khó thu hồi. Báo cáo của các cơ quan chức năng cho thấy chỉ thu hồi được có 1/10.
° Một biện pháp khác cũng có ý nghĩa phòng ngừa tham nhũng, là xử lý trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra tham nhũng trong đơn vị mình phụ trách. Thế nhưng tại phiên họp toàn thể thứ 14 của Ủy ban Tư pháp vừa rồi, nhiều đại biểu vẫn cho là kết quả không như mong muốn. Vì sao vậy, thưa ông?
° Vấn đề này đã được quy định từ lâu rồi. Gần đây nhất là trong Nghị định số 211/2011/NĐ-CP ngày 19-12-2013 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 107/2006/NĐ-CP ngày 22-9-2006 về xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý phụ trách. Nhưng thực tế, pháp luật của chúng ta về chế độ trách nhiệm công vụ không rõ, cấp trưởng đến đâu, cấp phó đến đâu; nhân viên đến đâu? Can dự trực tiếp hoặc liên đới thì thế nào? Ngay trong Luật Cán bộ công chức cũng rất chung chung nên rất khó. Ý tôi là chế độ trách nhiệm trong cả nền hành chính công vụ thì có, nhưng mỗi vị trí công tác lại không rõ.
° Phải chăng vì thế mà tham nhũng liên quan đến công vụ ngày càng tăng?
° Đúng là như vậy. Tình trạng tham nhũng hiện nay chủ yếu là ở khối công và chúng ta trước mắt cũng mới chỉ tập trung phòng chống tham nhũng trong nền công vụ nhà nước. Tất nhiên về lâu dài cũng sẽ phải làm cả ở khối ngoài nhà nước nữa, nhưng khi lực lượng có hạn, điều kiện chưa đủ thì tập trung vào khối công trước. Quan trọng nhất là đảm bảo hoạt động của bộ máy nhà nước được vận hành liên tục, đúng đắn và thực sự vì dân.
° Trong điều kiện hiện nay, ông có cho rằng yêu cầu người đứng đầu phải nhận biết được cấp dưới của mình có hành vi tham nhũng là khả thi?
° Thông qua công tác kiểm tra, thanh tra, công tác chính trị trong đơn vị thì người đứng đầu phải biết. Thế mới là quản lý chặt chẽ, hết trách nhiệm.
ANH THƯ (thực hiện)