Phải khẳng định, đây là mô hình hay, tạo thuận lợi cho người dân phản ánh thông tin. Cơ quan chức năng cũng có điều kiện tiếp nhận thông tin đầy đủ hơn, đa dạng hơn để kịp thời xử lý, góp phần tạo hiệu quả hơn trong lập lại trật tự đô thị. Song thực chất hiệu quả đến đâu lại là vấn đề.
Kênh tương tác/phản ánh của UBND quận 1 ra mắt cuối năm 2017, đến nay danh sách các phản ánh đã được phản hồi trên kênh này được gần 410 tin. Tuy nhiên, con số thực cần phải xem lại, vì trong các thông tin phản ánh được phản hồi có nhiều thông tin trùng nhau, lặp đi lặp lại nhiều lần. Mặt khác, nhiều người dân cũng khẳng định họ đã nhiều lần phản ánh lên kênh tương tác trực tuyến nhưng không mấy khi được giải quyết.
Theo bà T.C.D. (phường Đa Kao, quận 1), ngày 11-4, bà gửi thông tin phản ánh đến kênh tương tác/phản ánh của quận 1 báo cửa hàng ở địa chỉ 246 Đinh Tiên Hoàng (phường Đa Kao) trưng dụng toàn bộ vỉa hè bày bán quần áo, bít lối của người đi bộ. Nhân viên quán còn hướng dẫn xe máy của khách để xe dưới lòng đường, choáng cả mặt cầu Bông, đẩy người đi bộ ra giữa đường. “Tôi để lại số điện thoại và email để nhận kết quả xử lý nhưng sau nửa tháng, tôi không nhận được thông tin phản hồi”, bà D. kể.
Còn tại quận Bình Thạnh - nơi khởi phát của ứng dụng này (Bình Thạnh trực tuyến), người dân đánh giá cao ở khía cạnh tương tác. Không thể phủ nhận nỗ lực của cán bộ và chính quyền quận Bình Thạnh, bởi hầu như các thông tin phản ánh đều được kiểm tra, xử lý và phản ánh. Tuy nhiên, hiệu quả của công tác kiểm tra, xử lý tới đâu mới là quan trọng.
Trong những ngày đi thực tế, phóng viên ghi nhận và gửi phản ánh về việc lấn chiếm lòng đường Bùi Hữu Nghĩa (phường 1, 2, đoạn từ nhà thờ Gia Định đến giao lộ Phan Đăng Lưu) để bày hàng hóa, gây ùn ứ giao thông. Hôm sau, từ ứng dụng, chúng tôi nhận được kết quả xử lý, có kèm biên bản nhắc nhở các hộ kinh doanh. Sau ngày này, chúng tôi trở lại nơi đã phản ánh, tình trạng lấn chiếm vẫn như hôm trước, như chưa hề có sự can thiệp của địa phương. Tình trạng cũng tương tự khi phóng viên phản ánh các quán nhậu trên đường Phạm Văn Đồng (phường 11, 13). Khu vực này vẫn là một “phố ăn nhậu nhộn nhịp” lấn chiếm tràn lan trên vỉa hè.
Kết quả, vỉa hè thông thoáng hay lấn chiếm bát nháo sẽ là thước đo chính xác về hiệu quả các giải pháp quản lý của cơ quan chức năng. Do đó, các địa phương dù đồng loạt ứng dụng trực tuyến nhưng không thật sự vào cuộc, không tạo được thay đổi rõ nét sẽ khiến người vi phạm lờn mặt; người dân thất vọng không tham gia phản ánh, góp ý. Điều này càng khiến “chiến dịch lập lại trật tự đô thị” càng thêm khó khăn hơn.