Phân cấp phải phù hợp sức chịu tải của quận, huyện

TPHCM thực hiện phân cấp  đấu thầu thu gom, quét dọn, vận chuyển rác là hợp lý, tuy nhiên, cần tính đến khả năng đáp ứng về công việc và nhân sự của địa phương.
Xe thu gom rác thế này không phù hợp tại TPHCM văn minh, hiện đại. Ảnh: CAO THĂNG
Xe thu gom rác thế này không phù hợp tại TPHCM văn minh, hiện đại. Ảnh: CAO THĂNG
Cách khoán diện tích quét rác chưa phù hợp 
Đại diện UBND quận 9 cho biết, toàn quận chỉ có 1 cán bộ phụ trách lĩnh vực môi trường. Tuy nhiên, ngoài công việc chuyên môn, cán bộ này cũng phải phụ trách thêm các công việc liên quan đến tài nguyên, đất đai, đô thị… nên hiệu quả chuyên trách không cao. Trên thực tế, địa bàn quận 9 là điểm nóng về ô nhiễm môi trường. Rác thải do người dân hoặc lực lượng thu gom rác dân lập không tuân thủ quy định tập kết tại các điểm hẹn, xả tràn khu vực công cộng. 
Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 155 về việc xử phạt hành vi vi phạm môi trường. Trong đó, hành vi xả rác bừa bãi khu vực công cộng có thể bị phạt từ 3 - 7 triệu đồng/hành vi. Mức phạt này được đánh giá là cao, có tính răn đe nhưng tại các quận huyện vẫn chưa tổ chức được lực lượng triển khai xử phạt theo nghị định trên. Bà Trần Thị Hồng Cúc, Chủ tịch UBND phường Tân Thành, quận Tân Phú, chia sẻ phường phải phân công nhiệm vụ kiểm tra, phát hiện và xử phạt hành vi xả rác khu vực công cộng cho Đội quản lý đô thị. Đội này cũng đang phải kiêm nhiệm thêm các công việc khác liên quan đến trật tự đô thị, xây dựng, lấn chiếm vỉa hè... nên không thực hiện thường xuyên.
Mặt khác các đối tượng có hành vi vi phạm môi trường chủ yếu là người dân buôn bán vãng lai. Số ít các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ nằm xen cài trong khu dân cư và họ thường thuê người lái xe ba gác chở rác đi đổ bậy. Thời gian họ chọn để vi phạm thường vào đêm khuya và đổ tại những khu vực đất trống, ít dân cư. Do đó, rất khó để lực lượng quản lý đô thị của phường phát hiện và xử lý. Thậm chí, nhiều trường hợp lực lượng của phường bắt quả tang nhưng không thể xử lý được do người được thuê chở rác đi đổ hoặc người buôn bán vãng lai không có đủ số tiền để đóng phạt. 
Liên quan đến công tác thực hiện đấu thầu quét dọn, thu gom và vận chuyển rác thải, việc phân cấp cần phải tính toán thêm tải lượng chịu tải của cấp cơ sở quận huyện. Đại điện UBND quận 9 thừa nhận, quận chưa thể triển khai xây dựng các tiêu chí cho vấn đề này và dự kiến sẽ không đáp ứng đúng tiến độ thời gian thực hiện vào đầu tháng 7-2017.
Riêng đại diện Phòng Tài nguyên và Môi trường quận 5 cho biết, quận đang gấp rút xây dựng tiêu chí thực hiện đấu thầu công tác vệ sinh môi trường. Tuy nhiên, quận cũng kiến nghị các cơ quan chức năng liên quan nên xem xét tính toán lại cách khoán diện tích quét đường. Hiện trung bình diện tích mặt đường phải quét là từ 1 - 3m, tính từ mép vỉa hè. Vỉa hè nhà dân không quét và chỉ quét vỉa hè của các cơ quan, tổ chức nhà nước, công viên. Cách khoán diện tích quét rác trên hiện chưa phù hợp với đặc thù của thành phố, nhất là tại nhiều tuyến đường có diện tích lòng đường rộng hơn 20m ngang. 
Đầu tư công nghệ kiểm soát môi trường
Đó là khẳng định của các chuyên gia môi trường tại cuộc họp bàn về giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường diễn ra tại TPHCM vừa qua. Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, cho biết, toàn thành phố hiện đang có 107 cán bộ, chuyên viên phụ trách về môi trường của khoảng 14 triệu người dân. Lực lượng được xem là mấu chốt, kiểm soát hậu thực thi Luật Môi trường của cộng đồng nhưng chỉ có 5 thanh tra viên. Ở cấp quận thì cán bộ phụ trách môi trường rất hạn chế, lại kiêm nhiệm nhiều việc khác nên không theo dõi xuyên suốt vấn đề. Còn với hệ thống chính quyền phường xã thì gần như không có cán bộ chuyên trách môi trường. Do đó, chất lượng triển khai các chương trình, quy định pháp luật liên quan đến lĩnh vực môi trường rất kém. Hiện sở đang đẩy mạnh hỗ trợ các quận huyện xây dựng tiêu chí đấu thầu hoạt động quét dọn, thu gom và vận chuyển rác thải. Song song đó, xây dựng bộ tiêu chí chung về quy cách phân loại rác tại nguồn, kết hợp hỗ trợ đổi mới trang thiết bị thu gom của lực lượng rác dân lập. 
Theo GS Nguyễn Văn Phước, Viện trưởng Viện Tài nguyên và Môi trường (Đại học Quốc gia TPHCM), với số lượng cán bộ môi trường hiện hữu của thành phố thì trung bình mỗi cán bộ quản lý toàn bộ hành vi ứng xử với môi trường của hơn 100.000 người dân. Tỷ lệ này thực sự là quá sức với các cán bộ môi trường. Cho đến nay, những trang thiết bị cần thiết hỗ trợ cho cán bộ môi trường quản lý cũng như kiểm soát chất lượng môi trường, hành vi ứng xử với môi trường của người dân gần như không có. Để cải thiện hiệu quả quản lý trong lĩnh vực môi trường, nhất thiết phải có trang thiết bị công nghệ hiện đại hỗ trợ. 
Không thể có đủ nhân lực rải đều trên khắp địa bàn thành phố để phát hiện và xử lý hành vi xả rác khu vực công cộng nếu hạ tầng công nghệ kiểm soát chất lượng môi trường không được quan tâm đầu tư đúng mức. PGS-TS Nguyễn Đình Tuấn, nguyên hiệu trưởng Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TPHCM, cho biết thêm, bình quân 1km2 ở TPHCM có gần 5.000 người dân, gấp 17 lần bình quân của cả nước. Theo đó, chất thải sinh hoạt, nhu cầu nước sinh hoạt và mật độ giao thông trên 1km² ở thành phố cũng cao gấp 17 lần so với cả nước. Do đó, cần phải đẩy nhanh tiến độ đầu tư hệ thống quan trắc không khí, nước tự động thay cho hệ thống quan trắc bán tự động hiện hữu. Xây dựng lộ trình đầu tư hệ thống camera giám sát chất lượng môi trường trên đường phố để tạo cơ sở huy động vai trò cộng đồng trong việc xử phạt hành vi vi phạm môi trường. Đồng thời nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường của mỗi người dân thành phố... Riêng với hoạt động thu gom, nhất thiết phải xây dựng hệ thống điểm tiếp nhận và trạm trung chuyển rác hiện đại. Các điểm tiếp nhận, trạm trung chuyển rác này có thể đầu tư hình thức xã hội hóa theo tiêu chuẩn do thành phố đưa ra. Vấn đề còn lại là thành phố phải tính đúng, tính đủ chi phí vận hành cho nhà đầu tư.

Tin cùng chuyên mục