Phản hồi loạt bài “Du lịch Việt Nam hụt hơi” - Cần cách làm bài bản, căn cơ

Phản hồi loạt bài “Du lịch Việt Nam hụt hơi” - Cần cách làm bài bản, căn cơ

Sau loạt bài “Du lịch Việt Nam hụt hơi” đăng trên Báo SGGP, nhiều chuyên gia, doanh nghiệp gắn bó lâu năm và tâm huyết với ngành du lịch VN đã có nhiều chia sẻ, trăn trở với ngành.

Đến Côn Đảo nhưng du khách ít được bố trí tắm biển trong tour tham quan. Ảnh: B.NGỌC

Đến Côn Đảo nhưng du khách ít được bố trí tắm biển trong tour tham quan. Ảnh: B.NGỌC

  • Ông Nguyễn Văn Mỹ, Giám đốc Công ty Dã ngoại Lửa Việt: Quá chú trọng lễ hội

Chúng ta phải xác định rõ du lịch là ngành công nghiệp không khói đóng góp nhiều cho kinh tế, vì giữ vai trò quan trọng nên chúng ta phải có chiến lược dài hơi cho ngành thế mạnh này. Nhưng với cách làm của du lịch VN hiện nay, chúng ta mới dừng lại ở việc khai thác dịch vụ (service), chưa thật sự trở thành công nghiệp (industry) như mong muốn.

Chúng ta có nhiều di sản để làm gì? Hoàng Thành Thăng Long đã được công nhận 2 năm nhưng đến nay vẫn chưa có khởi động nào cho khai thác du lịch. Chúng ta phải chuẩn bị trước tất cả cho việc đón đầu, khi đã công nhận phải đưa vào khai thác ngay. Đằng này, du lịch luôn chậm bước. Rồi Thành nhà Hồ (Thanh Hóa) vừa mới được công nhận di sản văn hóa thế giới, vậy bao lâu nữa nơi này mới trở thành một điểm đến du lịch? VN có đến 7 di sản thế giới, Malaysia có 3, Thái Lan có 5, Singapore không có cái nào nhưng họ vẫn phát triển du lịch tốt hơn chúng ta. Trong những năm gần đây, chúng ta quá chú tâm vào lễ hội. Lễ hội chỉ là một mảng của du lịch văn hóa nhưng tốn nhiều tiền của và không mang lại tích cực cho ngành du lịch. Lễ hội chủ yếu phục vụ cho dân địa phương, du khách không quan tâm nhiều đến lễ hội. Thay vì đầu tư cho lễ hội ta nên để dành đầu tư cho hạ tầng, đường sá phục vụ du lịch.

Tại TPHCM, nơi được xem là trung tâm kinh tế, du lịch phát triển nhất nước, bộ mặt của du lịch Việt Nam nhưng vẫn chưa giải quyết tốt vấn nạn ăn xin, người bán hàng rong đeo bám, làm phiền và cướp giật tư trang của du khách. 10 năm qua chúng ta đã bàn đến lực lượng cảnh sát du lịch nhưng đến nay vẫn chưa có, hy vọng TPHCM sẽ thực hiện để tạo hình ảnh thiện cảm trong con mắt du khách nước ngoài.

  • Ông Trần Thế Dũng, Phó Giám đốc Công ty Du lịch Thế Hệ Trẻ: Ít khảo sát, thiếu liên kết

Là thành viên thường tham gia vào những chuyến khảo sát tour của Tổng cục du lịch (TCDL) và Hiệp hội Du lịch tổ chức, tôi nhận thấy rằng, những năm trước, khi ngành du lịch chưa nhập vào sự quản lý của Bộ VH-TT-DL, TCDL làm việc năng động hơn, tổ chức được nhiều chuyến khảo sát, giúp các địa phương phát triển điểm đến. Từ lúc nhập Bộ đến nay, những chuyến khảo sát thưa dần, thậm chí TCDL không làm gì cả. Các hãng lữ hành không có nhiều cơ hội để khảo sát, tìm tuyến điểm mới, vì vậy, du lịch ở các địa phương cũng rơi vào cảnh “kín cổng cao tường”, không ai đánh thức! Ngành du lịch VN đang ở thế ì ạch hiện nay là do chưa có sự đồng bộ trong phát triển cơ sở hạ tầng, hệ thống tổ chức, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của người làm du lịch. Sự đầu tư ở các điểm tham quan nội địa còn manh mún, theo kiểu “ăn xổi” làm tới đâu khai thác tới đó, chưa hoàn thiện đã đưa vào khai thác.

Hậu quả của cách làm chụp giựt này đã tạo hình ảnh không tốt trong du khách, mất thiện cảm và người ta ra đi không muốn trở lại. Tại thị trường nội địa, các công ty lữ hành còn thụ động, không chịu khó khai thác, tìm tòi mở tour mới. Nếu muốn xây dựng chương trình tour mới, doanh nghiệp phải tự bỏ tiền túi đi khảo sát, xây dựng chương trình tour. Khi tiên phong tạo ra cái mới, mở tour, đưa vào khai thác được một thời gian thì bị bắt chước làm theo. Trong khi đó, các địa phương có điểm đến không có chính sách hỗ trợ nào cho những đơn vị tiên phong mở tour. Điều này đã làm thui chột tâm huyết của những người năng động đi trước.

  • Ông Lý Tất Vinh, Trưởng phòng Kế hoạch - Đầu tư Công ty CP Du lịch Chợ Lớn: Đường sắt, hàng không phải tham gia tích cực

Đầu tư cho du lịch không thể thu hồi vốn nhanh được, phải mất 5-10 năm mới thấy được hiệu quả. Nếu xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn thì phải kèm theo chính sách để hấp dẫn, thu hút nhà đầu tư. Hiện nay, với chính sách và thủ tục cho đầu tư còn quá nhiêu khê, rất khó thu hút nhà đầu tư vào du lịch trong và ngoài nước. Có được hạ tầng, mới đầu tư khai thác, có sản phẩm mới có thể chào mời khách đến được. Đón du khách quốc tế cũng như xuất khẩu tại chỗ! Thay vì phải mang con tôm, con cá xuất bán ra nước ngoài, thì ngay trong nước, du lịch vẫn mang lại ngoại tệ. Doanh nghiệp du lịch tự bơi nhưng sức có hạn! Ngành du lịch cần được nhìn nhận và có được chính sách hỗ trợ ở cấp vĩ mô mới có thể xoay chuyển được tình thế.

Thực tế tại VN hiện nay, giá vé máy bay quốc tế lại rẻ hơn nội địa, VN đi ngược với thế giới về vấn đề này. Điều này dẫn đến sự kém cạnh tranh không chỉ đối với khách nội địa mà ngay cả tour cho khách quốc tế. VN có hệ thống đường sắt trải dài đất nước, có điểm dừng ở hầu hết các điểm du lịch nổi tiếng nhưng chúng ta vẫn chưa khai thác phương tiện này vào du lịch. Nguyên nhân là do chi phí cho đường sắt còn quá cao, cao hơn cả đường bộ. Trong khi đó, ở các nước đường sắt được xem như phương tiện công cộng giá rẻ như xe buýt.

Mỹ Hạnh


Ý kiến: Nên tự trách mình

Thời gian gần đây những ai thường xem kênh Starsport sẽ thấy đoạn phim quảng cáo những điểm nổi bật của đội ngũ tiếp viên hãng hàng không Thái Lan như ân cần, tìm của rơi, chơi với trẻ em, giúp pha sữa, chụp hình lưu niệm… Tuy đây chỉ là những điều rất nhỏ nhưng họ vẫn chọn để quảng bá cho thấy cách phục vụ của họ rất tốt theo phương châm “Smooth as silk - Mượt mà như tơ lụa”. Từng du lịch Thái Lan vào năm đầu thập kỷ này, thời điểm du khách Việt Nam đến Thái Lan, Malaysia, Singapore khá phổ biến, những gì tôi đã tham quan cũng không khác so với bây giờ, cũng chỉ có chùa Vàng, Hoàng cung, Pattaya, sexy show, biểu diễn của những người chuyển đổi giới tính… Không có gì thay đổi lớn lao, thắng cảnh cũng không đẹp hơn nhưng du lịch Thái Lan vẫn thu hút được du khách quốc tế, đó là nhờ quảng bá và giá rẻ.

Vào giữa tháng 7-2011, gia đình tôi đăng ký du lịch tham quan Côn Đảo 3 ngày 2 đêm của một công ty du lịch lớn nhất nhì Việt Nam. Chọn Côn Đảo vì chúng tôi nghĩ đây là một điểm du lịch tương đối mới so với các điểm đến khác như Nha Trang, Phan Thiết, Phú Quốc và có những bãi biển còn hoang sơ rất đẹp, nhân tiện tham quan nhà tù khủng khiếp của bọn thực dân, đế quốc trong thời chiến tranh. Vậy nhưng, khi cầm trên tay chương trình tham quan của công ty du lịch, tôi không khỏi ngạc nhiên với cách sắp xếp thời gian. Ngày 1, đến Côn Đảo vào buổi chiều, chúng tôi sẽ được giới thiệu một số địa danh như làng Cỏ Ống, mũi Lò Vôi, nghĩa trang Hàng Keo trên đường từ sân bay về khách sạn. Sáng ngày thứ 2 sẽ được đi tham quan khu nhà tù, nghĩa trang Hàng Dương và một số địa danh. Chiều được đưa đi tắm biển. Sáng ngày thứ 3 lại đi tham quan cảng Bến Đầm và một số địa danh, rồi trả phòng trở về TPHCM. Với một nơi có những bãi biển tuyệt đẹp và hoang sơ như Côn Đảo nhưng du khách chỉ được bố trí tắm biển một lần là quá ít.

Các công ty du lịch nên xem lại cách thiết kế tour. Mặc dù, Chuồng Cọp và Nghĩa trang Hàng Dương đã ăn sâu vào ký ức nhiều người khi nhắc đến Côn Đảo, tuy nhiên cũng nên bố trí sao cho du khách vừa được tham quan nơi cần đến vừa được đắm mình trong làn nước trong xanh ở những bãi biển tuyệt đẹp của Côn Đảo. Có như thế du khách mới cảm thấy rằng Côn Đảo không chỉ có nhà tù và nghĩa trang mà còn có những nơi tuyệt vời để du khách nghỉ dưỡng, hít thở không khí trong lành.

Bảo Ngọc

Tin cùng chuyên mục