Phán quyết lịch sử cho cuộc chiến giáo phái ở Ấn Độ

Ngày 9-11, Tòa án Tối cao Ấn Độ đã ra phán quyết mở đường cho việc xây dựng một ngôi đền của đạo Hindu tại khu thánh địa đang tranh chấp gay gắt ở Ayodhya. 
An ninh được thắt chặt trên toàn Ấn Độ trước và sau khi phán quyết được đưa ra. Ảnh: Reuters
An ninh được thắt chặt trên toàn Ấn Độ trước và sau khi phán quyết được đưa ra. Ảnh: Reuters

Theo giới quan sát, đây được xem là chiến thắng lớn cho người theo chủ nghĩa dân tộc Hindu. Tuy nhiên, Thủ tướng Narendra Modi đã kêu gọi người dân bình tĩnh và phán quyết sẽ không phải là thắng lợi hay thất bại của bất kỳ bên nào.

Kế hoạch sẽ được soạn thảo trong 3 tháng

 Theo phán quyết của Tòa án Tối cao Ấn Độ, tại Ayodhya ở miền Bắc Ấn Độ, nơi đám đông tín đồ Hindu đã phá hủy một thánh đường Hồi giáo 460 năm tuổi vào năm 1992, phải được ủy thác cho một bên đáng tin cậy để giám sát việc xây dựng một đền thờ Hindu, đi kèm với các điều kiện khác. Trong khi đó, người Hồi giáo sẽ được cấp một mảnh đất khác rộng khoảng 5 mẫu Anh ở Ayodhya để xây một nhà thờ Hồi giáo mới.

Khu vực Ayodhya thuộc bang Uttar Pradesh là nơi tranh chấp giữa các cộng đồng người Hindu và Hồi giáo từ rất lâu. Thánh đường Hồi giáo Babur từng được xây dựng tại đây, trong khi người Hindu coi địa danh này là quê hương của thần Rama và thánh đường Babur được xây dựng trên nền đất trước đó là đền thờ thần Rama bị người Hồi giáo phá hủy trong lịch sử. Năm 1992, thánh đường Babur đã bị người Hindu phá hủy dẫn tới các vụ bạo loạn trên toàn Ấn Độ làm khoảng 2.000 người thiệt mạng, chủ yếu là người Hồi giáo. 

Trước khi phán quyết được đưa ra, Thủ tướng Narendra Modi đã kêu gọi người dân bình tĩnh và phán quyết sẽ không phải là thắng lợi hay thất bại của bất kỳ bên nào. Phán quyết được đưa ra chỉ 6 tháng sau khi Thủ tướng Narendra Modi và chính phủ đảng Bhmà atiya Janata (BJP) - vốn đặt trọng tâm phục hồi Đền Ram tại Ayodhya trở thành tâm điểm trong chương trình nghị sự quốc gia - giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử. Các thẩm phán tòa án tối cao cho biết kế hoạch cho ngôi đền sẽ được soạn thảo trong vòng 3 tháng tới.

Cuộc chiến giáo phái có chấm dứt?

 Việc Tòa án Tối cao Ấn Độ ra phán quyết mang tính lịch sử trên nhằm chấm dứt cuộc chiến pháp lý và giáo phái cay đắng kéo dài hàng thập kỷ qua. Báo Guardian nhận định, với phán quyết này, Tòa án Tối cao đã đưa ra một thông điệp về sự thống nhất trong đa dạng. Tuy nhiên, ông Zafaryab Jilani, luật sư của Hội đồng Sunni Wakf của cộng đồng tín đồ Hồi giáo, đã thách thức quyết định này và cho biết hội đồng sẽ họp sau để quyết định có nên nộp đơn kháng cáo hay không. Ông nói: “Chúng tôi tôn trọng Tòa án Tối cao, chúng tôi tôn trọng phán quyết, nhưng chúng tôi không hài lòng với điều này. Có rất nhiều mâu thuẫn trong phán quyết. 5 mẫu Anh không có giá trị”. 

Trước thời điểm phán quyết được công bố, Ấn Độ đã yêu cầu tăng cường an ninh trên toàn quốc trước thời điểm Tòa án Tối cao nước này ra phán quyết về vụ tranh chấp Ayodhya vào 10 giờ 30 phút ngày 9-11. Chính phủ cũng đã yêu cầu chính quyền các bang và lãnh thổ liên bang triển khai lực lượng an ninh đầy đủ tại tất cả các địa điểm nhạy cảm để đảm bảo không có bất kỳ sự cố đáng tiếc nào có thể xảy ra.

Bộ Nội vụ Ấn Độ đã điều động khoảng 4.000 nhân viên bán quân sự tới bang Uttar Pradesh, đặc biệt là tại Ayodhya. Bang Uttar Pradesh cấm mọi vụ tụ tập trên 4 người. Uttar Pradesh đóng cửa trường học từ ngày 9 đến 11-11 trong khi trường học tại một số bang khác như Karnataka, Jammu và Kashmir và Madhya Pradesh sẽ đóng cửa trong ngày 9-11 như một biện pháp phòng ngừa rủi ro. Công tác bảo vệ Chánh án Tòa án Tối cao Ranjan Gogoi, người sẽ cùng với 4 thẩm phán khác đưa ra phán quyết, đã được nâng lên mức Z.

Tin cùng chuyên mục