(SGGP).- Ngày 25-11, tại TPHCM, Viện Nhà nước và pháp luật phối hợp với Trường Đại học Sài Gòn tổ chức hội thảo khoa học “Đánh giá 10 năm (2001-2010) xây dựng Nhà nước pháp quyền và những luận cứ khoa học cho việc tiếp tục xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam giai đoạn 2011-2020”.
Có ý kiến cho rằng, những chuyển biến cơ bản và quan trọng trong nhận thức về Nhà nước pháp quyền và trong việc định hình quan điểm xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam chỉ thực sự có được từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII cho đến nay. Những năm qua, mối quan hệ giữa Nhà nước và công dân được cải thiện đáng kể theo nguyên tắc quan hệ qua lại về quyền và nghĩa vụ giữa hai chủ thể trong xã hội; quyền con người, quyền công dân ngày càng được bảo đảm, thực thi và bảo vệ tốt hơn. Đặc biệt, thể chế hành chính của nước ta đã thể hiện nhiều mặt tích cực.
Tuy nhiên, có ý kiến nhận định, hệ thống pháp luật nước ta vẫn còn tồn tại nhiều yếu kém và bất cập, chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của đất nước và yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
Do đó, cần phải tiếp tục đề cao hiến pháp và pháp luật trong đời sống nhà nước và đời sống xã hội; phân định rõ hơn: quyền lập hiến, lập pháp và tổng thể tổ chức, hoạt động của Quốc hội; quyền hành pháp và mô hình tổ chức, hoạt động của Chính phủ; quyền tư pháp và mô hình tổ chức, hoạt động của cơ quan tư pháp. Đồng thời, phân cấp rõ hơn thẩm quyền quản lý và mô hình tổng thể tổ chức, hoạt động của cơ quan chính quyền địa phương…
Tại hội thảo, các nhà khoa học, nghiên cứu cũng tập trung thảo luận về thực trạng tổ chức và thực hiện quyền tư pháp, quyền hành pháp, phản biện xã hội đối với hoạt động của các cơ quan nhà nước và đội ngũ CBCC trong Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam...
H.HIỆP