Tổng cục Cảnh sát trả lời báo chí về vụ PMU 18

Chưa có kết luận cuối cùng về một số nghi vấn

Chưa có kết luận cuối cùng về một số nghi vấn

Không như mong đợi của báo chí, nội dung cuộc họp báo được Tổng cục Cảnh sát tổ chức hôm qua (5-5) tại Hà Nội là buổi công bố về kết quả đấu tranh phòng chống tội phạm và giữ gìn trật tự an toàn xã hội nói chung, không phải họp báo riêng về vụ PMU 18. Tuy nhiên, hai vị tướng công an, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Lê Thành và Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (C14) Phạm Xuân Quắc đã giải đáp một số câu hỏi của báo chí về vụ án này.

  • Không có chuyện chuyên án sẽ dừng lại

- Phóng viên: Sau Đại hội Đảng X, dư luận cho rằng thông tin về vụ PMU 18 có phần chững lại, điều này có đúng không?

Chưa có kết luận cuối cùng về một số nghi vấn ảnh 1

Thiếu tướng Lê Thành (phải) và Thiếu tướng Phạm Xuân Quắc chủ trì họp báo.

- Thiếu tướng LÊ THÀNH: Tôi là Phó ban chỉ đạo chuyên án xin khẳng định, không hề có chuyện chuyên án này dừng lại. Chúng tôi với trách nhiệm của mình sẽ phải làm đến cùng. Và cũng như chỉ đạo của Trung ương, của Bộ Công an: tất cả những cán bộ nào nếu vi phạm đều sẽ phải làm rõ và xử lý nghiêm minh.

- Cơ quan điều tra cho biết: Nguyễn Việt Tiến và Bùi Tiến Dũng cho “mượn” nhiều xe ô tô là sai. Vậy những cơ quan đã “mượn” xe có bị xử lý hay không?

- Thiếu tướng LÊ THÀNH:
Chúng tôi sẽ phải làm rõ vấn đề này.

- Việc “cho mượn” xe ô tô của Nguyễn Việt Tiến và Bùi Tiến Dũng là cả một quá trình, có liên quan tới một số lãnh đạo tiền nhiệm của Bộ GT-VT. Vậy cơ quan điều tra có mở rộng điều tra tới những người này không?

* Thiếu tướng LÊ THÀNH:
Tất cả những người có liên quan đến vấn đề này cơ quan điều tra đều phải hỏi, không phải chỉ riêng ở Bộ GT-VT mà cả các cơ quan khác. Khi làm rõ chứng cứ phạm tội, chắc chắn sẽ phải xử lý nghiêm minh.

  • Chưa có chứng cứ kết luận một số quan chức “chạy án”

- Được biết, Thường vụ Đảng ủy Tổng cục Cảnh sát đã nghe báo cáo bước đầu về trường hợp Thiếu tướng Cao Ngọc Oánh (Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát). Vậy Thiếu tướng Oánh đã báo cáo những gì, và đến bao giờ sẽ có kết luận về sự liên đới trong việc “chạy án” cho Bùi Tiến Dũng của thiếu tướng Oánh?

- Thiếu tướng LÊ THÀNH:
Khi những đối tượng phạm tội tìm cách chạy tội cho mình, đương nhiên sẽ tìm đến những người có thẩm quyền giải quyết. Còn với trường hợp đồng chí Oánh, hôm họp thường vụ của chúng tôi không phải là buổi kiểm điểm, mà là trước thông tin báo chí nêu, chúng tôi đề nghị đồng chí Oánh báo cáo vụ việc. Đồng chí Oánh có quan hệ với Tôn Anh Dũng, nhưng là quan hệ cùng quê, và sau đó có quan hệ gần gũi. Còn việc có “chạy án”, tiền có đưa đến nơi hay chưa thì theo đồng chí Oánh báo cáo là “không hề có”. Việc cần làm rõ sẽ phải chờ Ban chuyên án. Nếu có sai phạm hình sự thì xử lý theo hình sự, nếu có sai phạm về quy chế thì phải xử lý theo kỷ luật hành chính. Còn đến giờ phút này, xin khẳng định chưa có chứng cứ, dấu hiệu gì để kết luận thiếu tướng Cao Ngọc Oánh “chạy án”.

- Trước Đại hội Đảng, cơ quan điều tra có văn bản khẳng định đồng chí Đoàn Mạnh Giao, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) (người đã tham gia bữa ăn trưa với Tôn Anh Dũng ở khách sạn Melia) không liên quan đến việc “chạy án”. Tại sao tham gia bữa cơm đó có 5 người, nhưng chỉ kết luận 1 trường hợp không “chạy án”?

- Thiếu tướng PHẠM XUÂN QUẮC:
Không riêng đồng chí Đoàn Mạnh Giao, mà cho đến giờ Ban chuyên án vẫn chưa có tài liệu nói rằng bữa cơm hôm đó là bữa cơm “chạy án”. Vậy thì đương nhiên cũng chưa thể nói những người ngồi ăn là “chạy án”. Riêng trường hợp đồng chí Giao, là đại biểu đi dự Đại hội Đảng, Ban tổ chức Đại hội có yêu cầu trả lời trong bữa cơm đó, đồng chí Giao có phải là tham gia chạy án hay không? Vì vậy, cơ quan điều tra mới có văn bản trả lời như vậy. Còn những người khác, đồng chí Oánh, đồng chí Lâm (Phó Chủ nhiệm VPCP), đồng chí Vinh (Vụ phó Vụ chống tham nhũng VPCP) cũng ăn ở đó; nhưng có ai hỏi đâu, nên chúng tôi không trả lời.

- Ngoài bữa cơm ở Melia, còn có bữa cơm khác ở nhà hàng Phố Núi do Nguyễn Mậu Thôn tổ chức, có sự tham gia của Nguyễn Văn Tùng (cán bộ Ban Tổ chức Trung ương), ông Hồng ở Viện KSND tối cao, và Đại tá Lê Văn Nam thuộc Tổng cục An ninh (Bộ Công an). Có dư luận cho biết Nguyễn Mậu Thôn đã đưa 40.000 USD để “chạy án” trong bữa cơm này. Vậy đến nay cơ quan điều tra đã có kết luận gì?

- Thiếu tướng PHẠM XUÂN QUẮC: Đúng là có bữa cơm đó, nhưng họ nói gì, làm gì thì chỉ những người ăn mới biết. Tất cả những người đó đều nói bữa cơm không liên quan đến “chạy án”. Và chúng tôi đến nay cũng chưa có tài liệu nào kết luận có việc đưa tiền “chạy án” trong bữa cơm đó.

- Có thông tin cho biết Đại tá Lê Văn Nam đã từng bảo lãnh cho Lai Thành Hữu (Ngô Tiến Dũng, tức Dũng “kiều”)?

- Thiếu tướng PHẠM XUÂN QUẮC: Ban chuyên án cũng có nhận được một số đơn tố giác về vấn đề này, và chúng tôi đang xác minh.

- Ngoài sai phạm của các bị can trong vụ án, dư luận đang rất quan tâm đến việc làm sao thu hồi được khoản tiền hàng triệu USD mà các đối tượng đã “đục khoét” của Nhà nước?

- Thiếu tướng LÊ THÀNH: Trong các vụ án, mục tiêu đầu tiên là làm sao thu hồi được các tài sản thất thoát. Vì vậy, việc thu hồi tài sản thất thoát trong vụ PMU 18 cũng là mong mỏi của chúng tôi, và chúng tôi đang nỗ lực để làm việc này.

Tách vụ đánh bạc và tổ chức đánh bạc ra xét xử trước

Tại buổi họp báo, Thiếu tướng Phạm Xuân Quắc đã công bố một số kết luận ban đầu trong vụ PMU 18. Liên quan đến vụ án đánh bạc, tổ chức đánh bạc, cá độ bóng đá, có tổng số 57 đối tượng tham gia, trong đó có 4 người là cán bộ Bộ GT-VT, 1 người thuộc Công an Hà Nội. Tổng số tiền Bùi Tiến Dũng đặt cược đánh bạc với Bùi Quang Hưng và Nguyễn Văn Hồng tính từ tháng 9-2005 đến 6-12-2005 là 2,6 triệu USD.

Trong đó, có trận đặt cược nhiều nhất với Bùi Quang Hưng là 320.000 USD, với Nguyễn Văn Hồng là 268.000 USD. Ngoài ra, Bùi Tiến Dũng còn cá độ với Nguyễn Trung Hiếu (Hiếu “béo”), nhưng do Hiếu đã bỏ trốn nên cơ quan điều tra chưa có tài liệu đầy đủ. Đến nay, hầu hết các đối tượng bị bắt đã nhận tội, nên theo tướng Quắc, sẽ tách vụ án đánh bạc và tổ chức đánh bạc ra để xét xử trước, còn các vụ án khác sẽ tiếp tục điều tra.

Vụ cố ý làm trái các quy định quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng, Thiếu tướng Quắc cho biết thêm: “C14 sẽ chỉ điều tra những sai phạm trong dự án QL18 của PMU18, còn những dự án khác của PMU 18 sẽ giao cho C15 điều tra tiếp”.

Trong vụ án “đưa, nhận, môi giới hối lộ” (gọi tắt là “chạy án”), C14 đã khởi tố 6 bị can. Đến nay, đã xác minh đủ tài liệu ban đầu chứng minh Bùi Tiến Dũng đã tung 59.500 USD và 50 triệu đồng để chạy án. Số tiền được tung làm 3 mũi: Nguyễn Mậu Thôn (500 triệu đồng), Nguyễn Đình Toản (9.500 USD và 50 triệu đồng), Tôn Anh Dũng (30.000 USD). “Còn một số người trong cơ quan tư pháp có chạy án hay không thì đến nay chưa có tài liệu kết luận” – tướng Quắc nói.

BẢO MINH ghi

Tin cùng chuyên mục