Ngày thứ bảy phiên tòa xét xử vụ án chạy quota dệt may

Đại diện Bộ Thương mại “bào chữa” cho… cơ chế xin-cho

Hôm qua 21-3, trong ngày thứ bảy xét xử vụ án chạy quota dệt may xảy ra tại Bộ Thương mại, trong khi các luật sư bào chữa cho nhóm các bị cáo “đưa hối lộ” cho rằng việc thân chủ họ phải bỏ tiền “mua”quota dệt may đều xuất phát từ cơ chế xin-cho của Bộ Thương mại, còn đại diện của bộ này thì “bào chữa” cơ chế này được thực hiện hết sức công khai, minh bạch…

Các luật sư cùng “tố” cơ chế xin-cho

Mở đầu phần bào chữa cho bị cáo Trần Thu Lan, luật sư Trương Thị Hòa xin không tranh luận về mặt tội mà chỉ đề nghị HĐXX xem xét một số vấn đề, trong đó nhấn mạnh đến động cơ, nguyên nhân phạm tội của bị cáo này. Theo luật sư Hòa, xuất phát từ cơ chế xin-cho của Bộ Thương mại có quá nhiều bất cập, trong khi chỉ vì mục đích muốn có đủ quota dệt may để xuất hàng sang Hoa Kỳ đối với những hợp đồng đã ký kết với đối tác và cũng vì sự tồn vong của doanh nghiệp, của hơn 600 công nhân... không còn con đường nào khác để lựa chọn, Lan đã thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Trong khi đó, cũng với quan điểm tương tự, các luật sư Nguyễn Đăng Trừng và Chu Khắc Hoài Dương tham gia bào chữa cho bị cáo Lai Wai Hung, cho rằng bị cáo này chỉ là người làm thuê, không có ý chí đưa hối lộ, không hưởng lợi gì từ việc doanh nghiệp mà bị cáo đang làm việc được cấp quota dệt may nên đề nghị tòa bị cáo này không phạm tội đưa hối lộ.

Bởi theo các luật sư, toàn bộ số tiền mà bị cáo Bùi Văn Tuấn và bị cáo Nguyễn Cương nhận từ Lai Wai Hung đều do các ông chủ của Lai Wai Hung chuyển từ Hồng Công sang còn bị cáo này chỉ là người thừa hành. “Việc làm của bị cáo Lai Wai Hung cũng xuất phát từ cơ chế xin - cho của Bộ Thương mại và cũng như nhiều doanh nghiệp khác, Lai Wai Hung với áp lực từ các ông chủ đã buộc phải tìm cách lo lót, nhờ người “chạy giúp” quota”, luật sư Nguyễn Đăng Trừng phát biểu. Cùng “tố” cơ chế xin-cho của Bộ Thương mại, luật sư Nguyễn Bảo Ngọc khi bào chữa cho Lưu Thị Minh Hiền, Giám đốc Công ty TNHH Hải Minh, đã lập luận hoàn cảnh lúc đó buộc thân chủ của mình không còn cách nào khác phải bỏ số tiền 50.000USD để đưa cho Bùi Kim Dung nhờ “chạy” quota dệt may vì nếu không công ty của Hiền sẽ vi phạm hợp đồng với đối tác...

Đại diện Bộ Thương mại “bào chữa”…

Chiều qua, trong phần tham gia phát biểu quan điểm, trình bày kiến nghị với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, đại diện Bộ Thương mại, bà Phan Thị Diệu Hà (Phó ban Điều hành hạn ngạch, Bộ Thương mại) cho rằng để tồn tại cơ chế xin-cho trong việc phân giao hạn ngạch dệt may là hoàn toàn do hoàn cảnh khách quan. Bà Hà trình bày: “Hạn ngạch dệt may là do phía Hoa Kỳ áp đặt vì họ là nước nhập khẩu, số lượng hạn ngạch rất hạn chế nhưng nhu cầu của thương nhân là rất lớn nên phải có cơ chế để quản lý.

Việc phân chia hạn ngạch chúng tôi thực hiện bằng quy trình hết sức chặt chẽ, công khai, minh bạch và đã được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao vì chúng tôi đã tích cực cải cách các thủ tục hành chính…” (?). Để “chứng minh” quy trình phân bổ hạn ngạch dệt may là “minh bạch, công khai” và “không phải như doanh nghiệp ta thán hoặc đã khai báo tại tòa” vị đại diện Bộ Thương mại đã trình bày quan điểm của mình trước tòa như một bài bào chữa. Và có lẽ chịu không nổi trước phần trình bày của đại diện Bộ Thương mại quá dài dòng, không đúng trọng tâm, HĐXX đã phải nhắc nhở liên tục để vị này trình bày thẳng vào vấn đề, cụ thể là những kiến nghị… và cuối cùng chủ tọa phiên tòa buộc phải mời vị đại diện này trở về chỗ.

Trước đó, trong phần tự bào chữa cho mình, bị cáo Mai Văn Dâu sau một hồi kể lể tình trạng bệnh tật của bản thân mới chịu “vào đề” để bào chữa, tranh luận về quan điểm luận tội của đại diện VKSND TPHCM dành cho bị cáo này. “Bị cáo xin tiếp tục khẳng định bị cáo không hề nhận một đồng nào từ bị cáo Nguyễn Cương, việc bị cáo có những lời khai nhận 4.000 USD hay 6.000 USD của Nguyễn Cương là do sau khi bị bắt tạm giam sức khỏe bị cáo quá yếu tưởng chừng không qua khỏi. Lúc này cán bộ điều tra liên tục hỏi cung và cho bị cáo biết Nguyễn Cương đã khai nhận đưa cho tôi 38.000 USD rồi khuyên tôi nên nhận tội để được tại ngoại.

Vì quá lo lắng trước tình hình bệnh tật, mặt khác con trai tôi cũng đã bị bắt giam trước đó nên tinh thần tôi rất khủng hoảng nên mới có suy nghĩ cứ khai nhận hối lộ từ Nguyễn Cương theo gợi ý của cán bộ điều tra để được tại ngoại chữa bệnh…”, Mai Văn Dâu trình bày. Riêng bị cáo Phan Nghĩa Hiệp (bị đại diện VKS đề nghị phạt tù từ 6 – 8 năm về tội danh “Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi”) khi bào chữa cho mình đã cho rằng việc bị cáo này đứng ra xin giúp hạn ngạch cho doanh nghiệp là đã “củng cố lòng tin” của doanh nghiệp đối với Bộ Thương mại vì trong thời gian đó đã có rất nhiều thông tin cán bộ của bộ này có thái độ nhũng nhiễu, làm khó doanh nghiệp… và xin HĐXX xem xét mức án vì cho rằng mức hình phạt của đại diện VKS đề nghị cho bị cáo này là quá nặng.

Hôm nay 22-3, phiên tòa tiếp tục với phần tranh luận giữa đại diện Viện Kiểm sát với các luật sư. 

CÔNG QUỐC

Thông tin liên quan

* Cơ chế xin – cho gây ra tội phạm!

* Bị cáo Mai Văn Dâu bị đề nghị mức án 10 đến 12 năm tù

* Doanh nghiệp không biết hành vi bỏ tiền “mua” quota là phạm tội (!?) 

* Bị cáo Phan Nghĩa Hiệp: Thân quen với lãnh đạo Bộ Thương mại nên “chạy” quota

* Lê Văn Thắng: Bị cáo nhận tiền trong thế… bị động

* Có tiền, có quan hệ là có quota

* “Cò quota” Nguyễn Cương phủ nhận những gì đã khai tại cơ quan điều tra

Tin cùng chuyên mục