Ngày thứ tư xét xử vụ án chạy quota dệt may

Bị cáo Phan Nghĩa Hiệp: Thân quen với lãnh đạo Bộ Thương mại nên “chạy” quota

Bị cáo Phan Nghĩa Hiệp: Thân quen với lãnh đạo Bộ Thương mại nên “chạy” quota

(SGGP online) - Sáng nay 16-3, ngày thứ 4 phiên tòa xét xử vụ án chạy quota dệt may xảy ra tại Bộ Thương mại tiếp tục với phần thẩm vấn nhóm bị cáo có hành vi lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi.

Bị cáo Phan Nghĩa Hiệp: Thân quen với lãnh đạo Bộ Thương mại nên “chạy” quota ảnh 1

Cò quota Phan Nghĩa Hiệp.
Ảnh: Công Quốc

Tòa cho gọi bị cáo Phan Nghĩa Hiệp để xét hỏi về hành vi lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để “chạy” quota dệt may cho các Công ty: Phú Hoa, Thắng Hoành, McCall và Xí nghiệp Sasanga tại TPHCM.

Tòa hỏi: “Cáo trạng của VKSND Tối cao truy tố bị cáo phải chịu trách nhiệm hình sự về số tiền 28.850 USD, bị cáo thấy có đúng không?”. “Dạ như vậy là không chính xác”, Hiệp trả lời. “Bị cáo có nhận chạy hạn ngạch cho các doanh nghiệp Phú Hoa, Thắng Hoành, MacCall, Sasanga không?”, Tòa hỏi. “Dạ có, nhiều doanh nghiệp đến gặp tôi đề nghị tôi giúp đỡ vì họ nộp xin hạn ngạch ở Bộ Thương mại khó khăn quá”, Hiệp khai.

Tòa hỏi tiếp: “Vậy thời điểm đó bị cáo đang làm công việc gì”, “Dạ bị cáo đã nghỉ hưu, vì rảnh rỗi không làm gì nên khi bạn bè, anh em doanh nghiệp nhờ giúp đỡ bị cáo đã làm giúp”, Hiệp đáp ngay. “Việc cấp quota là thuộc thẩm quyền của cơ quan nhà nước, ở đây cụ thể là Bộ Thương mại, còn bị cáo thì đang nghỉ hưu, không có chức năng quyền hạn. Vậy thì dựa vào đâu bị cáo giúp được người khác có quota?”, Tòa hỏi. “Bị cáo nói với họ là có thân quen với anh Tuyển Bộ trưởng (Bộ trưởng Bộ Thương mại) và anh Dâu (nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại) nên nghĩ là sẽ nhờ mấy anh đó giúp được”, Hiệp “khoe”.

Theo cáo trạng của VKSND Tối cao, “cò quota” Phan Nghĩa Hiệp đã lợi dụng mối quan hệ quen biết của mình đối với một số quan chức Bộ Thương mại để nhận hồ sơ xin hạn ngạch của các doanh nghiệp nhằm hưởng lợi số tiền bất chính tổng cộng 28.850USD.

Liên quan đến các phi vụ chạy quota dệt may đáng giá hàng chục ngàn đô-la, bị cáo Hiệp khai rành mạch trước tòa: “Lần thứ nhất bị cáo "lo" cho Công ty Phú Hoa của chị Lý Huệ Mẫn và Công ty Thắng Hoành của bà Hậu Thiên Hoa. Họ mang hồ sơ đến nhờ bị cáo, bị cáo đọc qua rồi yêu cầu họ phải sửa lại đôi chút, phần “kính gửi” bị cáo yêu cầu phải viết phía trên là gửi Bộ trưởng Bộ thương mại, phía dưới gửi Vụ Xuất nhập khẩu… Vài ngày sau, bị cáo ra Hà Nội đến phòng anh Dâu ở Bộ Thương mại để nộp hồ sơ xin hạn ngạch”.

Trình bày đến đây, bị cáo Hiệp xin “mở ngoặc” để “khoe”: “Vì bị cáo và anh Dâu là chỗ thân quen, lần đi này bị cáo mang theo thiệp mời đám cưới con của bị cáo ra Hà Nội mời khách, trong đó có anh Dâu. Trước đấy anh Dâu tổ chức đám cưới cho con trai, anh Dâu cũng có mời bị cáo đến dự, anh Dâu còn nói ”cậu là 1 trong 10 người ở TPHCM tôi mời đấy”. Theo bị cáo Hiệp, chỉ sau vài mươi phút nói chuyện “trên trời dưới đất” tại phòng anh Dâu thì được nguyên Thứ trưởng Dâu bút phê bên góc trái hồ sơ “K/c vụ XNK…”. “Sau khi được anh Dâu bút phê, bị cáo đem sang phòng văn thư để nộp, chờ kết quả”.

Theo lời khai của bị cáo Hiệp, đến đầu tháng 11-2003, hai doanh nghiệp trên được xét cấp hạn ngạch với tổng cộng 7.000 tá, Hiệp được bà Hậu Thiên Hoa, Lý Huệ Mẫn đưa 5.400USD.

“Còn lần thứ 2?”, Tòa hỏi bị cáo Hiệp. “Dạ lần thứ hai bị cáo xin hạn ngạch cho Công ty Mc Call và Xí nghiệp Sasanga. Lần này bị cáo ra Hà Nội gặp Bộ Trưởng Trương Đình Tuyển ở văn phòng tại Bộ Thương mại, anh Tuyển cũng là chỗ quen biết nên sau khi nghe bị cáo trình bày khó khăn của doanh nghiệp, anh Tuyển kêu bị cáo để hồ sơ lại để anh ấy xem xét, giải quyết. Vài ngày sau thì chị Hà, văn thư của Bộ Thương mại báo cho bị cáo biết hai bộ hồ sơ này đã được anh Tuyển bút phê “Chuyển vụ XNK…”. Sau đó hai doanh nghiệp này được cấp hạn ngạch tổng cộng 1.832 tá”. Trong phi vụ này, Hiệp được 11.450USD và được ông Chu Văn Đàm (người nhờ Hiệp lo giúp hạn ngạch cho hai công ty trên) cấn trừ vào số tiền 15.000USD ông Đàm đã cho Hiệp vay trước đó.

“Lần thứ 3?”, Tòa hỏi tiếp. “Dạ lần thứ ba bị cáo lại ra Hà Nội để gặp anh Dâu xin hạn ngạch cho Công ty Phú Hoa của bà Hậu Thiên Hoa, lần này anh Dâu cũng bút phê vào hồ sơ “K/c Vu XNK” và sau đó công ty này đã được xét cấp hạn ngạch, còn bị cáo được bà Hoa đưa 12.000USD”. “Như vậy chẳng phải tổng cộng bị cáo đã nhận 18.850 USD, sao bị cáo nói là VKS truy tố không chính xác?”, Tòa hỏi. “Dạ ở đây bị cáo xin nói rõ vì có sự nhầm lẫn, số tiền trong lần thứ hai bị cáo chỉ cấn trừ nợ chứ không nhận”, Hiệp trả lời. “Đúng rồi, vì bị cáo đã dùng số tiền đó để cấn trừ nợ thì làm sao còn nhận được nữa”, Tòa giải thích, còn bị cáo Hiệp im lặng. 

Cũng trong buổi sáng nay, HĐXX đã xét hỏi các bị cáo còn lại là Trần Văn Sửu, nguyên Trưởng phòng Quản lý XNK khu vực Hải Phòng-Bộ Thương mại, bị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và bị cáo Trịnh Thị Hồng Điệp bị truy tố về tội “Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi.

Trong phần thẩm vấn sáng nay, bị cáo Trần Văn Sửu đã thừa nhận hành vi nhận 2.000 USD của Tăng Phát Bảo để ký cấp visa xuất khẩu hàng dệt may sang Hoa Kỳ trái nguyên tắc cho nhóm doanh nghiệp của Tăng Phát Bảo. Tương tự, bị cáo Trịnh Thị Hồng Điệp cũng đã thừa nhận hành vi lợi dụng sự quen biết với Lê Văn Thắng, nguyên Phó vụ trưởng Vụ XNK Bộ Thương mại để xin hạn ngạch cho các công ty Hiệp Tường và Phú Hoa để hưởng lợi bất chính 12.300USD.

Đến 10 giờ 30 phút sáng nay phiên tòa tiếp tục với phần tham gia thẩm các bị cáo của luật sư. Theo thông báo, trong chiều nay HĐXX bắt đầu thẩm vấn những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.

CÔNG QUỐC

Thông tin liên quan

- Ngày thứ 3 xét xử vụ án chạy quota dệt may

- Ngày thứ hai xét xử vụ án chạy quota dệt may

- Ngày đầu tiên xét xử vụ chạy quota dệt may

Tin cùng chuyên mục