“Hóa phép” đất công ở Cần Giờ, TPHCM - Bài 1: Màn “ảo thuật” công - tư

Lấy cớ “đất công” để được giao đất
“Hóa phép” đất công ở Cần Giờ, TPHCM - Bài 1: Màn “ảo thuật” công - tư

Lấy cớ “đất công” để được giao đất

“Hóa phép” đất công ở Cần Giờ, TPHCM - Bài 1: Màn “ảo thuật” công - tư ảnh 1

Hàng chục ha rừng tự nhiên đã cấp sổ đỏ cho tư nhân, sau đó bị phá để xây dựng Khu dân cư nhà vườn du lịch của Công ty Phước Lộc.

Ngày 15-10-2002, thông qua Quyết định số 662, Công ty TNHH Phước Lộc được UBND huyện Cần Giờ, TPHCM chấp thuận cho làm chủ đầu tư xây dựng Khu dân cư nhà vườn du lịch tại xã Long Hòa.

Ngày 23-1-2003, sau khi Văn phòng Kiến trúc sư trưởng TP có văn bản thỏa thuận nguyên tắc đồ án quy hoạch chi tiết 1/2000, UBND huyện Cần Giờ chính thức có tờ trình số 58/CV-UB gửi UBND TP xin sử dụng 569.000m² đất ở khu vực nói trên để Phước Lộc thực hiện dự án.

Ngày 2-6-2003, Sở Địa chính (nay là Sở TN-MT) có báo cáo số 3742 xin UBND TP chủ trương giải quyết một số hồ sơ xin giao đất của UBND huyện Cần Giờ, trong đó có dự án của Phước Lộc. Theo hồ sơ này, UBND huyện Cần Giờ đã báo cáo rõ nguồn gốc khu đất xin thực hiện dự án của Phước Lộc là “có đến 500.000m²/570.000m² (số liệu đã được UBND huyện Cần Giờ làm tròn – PV) là đất do UBND huyện Cần Giờ trực tiếp quản lý”.

Đây là khu vực có nguồn gốc đất bồi, phần lớn là ao trũng, rừng tự nhiên, một ít là rạch nhỏ và nhà dân. Chính vì lý do khu vực xin lập dự án chủ yếu là “đất công”, ít phải giải tỏa đền bù nên Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ “xin chỉ đạo của UBND TP xem xét chấp thuận phương án giao đất cho các doanh nghiệp có khả năng đầu tư xây dựng theo dự án được duyệt…”.

Nội dung kiến nghị này đã được UBND TP chấp thuận và giao cho các sở liên quan “tích cực hỗ trợ” UBND huyện Cần Giờ thực hiện - thông qua văn bản 1383 ngày 24-6-2003. Và sau khi kiểm tra, ngày 30-3-2005, tại tờ trình số 1936, Sở TN-MT TP tiếp tục khẳng định: “…phần lớn diện tích khu đất có nguồn gốc là “đất công” do huyện quản lý”, để kiến nghị UBND TP giải quyết hồ sơ giao đất cho Phước Lộc.

Từ các đề xuất trên, ngày 13-5-2005, UBND TP chính thức có quyết định số 2310 giao đất cho doanh nghiệp này. Cuối năm 2006, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (số T00021/14 ngày 15-12-2006) được UBND TP cấp cho Phước Lộc, với diện tích sử dụng qua đo đạc thực tế là 542.246m², toạ lạc tại tờ bản đồ số 1, số 2 và số 35.

Đền bù: công hóa thành... tư

Căn cứ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi được UBND huyện Cần Giờ (Phó Chủ tịch Đoàn Văn Thu ký duyệt) thông qua ngày 1-11-2004 thì Phước Lộc phải nộp nghĩa vụ cho nhà nước 40.020,56m² đất nền (tương ứng 8% diện tích của 500.257m² đất công – số liệu đo đạc thực tế là 540.859,4m²).

Theo Công văn 1809 ngày 8-4-2004 và 4069 ngày 12-7-2004 của Sở Tài chính - đã được UBND TP chấp thuận thông qua văn bản 4393 ngày 29-7-2004 - việc thực hiện nghĩa vụ bồi thường “đất công” cho nhà nước của Công ty Phước Lộc được thực hiện theo phương thức hoán đổi lại nền đất ở đã đầu tư hạ tầng kỹ thuật.

Cũng tại văn bản 4393, Sở TN-MT và UBND huyện Cần Giờ được giao “tiếp nhận quản lý và sử dụng quỹ đất này phục vụ yêu cầu tái định cư cho các dự án đầu tư của nhà nước theo chỉ đạo của UBND TP”.

Trên cơ sở quyết định giao đất cho Phước Lộc, ngày 22-6-2005 Sở Tài chính có văn bản (số 4361) yêu cầu UBND huyện Cần Giờ “cung cấp vị trí, địa điểm, nguồn gốc, hiện trạng và diện tích từng loại đất của khu đất” để sở hướng dẫn công ty thực hiện bồi thường về đất có nguồn gốc do nhà nước trực tiếp quản lý. Nhưng lúc này, thông qua hai văn bản, UBND huyện Cần Giờ lại báo cáo xác định hiện trạng “đất công” do nhà nước quản lý chỉ có tổng cộng 100.972m² (trong đó có 3.760m² đất sông rạch và 97.212m² đất ven sông rạch), còn “hầu hết là đất của các hộ dân sử dụng” (?!).

Hai báo cáo trên, một do ông Đoàn Văn Thu – Phó chủ tịch UBND huyện - ký (số 890 ngày 25-11-2005), một do ông Nguyễn Bình Trứ - cũng là phó chủ tịch - ký (số 291 ngày 5-12-2005). So với báo cáo lúc đầu của UBND huyện Cần Giờ thì diện tích “đất công” đến lúc này đã bị “teo” xấp xỉ 400.000m² (500.257m² – 100.972m²), còn so với các tài liệu kê khai đăng ký theo Chỉ thị 299/TTg (năm 1985), Chỉ thị 02/CT-UB (1992) cũng như số liệu đo đạc thực tế của cơ quan chức năng thì con số bị “teo” lên đến gần 440.000m² (540.859,4m² – 100.972m²).

Nhưng chưa hết. Đến ngày 28-11-2006, UBND huyện Cần Giờ còn đề nghị TP điều chỉnh giảm diện tích 1.792,5m² với lý do đây là đất của hộ dân trực tiếp sản xuất (ông Trương Văn Chót), UBND huyện đã “có sự nhầm lẫn”.

Trên cơ sở đó, Sở Tài chính đã có các văn bản số 815 ngày 7-2-2006 và 927 ngày 24-1-2007 duyệt chấp thuận và yêu cầu Phước Lộc “bồi hoàn” cho nhà nước 7.934,36m² (99.179,5m² x 8%) đất ở đã hoàn chỉnh hạ tầng sau khi điều chỉnh giảm diện tích theo báo cáo của huyện.

Như vậy, so với tổng diện tích “đất công” thực tế do nhà nước trực tiếp quản lý là 540.859,4m² thì giá trị đền bù đất công của nhà nước trên văn bản bị mất lên đến 35.334,39m² đất ở (8% của 540.859,4m² là 43.268,75m², nhưng nhà nước chỉ được bồi thường 7.937,36m²). Còn so với mức giá đất ở theo khung giá mà Phước Lộc chuyển nhượng (1,2 triệu đồng/m²) thì nhà nước bị thiệt hại hơn 42,4 tỷ đồng!

Phạm Trường

Tin cùng chuyên mục