Phát động giải thưởng môi trường 2016

Trong hoạt động bảo vệ môi trường, việc hoàn thiện hệ thống quy định pháp luật, tăng cường kiểm soát các nguồn ô nhiễm, nghiêm khắc hơn trong việc xử lý vi phạm và chế tài các hành vi vi phạm gây tổn hại đến môi trường là hết sức cần thiết. Bên cạnh đó, việc ghi nhận, tôn vinh các tập thể, cá nhân, doanh nghiệp chấp hành tốt các quy định về bảo vệ môi trường cũng rất quan trọng. Xuất phát từ thực tế đó, Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM đã phối hợp với Báo Sài Gòn Giải Phóng phát động Giải thưởng môi trường năm 2016.
Phát động giải thưởng môi trường 2016

Trong hoạt động bảo vệ môi trường, việc hoàn thiện hệ thống quy định pháp luật, tăng cường kiểm soát các nguồn ô nhiễm, nghiêm khắc hơn trong việc xử lý vi phạm và chế tài các hành vi vi phạm gây tổn hại đến môi trường là hết sức cần thiết. Bên cạnh đó, việc ghi nhận, tôn vinh các tập thể, cá nhân, doanh nghiệp chấp hành tốt các quy định về bảo vệ môi trường cũng rất quan trọng. Xuất phát từ thực tế đó, Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM đã phối hợp với Báo Sài Gòn Giải Phóng phát động Giải thưởng môi trường năm 2016.

Đa dạng lĩnh vực, đối tượng tham gia

Giải thưởng môi trường được xuất phát từ giải thưởng Doanh nghiệp xanh do Báo Sài Gòn Giải Phóng sáng kiến, kết hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM đồng tổ chức từ năm 2006. Theo đó, giải thưởng tập trung tôn vinh và chứng nhận nhãn hiệu xanh cho các doanh nghiệp (DN) có ý thức tốt trong hoạt động bảo vệ môi trường. Đến năm 2013, giải thưởng được đổi tên thành giải thưởng Môi trường, đồng thời mở rộng đối tượng đăng ký tham gia giải thưởng cho các đối tượng là cá nhân, tập thể là đoàn thể, sở, ban ngành, trường học…

Các đối tượng phải có những yếu tố như có đóng góp sáng kiến, đề xuất, công trình, có tính hợp lý và khả thi áp dụng cao; có đóng góp cho việc xây dựng chủ trương hoàn thiện chính sách pháp luật về môi trường hoặc có đóng góp cho việc hoàn thiện nhiệm vụ chương trình trọng điểm về bảo vệ môi trường của thành phố; có tác động tích cực với sự phát triển ngành, lĩnh vực tài nguyên và môi trường tại thành phố; có tác động làm giảm phát thải bảo vệ môi trường, sử dụng hiệu quả tài nguyên, tiết kiệm chi phí khi áp dụng vào thực tế…

Một góc hồ xử lý nước thải Nhà máy Bia Sài Gòn tại huyện Củ Chi (Ảnh: THÀNH TRÍ)

Riêng với tiêu chí đánh giá dành cho đối tượng tập thể là các DN thì đòi hỏi ở mức độ khắt khe hơn. DN phải đảm bảo các điều kiện như xây dựng và vận hành hệ thống xử lý chất thải bao gồm nước thải, bụi, khí thải, tiếng ồn… đạt tiêu chuẩn cho phép; thực hiện phân loại rác tại nguồn kết hợp thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, công nghiệp và chất thải nguy hại theo đúng quy định; phải có những nghiên cứu và áp dụng công nghệ mới, công nghệ tiên tiến trong sản xuất; nghiên cứu và áp dụng giải pháp phòng ngừa giảm thiểu ô nhiễm, bao gồm như sản xuất sạch hơn, sử dụng năng lượng hiệu quả; thực hiện đầy đủ thủ tục giấy phép vệ sinh môi trường theo quy định. Bên cạnh đó, công ty cũng phải đảm bảo đã xây dựng các hệ thống quản lý môi trường hoặc hệ thống quản lý năng lượng ISO 14000, 50001...

Một vấn đề quan trọng khác trong tiêu chí dành riêng cho DN là trách nhiệm của DN đối với môi trường sống của cộng đồng cũng như góp phần cùng cộng đồng nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường. Để đảm bảo yếu tố này, nhất thiết DN phải có tổ chức các hoạt động đào tạo tuyên truyền nâng cao nhận thức về bảo vệ tài nguyên môi trường tại DN hàng năm; thực hiện các trách nhiệm xã hội hoặc tổ chức các hoạt động xã hội về bảo vệ môi trường có tác động làm giảm phát thải, sử dụng hiệu quả tài nguyên có tác động làm chuyển biến nhận thức hành vi của người lao động và cộng đồng dân cư.

Cần nhân rộng mô hình xanh ra cộng đồng

Theo ông Lê Văn Khoa, Khoa Môi trường - Trường Đại học Bách khoa TPHCM, để đẩy mạnh sức ảnh hưởng của giải thưởng đến với cộng đồng, cũng như tạo cơ sở để nhân rộng những nhân tố điển hình đoạt giải thưởng Môi trường, cần thiết phải đẩy mạnh hoạt động thông tin, tuyên truyền. Đặc biệt, cần phải có những giải pháp thúc đẩy hiệu quả thói quen ưu tiên tiêu dùng sản phẩm của các DN đoạt giải thưởng Môi trường trong cộng đồng. Có như vậy mới tránh được tình trạng cạnh tranh thiếu công bằng trên thị trường như hiện nay; trong đó, phần thắng nghiêng về những DN chưa thực hiện tốt công tác môi trường do có giá thành sản phẩm rẻ nhờ “ăn gian” chi phí xử lý môi trường.

Được biết, số lượng và cơ cấu giải thưởng năm nay dự kiến là 70. Trong đó, 10 giải thưởng dành cho cá nhân, 40 giải dành cho tập thể là các sở, ban, ngành, đoàn thể và trường học. Số còn lại tập trung cho giải thưởng tập thể là DN. Hồ sơ đăng ký xét tặng giải thưởng phải đảm bảo những yêu cầu, như đối với đối tượng là tập thể, phải hoạt động sản xuất kinh doanh liên tục trên địa bàn TPHCM; không vi phạm các quy định của Luật Bảo vệ môi trường và các quy định pháp luật khác của Việt Nam trong thời gian ít nhất 3 năm (tính đến thời điểm đăng ký xét tặng giải thưởng); tự nguyện đăng ký hoặc được một cơ quan đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức nghề nghiệp giới thiệu và có thành tích xuất sắc trong bảo vệ môi trường; giải quyết thành công ít nhất một vấn đề môi trường đặc thù, hoặc thúc đẩy tiến bộ trong hoạt động bảo vệ môi trường, hoặc xây dựng được các mô hình mới hiệu quả thuộc một trong các lĩnh vực xét tặng giải thưởng môi trường. Riêng với đối tượng cá nhân, phải đảm bảo không vi phạm các quy định của Luật Bảo vệ môi trường và các quy định pháp luật khác của Việt Nam trong thời gian ít nhất 2 năm (tính từ thời điểm đăng ký xét tặng giải thưởng tự nguyện đăng ký); hoặc được cơ quan đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức nghề nghiệp giới thiệu tham gia xét tặng giải thưởng và có thành tích xuất sắc trong bảo vệ môi trường; hoặc thực hiện các mô hình hiệu quả tiêu biểu thuộc một trong các lĩnh vực xét tặng của giải thưởng.

ÁI VÂN

Tin cùng chuyên mục