Một nhóm các nhà khoa học Nhật Bản, do Giáo sư Yoshihiro Kawaoka của Viện Y khoa thuộc Trường Đại học Tokyo lãnh đạo, vừa phát hiện ra nguyên nhân khiến virus cúm A/H1N1 lây lan nhanh hơn ở người. Sau khi quan sát sự biến đổi một loại protein ở virus H1N1 và phân tích gien của virus này, các nhà khoa học đã kết luận sự biến đổi của haemagglutinin (chất gây ra sự đóng cục của tế bào máu) đã giúp virus này bám chặt hơn lên bề mặt các tế bào của con người.
Việc lây nhiễm liên tục từ người sang người có thể khiến virus này biến đổi thành một chủng virus mới có thể tự tái tạo ở họng và 2 lá phổi của con người. Giáo sư Kawaoka cảnh báo sự biến đổi này có thể làm tăng khả năng xảy ra đại dịch cúm A/H1N1 trong mùa đông tới, đồng thời kêu gọi giám sát chặt chẽ bất cứ sự biến đổi nào của chủng virus mới này.
Trong lúc này, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Margaret Chan vừa cảnh báo đại dịch cúm A/H1N1 có thể làm sụp đổ các hệ thống y tế vốn đã yếu kém ở những nước nghèo. Bà Chan cho biết các nước đang phát triển sẽ phải chịu tác động mạnh nhất, nhưng lại ít có khả năng đối phó nhất với đại dịch cúm A/H1N1, khiến cho thời gian phục hồi ở những nước này sẽ kéo dài nhất.
Bà Chan thừa nhận các nước nghèo gần như vẫn không có công cụ để đối phó. Đây là những lý do có thể khiến các hệ thống y tế ở những nước nghèo “sụp đổ”. Ngày 16-6, bé gái 3 tháng tuổi chết vì cúm A/H1N1 tại Argentina. Đây là ca tử vong đầu tiên ở nước này. Theo số liệu mới nhất WHO, tính đến ngày 16-6, dịch cúm A/H1N1 đã lây lan tới 83 nước trên thế giới, với hơn 37.300 ca nhiễm bệnh và 165 trường hợp tử vong. Năm nước mới có người nhiễm cúm A/H1N1 là Jordani, Qatar, Yemen, Sri Lanka và Samoa.
V.L. (Theo Kyodo, THX)