Phát hiện nhạc cụ 35.000 năm tuổi

Phát hiện nhạc cụ 35.000 năm tuổi
Phát hiện nhạc cụ 35.000 năm tuổi ảnh 1

Trên tạp chí Nature, nhóm của tiến sĩ khảo cổ Nicholas J. Conard ở Đại học Tubingen (Đức) vừa công bố nhạc cụ hoàn chỉnh cổ nhất thế giới được phát hiện cho đến nay. Đó là một ống sáo 5 lỗ làm bằng xương chim (ảnh), có khoảng 35.000 năm tuổi, được phát hiện vào tháng 11-2008 tại hang động Hohle Fels (Tây Nam Đức). Hồi tháng 5, nhóm đã thông báo tìm thấy 6 mảnh của một tượng phụ nữ (làm bằng ngà voi) cũng khoảng 35.000 năm tuổi. Những phát hiện này cho thấy, âm nhạc và điêu khắc – những hình thức sáng tạo nghệ thuật tinh tế – đã xuất hiện trong cộng đồng người hiện đại đầu tiên khi họ bắt đầu đến sống ở châu Âu hoặc không lâu sau đó.

Theo Conard, nhiều đồ tạo tác bằng đá và ngà, các mảnh vỡ được đập bằng đá và xương thú vật cũng được tìm thấy ở cùng tầng trầm tích với ống sáo. Có lẽ nhiều người đã sống và làm việc ở đây sau khi đến châu Âu, khoảng 40.000 năm và 10.000 năm trước, khi người Neanderthal bản xứ bị tiêu diệt. Người Neanderthal, “bà con” gần gũi của người hiện đại, không để lại bằng chứng vững chắc nào cho thấy họ thích âm nhạc. Ống sáo Hohle Fels nói trên làm từ một khúc xương chim kền kền dài 22cm, một đầu có khe thổi, có 2 khía sâu hình chữ V và 4 đường thẳng nhỏ gần lỗ đặt ngón tay. Nếu dựa vào chiều dài thông thường của đoạn xương này, khoảng 5-7cm đầu kia của ống sáo đã bị mất.

Conard cho rằng, có thể những người hiện đại đầu tiên đã chế tác nhạc cụ cách nay hơn 35.000 năm nhưng ống sáo Hohle Fels và những nhạc cụ khác được tìm thấy khắp châu Âu chứng tỏ người hiện đại thuở ban đầu ở châu Âu đã thể hiện hành vi văn hóa tương tự con người ngày nay. Âm nhạc thời đồ đá có lẽ đã góp phần duy trì hệ thống xã hội to lớn hơn và bằng cách đó, góp phần thúc đẩy bành trướng dân số và lãnh thổ của người hiện đại.

HÀ KIM (theo  New York Times)

Tin cùng chuyên mục