Phát hiện nhiều cây bút trẻ giàu nội lực văn chương

Từ ngày 1 đến 3-12, Hội Nhà văn TPHCM có chuyến đi thực tế sáng tác tại TP Cần Thơ. Có khoảng 30 nhà văn, nhà thơ, nhà lý luận văn học tham quan, tìm hiểu tại một số công trình văn hóa, di tích, khu du lịch... trên địa bàn TP Cần Thơ.

Các thành viên đoàn bày tỏ ấn tượng với sự phát triển, bản sắc văn hóa của TP Cần Thơ, đây sẽ là những chất liệu phong phú cho sáng tác văn chương. Dịp này, Hội Nhà văn TPHCM phối hợp Hội Nhà văn TP Cần Thơ tổ chức tọa đàm "Tiềm lực văn chương và người viết trẻ". Các đại biểu nhận định, văn học trẻ ĐBSCL hiện có nhiều cây viết nổi bật, nhưng phát triển không đều giữa các địa phương, tập trung nhiều ở các tỉnh: An Giang, Cà Mau, TP Cần Thơ... Nhiều tác giả trẻ đã tạo được dấu ấn bằng những tác phẩm có giá trị, sáng tác đều tay.

Theo nhà văn Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM, để phát triển văn học trẻ, cần thiết nhất vẫn là trợ lực cho người viết trẻ thông qua sự hỗ trợ về đào tạo kỹ năng, tạo động lực sáng tác, kinh phí xuất bản tác phẩm... từ các hội nghề nghiệp và địa phương. Đồng thời, cần có nghị định về hoạt động văn học để làm cơ sở cho phát triển văn học Việt Nam nói chung.

“Văn chương là một hành trình nhọc nhằn đòi hỏi sự đam mê, sức bền của trí tuệ và cảm xúc. Nhiều năm qua, một số cuộc thi thơ, truyện ngắn đã góp phần phát hiện nhiều cây bút trẻ giàu nội lực văn chương. Tuy nhiên, trụ lại được với văn chương và có những bước đi dài thì không nhiều. Một vài địa phương đang nuôi dưỡng được đội ngũ viết văn triển vọng. Cà Mau đang âm thầm nuôi dưỡng nhiều cây bút trẻ đam mê văn chương, Trần Ðức Tín là một điển hình. Cần Thơ có các cây bút trẻ đang nỗ lực khẳng định tài năng như: Phát Dương, Hoàng Khánh Duy, Mặc Yên… Tại An Giang, nhiều tác giả trẻ sớm khẳng định tên tuổi như: Nguyễn Ðức Phú Thọ, Vĩnh Thông, Nguyễn Thị Trúc Ly, Lê Quang Trạng và gần đây là cây bút sinh năm 2001 Võ Ðăng Khoa…”, nhà văn Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM chia sẻ.

Tin cùng chuyên mục