Phát hiện thêm sắc phong của vua Hàm Nghi tại Hà Tĩnh

Sắc phong cho một nhân vật lịch sử họ Trần ở xã Trung Lộc (huyện Can Lộc) vừa được phát hiện là đạo sắc phong thứ 2 của vua Hàm Nghi được phát hiện trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.
Đạo sắc phong của vua Hàm Nghi ban cho ông Trần Tuyển
Đạo sắc phong của vua Hàm Nghi ban cho ông Trần Tuyển

Sáng 23-11, ông Nguyễn Trí Sơn, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Hà Tĩnh cho biết, trong quá trình khảo sát, nghiên cứu các di sản văn hoá trên địa bàn huyện Can Lộc, đã phát hiện được một đạo sắc phong quý của vua Hàm Nghi cho một nhân vật lịch sử họ Trần tại thôn Nam Mỹ, xã Trung Lộc.

Đây là đạo sắc phong thứ 2 của vua Hàm Nghi được phát hiện trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh tính đến thời điểm này. Trước đó, tại địa bàn xã Phú Gia (huyện miền núi Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) cũng đã phát hiện được đạo sắc phong của vua Hàm Nghi cho vị thần của đền Trầm Lâm, sắc được làm bằng chất liệu giấy gió có chiều rộng khoảng 40cm, chiều cao khoảng 42cm, nền giấy và các chữ viết vẫn còn nguyên vẹn.

Người được vua Hàm Nghi phong sắc ở huyện Can Lộc là ông Trần Tuyển, từng giữ chức Ngũ trưởng, Đội trưởng, vệ Chấn Vũ thuộc tỉnh Hà Tĩnh và là người đã trực tiếp vào tận thành Tân Sở (tỉnh Quảng Trị) để hộ giá đón vua Hàm Nghi cùng đoàn tuỳ tùng ra tại Sơn Phòng (xã Phú Gia, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) một cách an toàn, chu đáo.

Đạo sắc phong của vua Hàm Nghi ban cho vị thần của đền Trầm Lâm

Đạo sắc phong của vua Hàm Nghi ban cho vị thần của đền Trầm Lâm

Theo ông Nguyễn Trí Sơn, đạo sắc phong cho ông Trần Tuyển được ban hành vào ngày 6 tháng 10 năm Hàm Nghi nguyên niên (1885), sau khi vua Hàm Nghi ra Hà Tĩnh và ra hịch Cần Vương lần 2. Sắc phong được làm bằng chất liệu giấy gió có chiều rộng khoảng 40cm, chiều cao khoảng 45cm, các chữ viết, con dấu vẫn còn khá rõ.

Tuy nhiên, do trải qua thời gian, điều kiện thời tiết khiến sắc bị rách một ít ở phần phía dưới. Hiện sắc đang được lưu giữ, bảo quản tại nhà thờ họ Trần, ở thôn Nam Mỹ, xã Trung Lộc, huyện Can Lộc.

Về nhân vật lịch sử Trần Tuyển, ông Nguyễn Trí Sơn cho biết, từ một số tư liệu do ông Trần Đình Linh (sinh năm 1936, nguyên giáo viên nghỉ hưu), hậu duệ đời thứ 4 của Trần Tuyển cho biết: Ông Trần Tuyển sinh năm 1838, mất năm 1906, quê thôn Khố Nội, xã Nga Khê, tổng Nga Khê, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh (nay là thôn Nam Mỹ, xã Trung Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh).

Ông là người được học hành tử tế, từng giữ nhiều chức quan khác nhau. Sau khi nghe tin vua Hàm Nghi ban bố Hịch Cần Vương lần thứ nhất (13-7-1885), ông Trần Tuyển đã hưởng ứng và tham gia phong trào Cần Vương chống Pháp ngay từ đầu. Ông đã nhanh chóng thành lập đội quân Trà Sơn tích cực tập luyện, hoạt động ở vùng trung du huyện Can Lộc...

Sau khi vua Hàm Nghi bị thực dân Pháp bắt và đưa đi đày, ông Trần Tuyển vẫn tích cực tham gia nghĩa quân Cần Vương. Ông từng giữ chức Thư lại thời vua Đồng Khánh, được đánh giá là người siêng năng, cẩn thận, khá giỏi về tính toán sổ sách...

Cuối năm 1895, thủ lĩnh Phan Đình Phùng mất, ông Trần Tuyển về quê sinh sống, ông đã từng giúp đỡ, che chở cho nhiều người tránh được sự truy sát của thực dân phong kiến sau khi phong trào Cần Vương thoái trào...

Tin cùng chuyên mục