Một nữ sinh 16 tuổi ở huyện Bắc Bình (tỉnh Bình Thuận) vừa tự tử do buồn bã, xấu hổ vì cuối năm học bị nhà trường xếp hạnh kiểm yếu và bị phạt phải đến trường lao động trong kỳ nghỉ hè.
Hiệu trưởng của trường nữ sinh này theo học cho biết: Nhà trường rất đau xót trước cái chết của học sinh vì em học khá và ngoan hiền, nhưng do lỗi quay cóp bài khi thi học kỳ nên bị nhà trường kỷ luật theo quy chế của Bộ GD-ĐT về đánh giá, xếp loại học sinh trung học.
Cái chết thương tâm này đang khiến các bậc phụ huynh đau lòng, và đây cũng là sự cảnh báo đối với ngành giáo dục về quy chế chưa phù hợp quy định pháp luật về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Theo quy chế của Bộ GD-ĐT ban hành kèm theo Thông tư 58/2011/TT-BGDĐT, hành vi gian lận trong học tập, kiểm tra, thi sẽ bị xếp loại hạnh kiểm yếu và phải rèn luyện hạnh kiểm trong kỳ nghỉ hè. Quy định nghiêm như vậy là nhằm chấn chỉnh tình trạng học sinh thiếu nghiêm túc trong việc kiểm tra, thi cử, song lại không hợp lý. Luật Xử lý vi phạm hành chính đã quy định rõ nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính là “Một hành vi vi phạm hành chính chỉ bị xử phạt một lần. Việc quyết định thời hạn áp dụng biện pháp xử lý hành chính phải căn cứ vào tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm, nhân thân người vi phạm và tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng”. Vậy mà với lỗi quay cóp bài, học sinh vừa bị xử lý cho 0 điểm bài thi, bị thi lại, bị xếp hạnh kiểm yếu, rồi lại còn phải rèn luyện hạnh kiểm trong kỳ nghỉ hè. Như vậy một hành vi mà phải bị xử phạt quá nhiều lần.
Quy chế của Bộ GD-ĐT cho phép hiệu trưởng quyền không giới hạn đối với việc áp dụng hình thức rèn luyện hạnh kiểm: “Hình thức rèn luyện hạnh kiểm trong kỳ nghỉ hè do hiệu trưởng quy định”. Do vậy, thực tế nhiều trường đang áp dụng hình thức phạt lao động công ích đối với học sinh hạnh kiểm yếu, nghĩa là không được nghỉ hè, mà hàng ngày phải vào trường làm lao động dọn dẹp trường lớp, thậm chí phải đi làm vệ sinh khu dân cư nơi trường nằm trên địa bàn. Việc này là vi phạm nghiêm trọng Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Luật này đã quy định rõ các quyền của trẻ em phải được tôn trọng và thực hiện, theo đó, “Trẻ em có quyền vui chơi, giải trí lành mạnh, được hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao, du lịch phù hợp với lứa tuổi”. Do vậy, tước đoạt kỳ nghỉ hè của học sinh là việc thật bất nhẫn và trái pháp luật. Luật này cũng quy định rõ: “Nghiêm cấm lạm dụng lao động trẻ em, sử dụng trẻ em làm công việc nặng nhọc; áp dụng biện pháp có tính chất xúc phạm, hạ thấp danh dự, nhân phẩm hoặc dùng nhục hình đối với trẻ em vi phạm pháp luật. Mọi hành vi vi phạm quyền của trẻ em, làm tổn hại đến sự phát triển bình thường của trẻ em đều bị nghiêm trị theo quy định của pháp luật”. Đối với trẻ em vi phạm pháp luật, vẫn được pháp luật bảo vệ, thì lẽ nào các học trò chỉ có lỗi vi phạm quy chế mà phải bị ngược đãi, làm mất danh dự đến vậy!
Bộ GD-ĐT cũng nên xem lại việc tập trung các học sinh bị xếp loại hạnh kiểm yếu vào trường rèn luyện hạnh kiểm trong kỳ nghỉ hè, bởi sẽ tạo cơ hội, môi trường cho học sinh bị nhiễm các thói hư tật xấu của nhau. Hàng ngày em nữ sinh lỗi quay cóp bài phải vào trường sinh hoạt chung với các em học sinh lỗi hành xử bạo lực học đường, hút bồ đà, trốn học..., thì chỉ gây nguy cơ tiêm nhiễm cái xấu, thậm chí có thể khiến em nữ sinh đó thành nạn nhân bị bức hiếp, quấy rối tình dục...
Từ cái chết thương tâm của em nữ sinh ở huyện Bắc Bình, rất mong Bộ GD-ĐT và hiệu trường các trường xem xét lại cách kỷ luật học sinh không đúng pháp luật và thiếu tính giáo dục này.
Việc giữ nghiêm kỷ luật học đường là cần thiết, nhưng biện pháp kỷ luật nên thực sự có tính giáo dục hướng thiện, như tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI: “Xây dựng con người có thế giới quan khoa học, hướng tới chân - thiện - mỹ. Gắn xây dựng, rèn luyện đạo đức với thực hiện quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân”.
MINH THANH