
Ngày 15-8, tại Đà Nẵng, Ban Kinh tế Trung ương, Ban Điều phối vùng duyên hải miền Trung, Đảng ủy khối doanh nghiệp trung ương… đã phối hợp tổ chức Diễn đàn kinh tế miền Trung với chủ đề “Giải pháp phát huy sức mạnh miền Trung trong giai đoạn mới”.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo 9 tỉnh, thành duyên hải miền Trung (từ Thừa Thiên - Huế đến Bình Thuận) cùng các bộ, ngành, chuyên gia kinh tế đã cùng bàn thảo, tìm hướng phát huy lợi thế, khắc phục yếu kém để miền Trung bứt phá đi lên trong thời gian tới.
Xung đột lợi ích
Phát biểu khai mạc diễn đàn, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, miền Trung có nhiều tiềm năng về kinh tế biển, du lịch. Tuy nhiên, khu vực này vẫn chưa được đánh thức, kém phát triển và còn rất nhiều khó khăn. Ngoài ra, nền kinh tế của miền Trung vẫn chưa đủ để tích lũy, giao thông vận tải liên kết toàn vùng còn yếu, cảng biển sân bay chưa đủ tầm cỡ, chưa được đầu tư đúng mức. Diễn đàn lần này là dịp để chúng ta rà soát lại công tác thực hiện chủ trương và chính sách phát triển kinh tế miền Trung trong thời gian qua. Từ đó, đưa ra những giải pháp quyết liệt để miền Trung bứt phá đi lên.

Do thiếu sự liên kết và quy hoạch tổng thể nên hầu hết các tỉnh miền Trung đều đầu tư cảng biển, dẫn đến tình trạng dư thừa.
Trưởng ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ nhìn nhận: Trong 10 năm gần đây, các tỉnh duyên hải miền Trung có những nỗ lực mạnh mẽ, chủ động khai thác lợi thế về điều kiện tự nhiên, thu hút đầu tư… và bước đầu đã có những kết quả nhất định. Tuy nhiên, quá trình phát triển vừa qua chỉ dựa vào “lợi thế tĩnh” về điều kiện tự nhiên mà thiếu sự liên kết để tạo ra “lợi thế động” nhằm tối ưu hóa nguồn lực hữu hạn thì khó có thể đẩy mạnh phát triển và nâng cao sức cạnh tranh toàn vùng. Tình trạng đầu tư trùng lắp chưa được khắc phục. Có lúc còn biểu hiện tình trạng cạnh tranh không lành mạnh để thu hút đầu tư giữa các tỉnh bằng cách “xé rào”, đưa ra các ưu đãi quá lớn, gây tổn thất cho lợi ích chung của cả nền kinh tế.
Cùng quan điểm, TS Trần Du Lịch, Trưởng nhóm tư vấn hợp tác phát triển vùng cho rằng, đã xuất hiện những xung đột giữa lợi ích địa phương với lợi ích toàn vùng do các tỉnh đều ưu tiên tập trung phát triển cảng biển, sân bay, khu kinh tế. Phần lớn các địa phương đều có tư duy phát triển theo kiểu dàn trải dựa trên tiềm năng, thế mạnh của mình. Hơn nữa, các ngành kinh tế chủ lực của các địa phương có cơ cấu ngành, sản phẩm khác trùng lắp, thiếu các ngành công nghiệp, dịch vụ hỗ trợ. “Suốt nhiều năm chúng tôi theo dõi thì thế mạnh của vùng là gì? Đó chính là “mạnh ai nấy làm” mà không hề có một sự liên kết nào cả!” - TS Trần Du Lịch nhận định.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, TS Nguyễn Đình Cung, cũng từng gọi những xung đột mang tính lợi ích cục bộ này bằng một cái tên khác là “những cuộc chạy đua cùng đưa nhau... xuống đáy, khi tỉnh nào cũng đều ưu tiên tập trung phát triển cảng biển, sân bay, khu kinh tế”.
Phát triển kinh tế biển
TS Trần Đình Thiên, Viện Kinh tế Việt Nam, nhận định: Chừng nào miền Trung, với vị trí và chiều dài như “xương sống quốc gia” hay “đòn gánh gánh hai đầu đất nước” chưa “cất cánh” thì dù có hai động lực phát triển hai đầu Bắc - Nam là Hà Nội và TPHCM thì cả nước cũng chưa thể “bay lên” thật sự. Cũng theo TS Trần Đình Thiên, vấn đề đặt ra bây giờ là miền Trung phát triển cái gì, như thế nào, với ai, để có thể bứt phá đi lên, thậm chí mở đường cất cánh cho cả nước. Tuy nhiên, với những kết quả đạt được trong những năm gần đây, câu trả lời cũng đang rõ dần nhưng chưa đủ định hình chắc chắn.
TS Trần Đình Thiên đưa ra ý tưởng: Với địa thế trước mặt là biển, sau lưng là núi, các tỉnh duyên hải miền Trung có thể dễ dàng kết nối trực tiếp với các tỉnh Tây Nguyên để tạo thành sự liên kết độc đáo “biển xanh” với “đại ngàn”. Bên cạnh đó, “mặt tiền” có nhiều cảng biển đẹp và tốt, chứa đựng tiềm năng mở cửa - giao thương - kết nối toàn cầu, một lợi thế phát triển to lớn trong thời đại toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế của miền Trung.
Trong khi đó, TS Trần Du Lịch đưa ra kiến nghị: Cần xem vùng duyên hải miền Trung là địa bàn trọng điểm để thực hiện chiến lược phát triển kinh tế biển. Trong đó, tập trung và 3 nhóm ngành kinh tế chính là ngư nghiệp (đánh bắt và chế biến hải sản), du lịch biển đảo (gắn với du lịch văn hóa, lịch sử) và khu kinh tế ven biển (gắn với ưu thế về cảng biển). Đưa các nội dung trên thành những chương trình quốc gia để phát triển với lộ trình cụ thể từ nay đến 2020 và tầm nhìn 2030. Ngoài ra, Trung ương cần ưu tiên bố trí nguồn vốn đầu tư và chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ, hoàn chỉnh việc định tuyến đường cao tốc xuyên vùng từ Thừa Thiên - Huế đến Bình Thuận; đường ven biển; xây dựng trung tâm hậu cần nghề cá; phát triển mạnh đội ngũ tàu thuyền hiện đại đánh bắt xa bờ và thu mua, bảo quản hải sản trên biển. Tập trung xây dựng một vài đô thị với nền kinh tế đủ mạnh là trung tâm của toàn vùng (có thể chọn Đà Nẵng ở phía Bắc và Nha Trang ở phía Nam) làm thành phố hạt nhân, trung tâm dịch vụ, có tác động lan tỏa, lôi kéo, thúc đẩy cho các tỉnh vệ tinh trong vùng cùng phát triển. Để làm được điều này, đòi hỏi phải có một cơ chế chung về liên kết, hợp tác phát triển vùng dưới sự chỉ đạo thống nhất của Chính phủ và chính sách hỗ trợ của Trung ương về nguồn lực và cơ chế ưu đãi đầu tư…
Ở góc độ địa phương, ông Bùi Nhật Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, cho rằng: Trong bối cảnh tình hình biển Đông đang diễn biến phức tạp, việc phát triển kinh tế biển gắn với đảm bảo an ninh - quốc phòng là hết sức cấp thiết. Ngoài chương trình hỗ trợ toàn diện cho ngư dân đánh bắt xa bờ, Trung ương cũng cần hỗ trợ sinh kế cho nhân dân vùng ven biển hiện còn nhiều khó khăn.
GS-TSKH Võ Đại Lược, Giám đốc Trung tâm Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương lại đưa ra một đề xuất mang tính đột phá. Theo ông, Trung ương nên cho phép vùng kinh tế trọng điểm miền Trung có một số quy chế đặc thù vượt trội so với cả nước. Cụ thể, đất đai, các vịnh, cảng biển, bãi tắm… miền Trung là những tài sản quý giá nhất và nên sử dụng theo hướng mở cửa. Các tỉnh miền Trung có thể phát triển đô thị theo hướng xây dựng các đô thị hiện đại, thu hút các nguồn lực trong và ngoài nước. Để thực hiện được định hướng phát triển này cần có một số chính sách như: Cho phép người nước ngoài được mua các biệt thự cao cấp có giá trị từ vài triệu USD trở lên; cho phép một số nhà đầu tư nước ngoài có chọn lọc liên doanh hoặc thuê dài hạn (70 năm) các hòn đảo ven biển để phát triển các dịch vụ cao cấp.
“Những người nước ngoài có tiền mua những biệt thự này vào đây sinh sống, nghỉ dưỡng, họ sẽ tìm cách kinh doanh tại đây. Đó cũng chính là chính sách thu hút nhân tài từ nước ngoài. Ở đây Nhà nước phải nắm quyền quy hoạch, xác định rõ những địa điểm có thể để cho người nước ngoài sinh sống. Đồng thời phải có chính sách quản lý thông thoáng phù hợp với họ, nhưng Việt Nam vẫn kiểm soát được”, ông Lược phân tích.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý, các địa phương miền Trung cần tạo mối liên kết chặt chẽ hơn nữa, phát huy lợi thế hơn nữa để cùng nhau phát triển. Trong đó, cần tập trung phát triển kinh tế biển để mạnh lên từ biển, giàu lên từ biển, đảm bảo an ninh - quốc phòng trong tình hình mới. Tuy nhiên, cần xác định rõ những gì cần tập trung đầu tư để tránh dàn trải, manh mún. Bên cạnh sự nỗ lực của chính quyền các tỉnh miền Trung thì các bộ, ngành Trung ương, các tổ chức kinh tế cũng cần hỗ trợ để vùng phát triển bắt kịp sự phát triển chung của cả nước.
NGUYỄN HÙNG