Như Báo SGGP đã thông tin, vừa qua, trong dịp ứng cử viên đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp tiếp xúc cử tri huyện Cần Giờ (TPHCM), đã có nhiều cử tri địa phương nêu nhiều ý kiến đề cập những vấn đề dân sinh và kiến nghị cần quan tâm các giải pháp phát huy thế mạnh du lịch sinh thái của địa phương. Ông Triệu Đỗ Hồng Phước, Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, cho biết:
Cần Giờ là huyện duy nhất của TPHCM có bờ biển, dài trên 13km. Ngoài ra, còn có hệ thống sông ngòi chằng chịt, chiếm 25% diện tích của toàn huyện với các sông lớn như Soài Rạp, Lòng Tàu, cùng các chi lưu là Gò Gia, Vàm Sát… Rừng ngập mặn Cần Giờ rộng hơn 35.000ha, được UNESCO công nhận là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới đầu tiên của Việt Nam. Lễ hội truyền thống ngư dân Cần Giờ hàng năm được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia và làng nghề muối Lý Nhơn thích hợp cho việc tổ chức loại hình du lịch trải nghiệm. Với những tiềm năng đó, trong 5 năm qua Cần Giờ đã thu hút 2,36 triệu lượt du khách đến tham quan nghỉ dưỡng, tốc độ tăng bình quân 9,8%. Đúng là tuy hoạt động du lịch có phát triển nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của huyện. Vẫn còn những hạn chế là hạ tầng phục vụ du lịch chưa được đầu tư đồng bộ, môi trường kinh doanh dịch vụ du lịch còn hạn chế, sản phẩm du lịch chưa phong phú, các dự án đầu tư phát triển thương mại - du lịch có tiến độ triển khai chậm, hoạt động giới thiệu, quảng bá cho các sự kiện du lịch lớn chưa được đầu tư đúng mức…
Tour du lịch sinh thái tại huyện Cần Giờ hấp dẫn nhiều du khách tham quan
Được sự quan tâm của TPHCM, cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội huyện Cần Giờ từng bước được đầu tư hoàn chỉnh, như công trình nâng cấp mở rộng đường Rừng Sác với 6 làn xe và nhiều cầu đã hoàn thành đưa vào sử dụng. Trên địa bàn huyện đã có 17 cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú với 405 phòng, trong đó có 150 phòng đạt chuẩn 3 sao, 28 phòng đạt chuẩn 1 sao, 227 phòng đạt tiêu chuẩn tối thiểu phục vụ du khách. Tuy nhiên, nhìn chung cơ sở hạ tầng còn hạn chế, dịch vụ du lịch còn đơn điệu. Trong thời gian tới, trên địa bàn huyện thực hiện nhiều dự án đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch, như: Đẩy nhanh tiến độ dự án khu đô thị lấn biển Cần Giờ; xây dựng đê biển kết hợp đường dọc biển Cần Thạnh - Long Hòa; thực hiện dự án đường Lâm Viên - Đồng Đình; đầu tư 9 bến tàu phục vụ du lịch đường thủy; xây dựng bến xe buýt đạt chuẩn phục vụ du lịch; phát triển loại hình xe buýt, taxi chất lượng cao; xây dựng nhà vệ sinh đạt chuẩn. Đồng thời, phát triển các trung tâm thương mại, khu mua sắm gắn với hệ thống các cửa hàng bán hàng đặc sản của địa phương như khô cá dứa, yến sào, xoài...
Khi đến Cần Giờ, du khách có thể lựa chọn tham gia các tour du lịch đường bộ, đường thủy. Trong thời gian tới, huyện sẽ tính đến việc đa dạng các sản phẩm du lịch theo mô hình mỗi xã có ít nhất một sản phẩm du lịch đặc trưng. Xã đảo Thạnh An có sản phẩm du lịch trải nghiệm homestay. Xã Long Hòa có sản phẩm du lịch đường sông kết hợp tham quan nuôi hàu, vườn cây ăn trái. Xã Tam Thôn Hiệp kết hợp với tham quan mô hình nuôi chim yến lấy tổ và cơ sở sơ chế sản phẩm từ tổ yến. Xã Lý Nhơn tổ chức tham quan làng nghề truyền thống gắn với trải nghiệm “Một ngày làm diêm dân”…
Các giải pháp phát huy thế mạnh địa phương như vậy sẽ mang lại chuyển biến trong việc cải thiện cuộc sống và giải quyết việc làm cho người dân Cần Giờ. Cần Giờ giáp với các tỉnh Đồng Nai, Long An và tỉnh Tiền Giang. Nhằm rút ngắn khoảng cảnh giao thông giữa huyện Cần Giờ với các tỉnh giáp ranh, đồng thời tạo ra không gian phát triển du lịch liên vùng, huyện đã đề xuất TPHCM đầu tư phát triển các tuyến phà vận tải đường thủy kết nối giữa Cần Giờ với các địa phương giáp ranh như tuyến phà Cần Giờ - Cần Giuộc, Cần Giờ - Vũng Tàu, Cần Giờ - Nhơn Trạch, Cần Giờ - Gò Công. Ngoài ra, sẽ xúc tiến đầu tư tuyến phà qua xã đảo Thạnh An theo chủ trương của TP. Như vậy sẽ giảm cách trở giao thông, người dân có thể dễ dàng giao lưu, mua bán, phát triển kinh tế. Hàng năm, huyện phối hợp Sở Du lịch tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức du lịch (kỹ năng, thương mại…) cho cán bộ và cả người dân trên địa bàn. Rà soát, nắm bắt nhu cầu của các doanh nghiệp lĩnh vực du lịch trên địa bàn về lao động trong lĩnh vực du lịch để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cho lực lượng lao động địa phương, đáp ứng nhu cầu phát triển.
THANH HẢI