Phát huy tối đa nội lực, khai thác hiệu quả ngoại lực là phương châm xuyên suốt

Sau một ngày làm việc, Diễn đàn Kinh tế - xã hội Việt Nam 2023 khép lại vào chiều 19-9 với nhiều đề xuất, gợi mở hữu ích cho Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan, tổ chức hữu quan trong quá trình xây dựng, hoàn thiện, ban hành cơ chế, chính sách.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc diễn đàn. Ảnh: QUANG PHÚC
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc diễn đàn. Ảnh: QUANG PHÚC

Phát biểu bế mạc diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, theo thống kê của Ban Tổ chức, có khoảng 450 đại biểu tham dự trực tiếp tại Trung tâm Hội nghị quốc gia, hơn 900.000 lượt người theo dõi và tương tác trên các nền tảng số.

“Diễn đàn thực sự đã trở thành một trung tâm thông tin đa chiều và toàn diện”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Đại biểu quốc tế tham dự phiên bế mạc diễn đàn

Đại biểu quốc tế tham dự phiên bế mạc diễn đàn

Ghi nhận các kết quả của diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội cho hay, xét về ngắn hạn, trung hạn hay dài hạn, Việt Nam đều cần tập trung phát huy tối đa nội lực, trong đó đề cao, coi trọng năng lực nội sinh; tranh thủ, khai thác hiệu quả ngoại lực, kiến tạo động lực tăng trưởng mới, là “chìa khóa” để thích ứng, chống chọi và phát triển trong bối cảnh mới nhiều biến động, rủi ro.

“Đây là những nội dung hết sức quan trọng trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và cũng là thông điệp xuyên suốt, nhất quán, gắn liền với chủ đề của diễn đàn hôm nay”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Các ý kiến tại diễn đàn cũng thống nhất và nhấn mạnh rằng cần phải “làm mới” các động lực tăng trưởng cũ, truyền thống trên cơ sở ban hành, thực thi khuôn khổ chính sách, pháp luật để khuyến khích các thay đổi hành vi trong tiêu dùng, sản xuất và đầu tư.

Cạnh đó, phải phát hiện, khai thác hiệu quả những động lực tăng trưởng mới; đặc biệt phát triển kinh tế số, tăng năng suất lao động và năng suất các yếu tố tổng hợp, bồi bổ cho khu vực kinh tế tư nhân, hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế; tăng cường phối hợp duy trì các chuỗi cung ứng hiện có, hợp tác phát triển các chuỗi cung ứng có tính chất chiến lược, đột phá, lan tỏa…

Các chuyên gia kinh tế tham dự diễn đàn

Các chuyên gia kinh tế tham dự diễn đàn

Trước phản ánh khó khăn, vướng mắc từ cộng đồng doanh nghiệp, Chủ tịch Quốc hội đặc biệt lưu ý những đề xuất nghiên cứu, ban hành hoặc kéo dài các chính sách tiền tệ, thuế, phí, lệ phí... để hỗ trợ, thúc đẩy sản xuất kinh doanh.

Chủ tịch Quốc hội cũng ghi nhận kiến nghị tăng vốn điều lệ của các ngân hàng, nhất là các ngân hàng thương mại Nhà nước và ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước chi phối; phối hợp nhuần nhuyễn giữa chính sách tiền tệ, tài khóa và các chính sách vĩ mô khác.

Tin cùng chuyên mục