
Ngày 5-9, tình hình nước đục, nhiễm bẩn đã lan đến vài khu vực quận Phú Nhuận, Gò Vấp (do Chi nhánh Cấp nước Gia Định cung cấp). Bà Nguyễn Thị Xuân Hoàng ngụ 382/23 đường Quang Trung (phường 10, Gò Vấp) cho biết, nguồn nước máy tại đây đã bị đục vàng suốt cả tuần nay.
Mặc dù nước đã được đun sôi để nguội nhưng vẫn còn màu vàng và tạo từng sợi nhỏ, kết tủa trắng nên không thể nào sử dụng được. Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (TCT CNSG) có đến lấy mẫu nước đi xét nghiệm nhưng chưa thực hiện việc súc xả đường ống.

Trao đổi với PV Báo SGGP, cán bộ Phòng kỹ thuật TCT CNSG cho rằng, nguyên nhân dẫn đến nước đục tại những điểm mới ở quận Gò Vấp, Phú Nhuận cũng do mạng cấp nước cũ gây bong tróc bên trong khi áp lực nước mạnh, gần khu vực có 3 nguồn nước tập trung, gây dao động lớn trong đường ống (nguồn nước Nhà máy nước Tân Hiệp, Nhà máy nước ngầm Gò Vấp và Nhà máy nước Thủ Đức).
Thêm một điểm khác tại số 131/18/31 đường Thiên Phước (phường 9, Tân Bình) mặc dù việc súc xả đường ống nước tại đây được thực hiện nhiều lần nhưng nước vẫn tiếp tục đục.
Như vậy, tính đến chiều 5-9, chỉ riêng Chi nhánh Phú Hòa Tân, đã có 71 địa chỉ người dân phản ánh nước bị đục, nhiễm bẩn; nâng tổng số điểm nước bị đục, nhiễm bẩn trên địa bàn TPHCM lên 615 điểm. Trong đó có những điểm đã giải quyết súc xả nhưng nước lúc trong lúc đục và một số điểm phát sinh nhiễm đục mới. Cùng ngày, Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM tiếp tục lấy mẫu nước tại các quận 10, Tân Bình, Tân Phú để xét nghiệm
Tối 5-9, ông Võ Dũng, Giám đốc TCT CNSG chỉ đạo Chi nhánh Cấp nước Phú Hòa Tân phát 3.000 sổ tay cho 3.000 tổ dân phố của 4 quận 10,11, Tân Bình, Tân Phú có ghi rõ số điện thoại của chi nhánh để người dân phản ánh tình hình nước đục và nhiễm bẩn và phải khắc phục ngay khi có sự cố xảy ra. Việc trừ tiền nước đục phải giải quyết tới nơi tới chốn, tránh gây thủ tục phiền hà cho dân.
P.V.A