Liên kết chuỗi trong cung ứng các mặt hàng thiết yếu là con đường tất yếu hướng đến sự phát triển bền vững trong sản xuất và phân phối. Việc hình thành liên kết theo chuỗi là biện pháp tốt nhất để loại trừ những yếu tố bất ổn về cung cầu, giá cả, chất lượng hàng hóa nhằm ổn định thị trường.
Liên kết yếu khiến giá tăng
Theo nhận định của ông Trần Nguyên Năm, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), thị trường hàng hóa tiêu dùng nói chung và một số mặt hàng thiết yếu nói riêng, nhất là những mặt hàng thuộc nhóm nông sản, thực phẩm, vật tư nông nghiệp trong những năm gần đây có nhiều biến động, ảnh hưởng rất lớn đến chỉ số giá tiêu dùng cả nước. Các mặt hàng này tăng giá đã gây những bất ổn cho thị trường hàng hóa và ảnh hưởng trực tiếp đến mức sống người dân.
Trên thực tế, ngoài những yếu tố khách quan, trong nội tại chuỗi cung ứng nhiều mặt hàng thiết yếu còn tồn tại những điểm yếu, đặc biệt là sự liên kết giữa các mắt xích trong chuỗi còn lỏng lẻo, dẫn đến bất ổn về cung cầu và giá hàng hóa, kiểm soát chất lượng trên thị trường.
Biểu hiện dễ thấy nhất là mặt hàng phân bón. Liên tục trong nhiều năm gần đây, thị trường phân bón thường xuyên bất ổn trong giai đoạn cao điểm của vụ đông - xuân, dù nhu cầu tăng theo mùa vụ đã mang tính quy luật. Đối với loại phân urê, dù có những quy định giá bán trần trong hệ thống phân phối nhưng khi bán lẻ đến khâu cuối cùng, người tiêu dùng thường phải mua cao hơn từ 1.000-1.500 đồng/kg. Một trong những nguyên nhân quan trọng là sự liên kết giữa các chủ thể trong chuỗi cung ứng phân bón còn lỏng lẻo và chồng chéo nên chi phí đẩy lên khá cao trong quá trình phân phối và nhà sản xuất và nhập khẩu khó kiểm soát giá bán, chất lượng sản phẩm trên đường đến tay người nông dân, nên tạo dư địa phân bón giả hoành hành.
Giá thịt heo năm 2011 biến động rất lớn. Tính đến tháng 7-2011, giá thịt heo tại miền Bắc đã tăng từ 66%-88%, tại miền Nam tăng từ 53%-70% so với tháng 1-2011. Ngoài dịch bệnh, lãi suất cao… thì thông tin về việc thu mua nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc đã tạo tâm lý lo ngại về nguồn cung, đẩy giá bán tăng cao. Thực tế, nguồn cung thịt heo không thiếu nhưng do thiếu sự kết nối giữa các bên khiến giá thịt heo trong nước tăng vọt.
Ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Công ty Vissan, cho rằng hiện chỉ có 15% tổng lượng đàn heo được chăn nuôi theo quy mô công nghiệp, 85% còn lại được chăn nuôi nhỏ lẻ, không tập trung. Thực trạng trên dẫn đến ngành chăn nuôi của VN chưa thực hiện được truy xuất nguồn gốc, thực hiện quy trình không nhất quán, chất lượng di truyền rất khác biệt nên chất lượng sản phẩm chăn nuôi không đồng đều… Đây là những tồn tại cần sớm được khắc phục mới đáp ứng được yêu cầu sản xuất thực phẩm sạch, an toàn từ “trang trại đến bàn ăn”.
Cần chiến lược dài hạn
Một chuỗi cung ứng thực phẩm về cơ bản bao gồm các khâu: sản xuất (gồm giống, thức ăn chăn nuôi, chăn nuôi...), chế biến, phân phối (bán buôn, bán lẻ). Nhiều ý kiến cho rằng khó khăn lớn nhất hiện nay khiến việc liên kết chuỗi còn hạn chế vì chưa xác định đúng, đủ và hài hòa lợi ích giữa các bên. Đến nay, chúng ta chưa có được hệ thống chính sách đầy đủ và đồng bộ để thực hiện các chuỗi liên kết trong cung ứng, nhất là thiếu chiến lược dài hạn để phát triển bền vững trong mối tương quan lợi ích của doanh nghiệp với người sản xuất.
Nói như ông Trương Tiến Dũng, Giám đốc Công ty cổ phần Kinh doanh thủy hải sản Sài Gòn - APT, hiện chúng ta mới chỉ đặt vấn đề liên kết ở phần ngọn, trong khi mấu chốt của việc phát triển theo chuỗi ở phần gốc gồm chính sách đất đai, giống, thức ăn… lại ít được quan tâm, cái khó vẫn chưa gỡ, làm sao phát triển được theo chuỗi?
Từ thực trạng trên, ông Đỗ Văn Nam đưa ra 3 giải pháp.
Thứ nhất, cần xác định đầy đủ và hài hòa hơn lợi ích của tất cả các bên liên quan trong chuỗi liên kết cung ứng sản phẩm.
Thứ hai, cần nâng cao nhận thức về quyền và lợi ích của các bên tham gia vào chuỗi cung ứng, nhất là nhận thức của người nông dân sản xuất nguyên liệu và doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm hướng đến sự phát triển bền vững.
Thứ ba, nhà nước đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng xây dựng và triển khai các chuỗi liên kết cung ứng. Cần có một chiến lược dài hạn để phát triển bền vững trong mối tương quan lợi ích của doanh nghiệp với người sản xuất. Có như vậy, những mô hình liên kết cung ứng mới có thể bền vững và thoát ra khỏi tình trạng là những “mô hình thí điểm” như hiện nay.
| |
THÚY HẢI