Một khi đã xác định du lịch - ngành công nghiệp không khói - có đóng góp quan trọng cho GDP của đất nước và để thu hút khách quốc tế chính là phát triển xuất khẩu du lịch tại chỗ, điều chúng ta cần phải cải thiện ngay, đó là phải làm tốt các dịch vụ du lịch.
Biển đảo Bình Ba, nước trong cát trắng...
Độc quyền
Biển đảo là thế mạnh của Việt Nam. Du lịch khám phá là sở thích của giới trẻ. Thế nhưng, anh Vũ Khanh kể, có lần anh dẫn nhóm bạn trẻ đến tham quan đảo Lý Sơn - Quảng Ngãi, nhưng không vui với các dịch vụ nơi đây. Khách sạn Lý Sơn đã không vệ sinh phòng, máy lạnh không chạy, tivi không mở được, toilet dơ nhưng giá thì mắc không thua gì ở thành phố Quảng Ngãi. Nguyên nhân do… độc quyền. Nếu khách không chấp nhận thì chẳng còn chỗ nào để lựa chọn!
Một kiểu hành xử độc quyền nữa là mỗi ngày có 2 chuyến tàu ra đảo (8 giờ sáng và 3 giờ chiều), anh đi chuyến 3 giờ chiều nhưng mới 7 giờ sáng hôm sau chủ khách sạn lên đánh thức yêu cầu trả phòng với lý do… chuyến phà sáng sắp chạy nên khách sạn phải nhận khách mới. Một du khách cãi rằng, quy định quốc tế là trả khách sạn vào lúc 12 giờ trưa, thì chủ khách sạn trả lời rất lệ làng “không biết quy định nào hết, ở đây là thế!”.
Đã vậy, cả nhóm thuê xe máy để du lịch vòng quanh đảo với giá 50.000 đồng/ngày (tiền xăng tự trả), nhưng anh vừa mượn chiều hôm trước đi được vài vòng, sáng hôm sau lại bị tính vào ngày mới! Anh Khanh kể, xung quanh đảo bốn bề là biển, nhưng lại chẳng có chỗ tắm biển. Hầu như bãi biển nào cũng có đá cắt chân, chỉ một bãi có cát trắng tắm được thì bên trên lại là… nghĩa địa! Khách muốn tắm phải đi thuyền ra đảo Bé, mà đảo này mỗi ngày chỉ có một chuyến mà quay trở lại đảo Lý Sơn thì không kịp tàu về đất liền, nên muốn tắm biển phải ở thêm ngày nữa. Đảo nhỏ, dịch vụ kém nên hầu hết du khách đến đây đều rơi vào tình thế khó xử.
Mới đây, anh Lê T. đến Côn Đảo, cũng tận hưởng khách sạn Côn Đảo 4 sao với giá trên dưới 3 triệu đồng/phòng. Nhóm của anh đặt trước 5 phòng (4 phòng thường và 1 phòng VIP). Khi đến thì một trong số họ không đi được nên chỉ yêu cầu 4 phòng thường, khách sạn trả lời không có đủ 4 phòng thường mà giao 3 phòng thường và 1 phòng VIP. Mặc dù không có phòng để giao cho khách nhưng khi tính tiền, khách sạn đã tính cả phí hủy chỗ đối với phòng đã đặt lên đến 50% giá phòng!
Anh T. cho rằng, tuyến du lịch Côn Đảo không phát triển được vẫn do độc quyền, mới dừng lại ở du lịch tâm linh, trong khi nơi đây có nhiều ưu điểm để phát triển du lịch nghỉ dưỡng, nếu làm tốt các loại dịch vụ. Cụ thể và trước hết phải xóa độc quyền trong đường bay. Hiện nay, đường bay từ TPHCM đến Côn Đảo khoảng 230km nhưng du khách phải trả bằng với giá đi Hà Nội, Singapore… Do vậy, nếu không chấn chỉnh những dịch vụ liên kết thì dù ngành du lịch có cố gắng mấy vẫn không thể thúc đẩy du lịch phát triển được.
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn thừa nhận ngành du lịch Việt Nam phát triển chưa tương xứng với sự giàu có, phong phú về tài nguyên tiềm năng về du lịch biển đảo, du lịch văn hóa, du lịch sinh thái… Việc đầu tư sản phẩm du lịch cũng làm chưa tốt. Chính sách liên ngành, liên vùng để phát triển du lịch còn nhiều bất cập.
Học từ Bình Ba, học qua Đà Nẵng…
Nếu phải học Thái Lan cách tổ chức tour, kỹ thuật “moi” hầu bao của du khách, trước tiên nên học cách quản lý và thống nhất tại một vài điểm du lịch trong nước. Đảo Bình Ba (Cam Ranh - Nha Trang) là một ví dụ. Cả đảo làm du lịch. Bất kỳ du khách nào muốn sang đảo, dù liên hệ với bất kỳ đầu mối nào cũng đều có giá như nhau. Nếu du khách muốn ở bãi nào, nhà khu vực nào thì những người dân ở đây tự liên hệ với nhau, đáp ứng theo nhu cầu du khách. Tôm hùm là đặc sản nơi này được bà con quảng bá một cách nhiệt tình, đã đặt suất ăn do bà con nấu thì du khách được ăn tôm hùm đến no.
Chị Nguyễn Thu Thảo kể, lúc đặt tour trọn gói, phần ăn có cả tôm hùm, có chỗ ngủ “home stay” nhưng giá chỉ 1,1 triệu đồng/ngày, chị nghĩ món tôm hùm mắc, chắc họ chỉ đãi một chút cho có. Nào ngờ, bữa ăn được đầy đủ, 4 người ăn con tôm hùm hơn 1kg, nấu, hấp theo ý khách.
Theo chị Thảo, điều chị ấn tượng nhất là bà con nơi đây kinh doanh rất thống nhất, chân tình, dễ thiện cảm. Đến các hàng quán, khách muốn xem hàng, trả giá, nơi nào cũng đon đả, chẳng có chuyện chèo kéo, mặt nặng mặt nhẹ khi khách từ chối mua hàng. Đặc biệt, giá ở đây rất thống nhất, không có chuyện nói thách, lừa đảo khách. Đó là lý do ai đến Bình Ba trở về cũng muốn trở lại, dù không quảng bá nhưng Bình Ba vẫn được lan truyền như một điểm du lịch thân thiện nhất.
Nếu Vũng Tàu kinh doanh kiểu khách đông thì “chặt chém”, ở Đà Nẵng hoàn toàn ngược lại. Khách càng đông, bà con càng đon đả, giá cả luôn thống nhất. Các ngư dân đánh bắt cá trên bãi biển đường Nguyễn Tất Thành bán trực tiếp cho du khách cũng với giá rẻ như bán cho người dân địa phương. Khách mua trực tiếp tôm cá của ngư dân và mang vào hàng quán bên đường nhờ nấu, các quán cũng chỉ lấy giá 30.000 đồng/nồi cháo, các dịch vụ ăn uống khác giá cả cũng phải chăng. Người kinh doanh nơi đây không có chuyện vì nghe giọng vùng miền khác mà “chặt chém”.
Tương tự, nếu bãi biển Vũng Tàu và một số nơi khác đầy rác, bọc ni lông, khách vô tư xả rác chờ nước biển lên cuốn đi thì ở Đà Nẵng công tác tuyên truyền thấm vào từng người dân.
Chị Hoàng Thị Mi kể, người bán đậu phộng luộc luôn đưa thêm cho khách một túi ni lông và dặn khách bỏ rác vào túi. Tuy nhiên, nhóm bạn chị Mi đông, vừa ăn vừa nói chuyện nên có người quên, đã bỏ vỏ đậu xuống cát. Lát sau, cả nhóm đứng dậy rời bãi biển thì cô bán hàng chạy lại dùng rổ xủi xuống cát rây để lấy vỏ đậu bỏ vào túi. Hành động của chị bán hàng khiến cả nhóm hổ thẹn. Hỏi ra mới biết, người dân kinh doanh phải cam kết đảm bảo vệ sinh, nếu vi phạm sẽ không được bán, dù là bán hàng dạo!
Để phát triển du lịch bền vững, chuyện không chỉ của từng vùng miền mà đến lúc Tổng cục Du lịch phải làm đầu mối hướng dẫn liên kết vùng miền. Bên cạnh việc phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra xử lý những đơn vị, cá nhân vi phạm về giá bán, cần đẩy mạnh khâu tuyên truyền toàn dân làm du lịch. Địa phương nào cũng có thế mạnh, có một vài loại đặc sản, cần quảng bá để du khách khám phá, thưởng thức nhằm tạo giá trị thương hiệu vùng miền. Bởi phát triển du lịch, không chỉ đón khách du lịch, thu hút ngoại tệ, đóng góp cho GDP mà còn nhằm mục tiêu lớn hơn, đó là quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam với bạn bè quốc tế.
HÀN NI
>> Bài 1: Du lịch tự phát, phá nát… thế mạnh!