Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa thừa nhận không dễ làm, nhưng TPHCM có lợi thế về du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị), du lịch mua sắm. Do vậy thành phố sẽ tập trung cho phân khúc này, song song với việc triển khai các sản phẩm du lịch đường sông, du lịch y tế, du lịch văn hóa, nghỉ dưỡng… “Lợi thế phong phú, nhưng để cho ra các sản phẩm du lịch bài bản lại cần nhiều yếu tố, nhất là sự phối hợp chặt chẽ giữa Sở Công thương với Sở Du lịch, cơ quan thuế. Nếu so sánh với các nước Đông Nam Á, Thái Lan chẳng hạn, thực sự du lịch mua sắm của họ phát triển rất tốt. Các sản phẩm quần áo thời trang, túi xách, mỹ phẩm hàng hiệu đều có mức giảm giá sâu, trong khi mặt hàng cùng loại bán tại các trung tâm thương mại của những thành phố lớn ở Việt Nam, dù đã giảm giá, vẫn không cạnh tranh nổi”, giám đốc một DN lữ hành cho biết.
Theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công thương TPHCM, Sở Công thương và Sở Du lịch thúc đẩy hợp tác toàn diện để cho ra các tour du lịch mua sắm. Trước tiên là đẩy mạnh các chương trình giảm giá, kích cầu tại các siêu thị, trung tâm thương mại… trong năm 2021.
Tại buổi tọa đàm diễn ra tại TPHCM, ông ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương, chia sẻ với PV Báo SGGP rằng, tới đây người dân sẽ có cơ hội mua được các món hàng hiệu giá ưu đãi tại các trung tâm mua sắm. Vì trước khi gia nhập EVFTA, mặt hàng quần áo thời trang châu Âu nhập vào nước ta đều bị áp thuế 30% chưa gồm VAT, điều này làm giảm sức hút đối với du khách thích mua sắm. ông Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết, năm 2021, ngoài việc đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng, Sở Công thương cũng tích cực hỗ trợ DN mở thêm quầy miễn thuế phục vụ du khách. “Chúng tôi sẽ làm tốt nhất có thể để cùng thành phố vực dậy hoạt động du lịch. Ngành du lịch sống được sẽ góp phần phục hồi nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác…”, ông Bùi Tá Hoàng Vũ khẳng định.
Khái niệm du lịch mua sắm (shopping tourism) hình thành vài năm trở lại đây và được nhiều điểm đến trên thế giới khai thác hiệu quả. Chẳng hạn Hàn Quốc, Dubai, Tây Ban Nha phát triển riêng các tour mua sắm nhằm định vị thương hiệu quốc gia. Ở TPHCM, nhiều công ty du lịch thông tin, thời điểm trước khi bùng phát dịch Covid-19, hàng tuần DN đều có các tour đưa khách đi mua sắm tại Thái Lan; lãnh thổ Đài Loan, Hồng Công (Trung Quốc) hoặc Hàn Quốc. Khách mua tour này “chịu chi”, phục vụ họ hơi cầu kỳ, nhưng cho doanh thu tốt. Về lâu dài, ngành du lịch TPHCM nói riêng, Việt Nam nói chung nên hướng đến loại hình du lịch này, góp phần quảng bá điểm đến trong nước. Ở khía cạnh xã hội, du lịch mua sắm phát triển giải quyết bài toán việc làm, góp phần tăng thu nhập cho cộng đồng, địa phương…
Theo bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, song song với phòng chống dịch Covid-19, các DN lữ hành đang khẩn trương lên kế hoạch đón khách quốc tế ngay khi dịch bệnh được kiểm soát. Ngành du lịch thành phố đã có chiến lược phát triển bền vững, nhằm phát huy thế mạnh du lịch mua sắm, phấn đấu đưa TPHCM trở thành trung tâm mua sắm sôi động hàng đầu khu vực Đông Nam Á.