Phát triển du lịch y tế: Không dừng lại ở tiềm năng

Được xem là một trong 6 xu hướng du lịch phát triển trong tương lai, du lịch y tế đang là vấn đề được nhiều quốc gia quan tâm. Tại TPHCM, những năm gần đây, khái niệm du lịch y tế bắt đầu được nhắc đến với các tiềm năng sẵn có. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, để du lịch y tế trở thành ngành mũi nhọn, cần có những giải pháp đồng bộ và chiến lược dài hơi. 

Xác định sản phẩm đặc trưng 

Những năm gần đây, làn sóng người Việt Nam ở nước ngoài và thậm chí là người nước ngoài đến Việt Nam điều trị bệnh theo hình thức du lịch y tế ngày càng tăng. Thống kê của Sở Du lịch TPHCM, lượng khách nước ngoài đến Việt Nam chữa bệnh kết hợp du lịch đang tăng dần hàng năm với doanh thu khoảng 2 tỷ USD. Riêng trong năm 2018 đã có khoảng 300.000 người nước ngoài đến khám ngoại trú và 57.000 người được điều trị nội trú tại Việt Nam, trong đó lượng khách đến TPHCM chiếm khoảng 40%.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho biết, phát triển du lịch y tế không hề dễ dàng mà đòi hỏi phải có chiến lược, giải pháp phối hợp giữa các đơn vị liên quan một cách đồng bộ, tin cậy. Các sản phẩm thuộc loại hình du lịch này cũng không nên dàn trải, cần tập trung vào những sản phẩm đặc trưng  chất lượng cao, có lợi thế cạnh tranh mà các đơn vị y tế có khả năng đáp ứng một cách tốt nhất.

Phát triển du lịch y tế: Không dừng lại ở tiềm năng ảnh 1 Người nước ngoài đến đăng ký khám chữa bệnh tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Một lĩnh vực y tế thế mạnh khác có thể phát triển du lịch y tế là y học cổ truyền cũng đang bắt tay vào xây dựng sản phẩm đặc trưng của riêng mình. Theo TS Trương Thị Ngọc Lan, Phó viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TPHCM, đơn vị này xác định tập trung cung cấp, giới thiệu đến khách du lịch các sản phẩm y tế là thế mạnh của y học cổ truyền Việt Nam theo 3 hướng là du lịch học thuật, du lịch sức khỏe và du lịch chữa bệnh.

Trong đó, hướng du lịch học thuật có các sản phẩm như hướng dẫn một số kiến thức, kỹ thuật giác hơi, day ấn huyệt, tác động cột sống, dưỡng sinh; hướng du lịch sức khỏe có các sản phẩm phục hồi thể lực cho du khách bằng cách mát - xa, ấn huyệt, giác hơi; hướng du lịch điều trị có các sản phẩm điều trị bệnh hen suyễn, thoát vị, chứng mất ngủ, thoái hóa khớp, loãng xương.

Cần nhiều giải pháp 

Dù nha khoa được xem là thế mạnh của du lịch y tế nhưng ước tính trung bình mỗi năm, chỉ có gần 100.000 bệnh nhân nước ngoài sang Việt Nam khám chữa răng với tổng doanh thu ước đạt khoảng 3.500 tỷ đồng. Con số này khá khiêm tốn so với trung bình 13 triệu lượt khách quốc tế đến nước ta mỗi năm, với doanh thu hơn 500.000 tỷ đồng. Nếu so sánh với các quốc gia láng giềng ở Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia hay Singapore thì con số này vô cùng khiêm tốn.

Tương tự, ở lĩnh vực thụ tinh nhân tạo, bác sĩ Hồ Mạnh Tường, Tổng thư ký Hội Nội tiết sinh sản và vô sinh TPHCM, đánh giá hiện nay tiềm năng điều trị cho người nước ngoài và Việt kiều trong lĩnh vực vô sinh, hiếm muộn đang rất lớn. Tuy nhiên, nhóm người bệnh này có yêu cầu cao và họ “khó tính” hơn rất nhiều so với bệnh nhân trong nước.

Nhân chuyến về Việt Nam thăm người thân, chị L.T.H. (42 tuổi, Việt kiều Mỹ) quyết định đến Bệnh viện Da liễu TPHCM để thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ. Chị H. cho biết về nước “nâng cấp nhan sắc” bởi nghe danh tiếng bác sĩ Việt Nam phẫu thuật thẩm mỹ đẹp. Quan trọng hơn, giá cả rất phải chăng, chỉ bằng một nửa so với Mỹ. Tương tự, vợ chồng anh H.T.P. và chị T.H.M. (Việt kiều Mỹ) cũng lựa chọn Việt Nam là nơi thực hiện thụ tinh ống nghiệm, kết hợp về quê thăm người thân và đi du lịch. “Ở Mỹ, chi phí cho một lần thụ tinh ống nghiệm lên đến 20.000USD và khả năng thành công chỉ hơn 30%, trong khi đó tôi tìm hiểu thì được biết ở Việt Nam chi phí chỉ khoảng 3.500USD, thấp hơn gần 6 lần, nhưng hiệu quả có thể đạt đến 45%”, chị M. chia sẻ.

Để khai thác tiềm năng phát triển du lịch y tế, Sở Du lịch và Sở Y tế TPHCM đã có nhiều chương trình phối hợp cùng thực hiện, như năm 2018 xây dựng cẩm nang du lịch y tế, năm 2019 tạo app để tra cứu các dịch vụ khám chữa bệnh giúp du khách dễ dàng truy cập tìm hiểu thông tin, đăng ký dịch vụ qua Internet…

PGS-TS Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho biết thành phố đang có những bước đi kết nối, xúc tiến, quảng bá cho loại hình du lịch này, như: Xây dựng website giới thiệu về loại hình du lịch y tế để đẩy mạnh việc quảng bá ra thế giới; phát triển xây dựng lực lượng điều phối viên vừa có kiến thức y tế vừa hiểu biết về du lịch, ngoại ngữ để có thể tư vấn, giới thiệu cho du khách về các dịch vụ du lịch y tế thành phố đang triển khai...  

UBND TP cũng đã ban hành Kế hoạch phát triển du lịch y tế giai đoạn 2019-2025. Theo đó, chỉ đạo triển khai mở rộng mạng lưới dịch vụ cấp cứu ngoài bệnh viện và các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho khách du lịch có bệnh mãn tính (cao huyết áp, tiểu đường...), hoặc có sự cố sức khỏe trong thời gian khách du lịch đến TPHCM. Đặc biệt là hình thành mạng lưới cấp cứu đột quỵ, cấp cứu tim mạch phục vụ cho người dân và khách du lịch.

UBND TP cũng yêu cầu ngành y tế từng bước nâng cấp, xây mới cơ sở hạ tầng theo tiêu chuẩn quốc tế tại khu điều trị theo yêu cầu của các bệnh viện; đổi mới phong cách phục vụ và cải tiến chất lượng các dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu. Ưu tiên các chuyên khoa có nhu cầu cao đối với du lịch y tế bao gồm nha khoa, y học cổ truyền, thụ tinh ống nghiệm, tạo hình - thẩm mỹ, tim mạch, tầm soát bệnh ung thư, chỉnh hình. Triển khai chương trình điều trị không dùng thuốc và dịch vụ tăng cường sức khỏe…

Tin cùng chuyên mục