Phát triển đường sắt đô thị ở các đô thị kết nối với TPHCM và Hà Nội

ĐB Trần Anh Tuấn (TPHCM) nhấn mạnh yêu cầu phát triển đường sắt đô thị ở các đô thị khác, kết nối với 2 thành phố hạt nhân là Hà Nội và TPHCM, phát huy tối đa hiệu quả của đường sắt đô thị.
ĐB Trần Anh Tuấn (TPHCM) phát biểu tại hội trường, sáng 7-1. Ảnh: QUANG PHÚC
ĐB Trần Anh Tuấn (TPHCM) phát biểu tại hội trường, sáng 7-1. Ảnh: QUANG PHÚC

Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, sáng 7-1, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Nhấn mạnh việc xây dựng quy hoạch tổng thể quốc gia là nội dung vô cùng quan trọng, ĐB Trịnh Xuân An (Đồng Nai) cho rằng đây là nhiệm vụ chưa từng có tiền lệ và phức tạp nhưng đây cũng là cơ hội để đưa khát vọng, định hướng lớn về xây dựng đất nước hùng cường trở thành hiện thực.

ĐB Trịnh Xuân An (Đồng Nai). Ảnh: QUANG PHÚC

ĐB Trịnh Xuân An (Đồng Nai). Ảnh: QUANG PHÚC

Trên cơ sở nhận định quy hoạch tổng thể quốc gia phải là cơ sở pháp lý, chính trị và thực tiễn vững chắc, ĐB Trịnh Xuân An thẳng thắn nhận định: “Quy hoạch tổng thể quốc gia không phải bản tập hợp hay phép cộng đơn giản các quy hoạch thành phần, cũng không phải nhắc lại cơ học chiến lược phát triển kinh tế xã hội đã được Đại hội Đảng thông qua. Quy hoạch tổng thể quốc gia không nên quy định quá chi tiết mục tiêu cụ thể, mà chỉ nên nêu khái quát, giới hạn tối đa hoặc tối thiểu chỉ tiêu để các ngành, địa phương có có căn cứ xây dựng các chỉ tiêu tại quy hoạch cấp thấp hơn một cách phù hợp”.

Cùng với đó, cần xem xét trong quy hoạch những mục tiêu nào Nhà nước có thể đầu tư đảm bảo tính khả thi và đáp ứng các định hướng chiến lược cho đất nước thì có thể đặt ra các chỉ tiêu, giải pháp cụ thể mang tính pháp lý, tức là quy hoạch “cứng”, như nội dung liên quan tới đất đai, giao thông, năng lượng, quốc phòng an ninh… Các vấn đề có thể xã hội hóa được thì nên xác định là quy hoạch “mềm”, tránh việc đi vào chi tiết, chỉ tiêu quá cụ thể, thậm chí bó khung lại thì hạn chế phát triển.

Về các vùng động lực, bên cạnh 4 vùng đã nêu trong quy hoạch, ĐB An đề nghị bổ sung thêm vùng động lực Thanh Hóa - Nghệ An. Về 3 ngành kinh tế chiến lược là nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ, ĐB đề nghị xác định rõ nông nghiệp là lĩnh vực có lợi thế so sánh, có thể “chiến đấu” được với thế giới, nhưng phải bổ sung thêm nội dung về nông nghiệp chế biến sâu.

Cùng mối quan tâm đến 4 vùng kinh tế động lực, ĐB Trần Anh Tuấn (TPHCM) nhấn mạnh yêu cầu phát triển đường sắt đô thị. Theo ĐB, hiện nay, hệ thống đường sắt đô thị tại Hà Nội và TPHCM đã và đang được phát triển rồi, nhưng các đô thị khác của những vùng động lực này cũng phải tính toán phát triển đường sắt đô thị để kết nối với thành phố hạt nhân là Hà Nội và TPHCM, phát huy tối đa hiệu quả của đường sắt đô thị.

ĐB Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương). Ảnh: QUANG PHÚC

ĐB Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương). Ảnh: QUANG PHÚC

Cùng quan điểm về xác định thứ tự ưu tiên, ĐB Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) lấy ví dụ cụ thể về định hướng phát triển ngành du lịch, cần khắc phục hạn chế, yếu kém.

“Quy hoạch hiện nay vẫn dàn trải, thiếu trọng tâm, trọng điểm khi xác định các sản phẩm du lịch chính của mỗi không gian phát triển chính theo vùng. Cả 6 vùng kinh tế đều nêu các sản phẩm du lịch chính giống nhau, liệt kê các sản phẩm du lịch hiện có theo vùng, chứ chưa xác định sản phẩm du lịch chính, nổi trội, đặc sắc của mỗi vùng. Chẳng hạn, 4/6 vùng liệt kê sản phẩm chính là biển đảo; 5/6 vùng sản phẩm chính là du lịch sinh thái…

“Khi xác định được sản phẩm du lịch chính, mới có phương hướng để đầu tư phát triển, chứ liệt kê đầy đủ lại rơi vào đầu tư dàn trải, không có sự tập trung, thiếu trọng điểm, thiếu hiệu quả thì sẽ không khắc phục được hạn chế, tồn tại”, ĐB Việt Nga bình luận.

Tin cùng chuyên mục