
Ngày 5-10-2004, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định 117/ QĐ-TTg, phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn 2020. Bằng quyết định này, các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước như được tiếp thêm sức mạnh...
Từng bước khẳng định
Theo số liệu của Vụ Cơ khí Luyện kim và Hóa chất Bộ Công nghiệp, đến tháng 7-2005 cả nước có 14 doanh nghiệp liên doanh hoạt động trong lĩnh vực sản xuất lắp ráp ô tô với tổng vốn đầu tư khoảng 8.258 tỉ đồng, năng lực sản xuất 148.000xe/năm.
Không thua khối doanh nghiệp nước ngoài, trong 2 năm 2003-2004 khối doanh nghiệp trong nước đã có 30 doanh nghiệp xây dựng dự án đầu tư sản xuất lắp ráp ô tô, và có trên 40 doanh nghiệp lắp ráp ô tô dạng khung gầm. Tổng Công ty Máy động lực và máy nông nghiệp đang triển khai đề án chế tạo ô tô, động cơ, hệ thống truyền lực và phụ tùng với mức đầu tư 1.649 tỉ đồng.

Dây chuyền sản xuất lắp ráp ô tô của Xí nghiệp tư doanh Xuân Kiên.
Tổng Công ty Công nghiệp ô tô Việt Nam ngoài 12 doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô và phụ tùng cũng đang tiếp tục đầu tư thêm 14 dự án với tổng mức đầu tư trên 10.230 tỉ đồng. Tổng Công ty Than Việt Nam, Tổng Công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn, Xí nghiệp tư doanh Xuân Kiên, Công ty TNHH sản xuất lắp ráp ô tô Chu Lai – Trường Hải…, đã và đang xây dựng các nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô và phụ tùng với vốn đầu tư lên trên 4.000 tỉ đồng.
Theo thiết kế, công suất lắp ráp của tất cả các doanh nghiệp trong nước sẽ lên tới 250.000 xe/năm. Đánh giá vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công nghiệp Đỗ Hữu Hào khẳng định:“Riêng lĩnh vực sản xuất xe tải, xe buýt, xe chở hàng đông lạnh, xe ép rác…, ngành công nghiệp ô tô đã đủ năng lực cung cấp cho nhu cầu trong nước, tiết kiệm nguồn ngoại tệ hàng trăm triệu USD mỗi năm vì không còn phải nhập khẩu những loại ô tô này”.
Bộ Công nghiệp đã xem đây sẽ là ngành công nghiệp mũi nhọn, là ngành kinh tế trọng điểm. Phát triển ngành công nghiệp ô tô không chỉ đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước mà còn có khả năng xuất khẩu. Được biết, Tổng Công ty Công nghiệp ô tô Việt Nam đã có hợp đồng xuất khẩu xe khách sang khu vực Nam Mỹ; Trung tâm sản xuất phụ tùng ô tô của Công ty Toyota Việt Nam đã xuất khẩu sản phẩm sang thị trường các nước Thái Lan, Philippines, Malaysia.
Mừng nhưng...lo

Quy trình thiết kế kiểu dáng công nghiệp ô tô.
Tuy nhiên, sự phát triển ồ ạt các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô cũng đang là mối lo cho các cơ quan quản lý nhà nước. Theo Quyết định 177/QĐ-TTg, Sở Công nghiệp các địa phương được phép thẩm định các dự án đầu tư của doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô ở địa phương.
Vì thế, gần đây đã xuất hiện tình trạng nhiều địa phương quá dễ dãi trong việc thực hiện các tiêu chuẩn về sản xuất, lắp ráp ô tô đã được quy định tại Quyết định số 115/2004/QĐ-BCN của Bộ Công nghiệp. Thực tế là có nhiều doanh nghiệp chỉ mới trong giai đoạn xây tường rào, san lấp mặt bằng, cũng đã được địa phưng cấp giấy phép “đủ năng lực sản xuất ô tô”(?)
Hàng loạt dự án của các doanh nghiệp sản xuất ô tô ở địa phương liên tục được “phê duyệt”, số lượng ô tô được họ đăng ký tung ra thị trường ngày một nhiều nhưng chất lượng sản phẩm thấp, gây ô nhiễm, mất lòng tin cho người tiêu dùng và đồng thời gây khó khăn cho các đơn vị có đủ tiềm lực hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, lắp ráp ô tô hiện nay.
Theo nhiều chuyên gia, cái chính ở đây là lợi nhuận trong lĩnh vực này còn quá cao nên nhiều địa phương đã không chấp hành nghiêm khắc các tiêu chuẩn đầu tư sản xuất lắp ráp ô tô như quy định. Có thể nói đây là cách tiếp tay cho kiểu làm ăn “chụp giật”, gây hại cho ngành công nghiệp ô tô trong nước trước mắt cũng như về lâu dài.
Để ngăn chặn tình trạng này, Bộ Công nghiệp đã có văn bản yêu cầu các địa phương không khuyến khích các dự án đầu tư sản xuất lắp ráp ô tô quy mô nhỏ, thuần túy lắp ráp đơn giản mà không chuyển giao công nghệ và thực hiện chương trình nội địa hóa sản phẩm, đề phòng gian lận thương mại...
Thực tế đã và đang diễn ra, các cơ quan quản lý đều biết, Bộ Công nghiệp cũng đã đề nghị Chính phủ thành lập đoàn kiểm tra tiến hành “hậu kiểm” các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô theo đúng lộ trình của Quyết định 115/2004/QĐ-BCN. Thế nhưng cho đến thời điểm này mọi việc vẫn chưa có hồi kết.
HÀ ĐÔNG