Sau một thời gian liên tục xảy ra các vụ tranh chấp sở hữu chung tại các chung cư và các tranh cãi xung quanh phí quản lý (PQL) chung cư, Sở Xây dựng TP đã đưa ra dự thảo về quy định mức thu tối đa kinh phí quản lý vận hành phần sở hữu chung nhà chung cư (PQL chung cư) để lấy ý kiến người dân. Sau khi đăng tải nội dung dự thảo trên, Báo SGGP nhận được được rất nhiều ý kiến đóng góp của bạn đọc.
- Ông Vũ Thế Dũng (chung cư 86 Tản Đà quận 5, TPHCM): Cần hướng dẫn rõ việc minh bạch tài chính
Việc quy định mức giá trần về PQL chung cư là rất quan trọng nhưng nếu giá trần thấp quá cũng sẽ khó quản lý được tòa nhà một cách tốt nhất. Khách quan mà nói, mức giá trần về PQL chung cư mà Sở Xây dựng đưa ra cao nhất là 6.000 đồng/tháng theo tôi là hơi thấp.
Do đó, để có mức giá trần hợp lý thì cần phải khảo sát thật nhiều để đưa ra được mức giá trần hợp lý. Một khi đã đưa ra mức giá trần thì phải cưỡng chế thực hiện, nhưng theo tôi, vẫn có thể thu vượt giá trần nếu đa số hộ dân đồng tình và sự đồng tình thể hiện qua các cuộc hội nghị chung cư. Dự thảo cũng quy định tất cả việc thu-chi phải minh bạch và công khai.
Thế nhưng việc minh bạch tài chính như thế nào vẫn chưa được quy định. Nếu như việc thu chi của ban quản trị chung cư không được đa số hộ dân đồng tình thì ai sẽ giám sát và giám sát theo hình thức nào?
Nếu người dân muốn thuê một đơn vị kiểm toán thì có được không và ai sẽ chịu chi phí này? Nên quy định cụ thể những việc này để sau này “đụng chuyện” khỏi phải xin hướng dẫn mà cứ theo quy định mà thực hiện.
- Ông Nguyễn Mạnh Dũng (chung cư The Manor Q.Bình Thạnh, TPHCM): Nên để ban quản trị quyết định mức phí chung cư
Theo tôi, các mâu thuẫn xảy ra là vì khi giao dịch, người mua và người bán chưa có những thỏa thuận cụ thể về vấn đề quản lý và vận hành chung cư (gồm những hoạt động gì, dự kiến kinh phí trang trải cho các hoạt động đó được tính toán trên cơ sở nào…).
Do đó, khi bán nhà, chủ đầu tư cần phân định rõ ràng phần nào là phần chung và phần nào là phần riêng chứ không nên quy định “những phần không riêng là chung” vì có một số trường hợp sân là chung nhưng cũng có một số trường hợp sân là phần riêng của từng chung cư.
Những phần chung nếu có điều kiện tốt (mặt tiền, vị trí thuận lợi) có thể khai thác để kinh doanh, có thêm kinh phí bổ sung vào PQL chung cư (lúc này các hộ dân đóng phí ít lại).
- Ông Bùi Thanh Sơn, Phó Tổng Giám đốc Công ty Phú Mỹ Hưng: Phí quản lý chung cư chỉ mang tính phục vụ
Việc thu và vận hành PQL căn hộ tại Phú Mỹ Hưng tuân theo Quyết định 08 về quy chế quản lý và sử dụng chung cư. Ở đây, mọi thông tin hoàn toàn minh bạch, tiền PQL được thu để phục vụ lại cư dân trong khu phố. PQL không thu vì mục đích kinh doanh, mà thu để phục vụ theo nguyên tắc “lấy thu bù chi”.
Mức PQL này đã được PMH thông báo trước ngay từ thời điểm khách hàng ký hợp đồng mua nhà. Cho nên, khách hàng đã biết và đồng ý ngay từ đầu. Đến khi ban quản trị được thành lập, mọi quyết định mức thu - chi đều do chính cư dân quyết định cùng với ban quản trị thảo luận, thống nhất, PMH (chủ đầu tư) không tham gia quyết định. Trung tâm Phục vụ khách hàng PMH hướng dẫn cư dân thực hiện các công việc của khu phố.
Đồng thời, lắng nghe phản ánh, nguyện vọng của cư dân để phối hợp giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh. Ban quản trị sẽ chịu trách nhiệm về các khoản thu - chi và khi mức thu không đủ chi thì ban quản trị thỏa thuận với cư dân bàn bạc, quyết định, điều chỉnh mức đóng góp PQL theo thực tế sử dụng.
Hạnh Nhung - Lương Thiện