Lâu nay việc thu phí sử dụng đường bộ đã được thực hiện với các chủ phương tiện ô tô; do thu phí tại cơ quan đăng kiểm nên công tác quản lý thu nộp phí thuận tiện và hiệu quả. Riêng việc thu phí sử dụng đường bộ đối với các chủ phương tiện xe máy vẫn còn là việc mới mẻ, nhiều bạn đọc muốn được thông tin cụ thể.
Điều 2 Thông tư 197/2012/TT-BTC hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện đã quy định cụ thể về các đối tượng chịu phí sử dụng đường bộ như sau: Phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, bao gồm: ô tô, máy kéo; rơ moóc, sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô, máy kéo (sau đây gọi chung là ô tô); và mô tô hai bánh, mô tô ba bánh, xe gắn máy (sau đây gọi chung là xe máy) thuộc đối tượng chịu phí sử dụng đường bộ” và tại Điều 4 thông tư này quy định người nộp phí sử dụng đường bộ là tổ chức, cá nhân sử dụng và quản lý phương tiện (sau đây gọi là chủ phương tiện).
Như vậy, theo quy định nêu trên, chủ xe máy tham gia lưu thông cũng phải có nghĩa vụ nộp phí sử dụng đường bộ. Thông tư 197/2012/TT-BTC có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2013, tuy nhiên đến thời điểm hiện nay, việc thu và nộp phí sử dụng đường bộ của cá nhân sử dụng phương tiện xe máy vẫn chưa hiệu quả. Tình trạng này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, không loại trừ trường hợp người dân chưa biết các quy định của pháp luật về nghĩa vụ phải đóng phí sử dụng đường bộ cũng như cách thức thu và nộp phí sử dụng đường bộ.
Hiện nay, phương thức khai và nộp phí sử dụng đường bộ đối với xe máy được quy định cụ thể tại Điều 6 thông tư 197/2012/TT-BTC. Tuy nhiên, thông tư này chỉ có hiệu lực đến ngày 31-10-2014. Sau thời gian này, việc khai và nộp phí xe máy sẽ được thực hiện theo Thông tư 133/2014/TT-BTC. Cụ thể, Điều 7 Thông tư 133/2014/TT-BTC quy định cơ quan thực hiện việc thu phí sử dụng đương bộ đối với xe máy là UBND cấp xã và đơn vị có liên quan (theo quyết định của UBND cấp tỉnh).
Chủ phương tiện thực hiện khai, nộp phí như sau: Đối với xe phát sinh từ ngày 1-1 đến ngày 30-6 hàng năm, chủ phương tiện khai nộp phí vào tháng 7 hàng năm (từ ngày 1-7 đến ngày 31-7). Xe đăng ký mới thực hiện khai nộp phí, với mức thu phí bằng 1/2 mức thu năm. Xe đăng ký lần thứ 2 trở đi (xe này đã được đăng ký trước ngày 1-1 của năm đó), nếu xe đó chưa nộp phí thì chủ phương tiện phải khai nộp phí với mức thu phí cả năm; nếu đã nộp thì chủ phương tiện chỉ nộp tờ khai phí và không phải nộp phí năm phát sinh. Đối với xe phát sinh từ ngày 1-7 đến ngày 31-12 hàng năm, chủ phương tiện khai nộp phí vào tháng 1 năm sau (chậm nhất ngày 31-1): Đối với xe đăng ký lần đầu và xe đăng ký lần 2 trở đi (đã được nộp phí của năm phát sinh) thì chủ phương tiện không phải nộp phí đối với thời gian còn lại của năm phát sinh. Trường hợp đăng ký từ lần thứ 2 trở đi nhưng xe đó chưa được nộp phí của năm phát sinh thì chủ phương tiện phải thực hiện khai nộp phí bổ sung tiền phí của năm phát sinh, cùng với số phí phải nộp của năm tiếp theo. Các năm tiếp theo không có biến động tăng, giảm xe, chủ phương tiện thực hiện nộp phí vào tháng 1 hàng năm (chậm nhất 31-1).
Điều 11 Thông tư 133/2014/TT-BTC đã quy định về việc xử lý vi phạm các quy định về khai, thu, nộp phí sử dụng đường bộ, dẫn chiếu đến quy định của Thông tư 186/2013/TT-BTC ngày 5-12-2013 của Bộ Tài chính. Theo đó, hành vi vi phạm quy định về nộp phí, lệ phí sẽ bị phạt tiền từ 1 đến 3 lần số tiền phí, lệ phí gian lận, trốn nộp đối với hành vi gian lận, trốn nộp phí, lệ phí theo quy định. Mức phạt tiền tối đa là 50 triệu đồng.
Luật sư PHAN VŨ TUẤN
(Văn phòng Luật sư PHANS)