Phí và lệ phí: Thu ít, thất thoát nhiều, trách nhiệm không biết của ai!

* Hàng năm người dân phải đóng đủ thứ tiền do địa phương tự vận động!* Thu phí giữ xe nhưng tiền không vào ngân sách
Phí và lệ phí: Thu ít, thất thoát nhiều, trách nhiệm không biết của ai!

* Hàng năm người dân phải đóng đủ thứ tiền do địa phương tự vận động!
* Thu phí giữ xe nhưng tiền không vào ngân sách

Theo quy định của Pháp lệnh Phí - lệ phí và nghị định của Chính phủ, hiện nay có hơn 170 loại phí và 130 loại lệ phí (trong đó HĐND TPHCM Quyết định 33 loại phí và 12 loại lệ phí). Tổng số tiền mà TP thu được trong năm 2006- 2007 là 9.300 tỷ đồng, chiếm 5,6% ngân sách hàng năm.

Phí lạc hậu

Theo Giám đốc Sở Tài chính TPHCM Nguyễn Thị Nhơn, một số mức phí được trung ương ban hành rất lâu đời, nay đã lạc hậu. Trong đó, nổi bật là 2 loại viện phí và học phí. Viện phí là số thu lớn, chiếm gần 50% trong tổng số thu phí, lệ phí và chiếm 60%- 65% tổng chi thường xuyên của các bệnh viện. Viện phí lâu nay góp phần quan trọng cho việc bổ sung nguồn kinh phí hoạt động cho các bệnh viện, giúp bệnh viện chủ động tài chính, đảm bảo hoạt động khám chữa bệnh.

“Nhưng mức phí ở các bệnh viện hiện nay thu theo khung giá ban hành cách đây hơn 13 năm nên đã quá lạc hậu, trong đó còn phải trích phí này để cải cách tiền lương cho cán bộ công chức, mà lương thì tăng hàng năm…”- bà Nhơn nói. Đã vậy, cơ quan bảo hiểm xã hội cũng lấy mức phí này để thanh toán cho người có thẻ bảo hiểm y tế nên dẫn đến các cơ sở y tế bội chi ngày càng tăng.

Phí và lệ phí: Thu ít, thất thoát nhiều, trách nhiệm không biết của ai! ảnh 1

Một điểm giữ xe trên vỉa hè góc An Dương Vương. Ảnh: ĐỨC TRÍ

Tương tự, học phí đã được Bộ Tài chính giao cho HĐNDTP quy định nhưng đến nay vẫn chưa ban hành. Vì vậy, các trường học vẫn phải thu theo khung phí quy định từ 10 năm trước! Trong khi đó, “nhiệm vụ” của nguồn thu ít ỏi này lại ảnh hưởng đến toàn ngành với 30% để điều tiết thu nhập cho ngành, 35% hỗ trợ cho hoạt động trực tiếp giảng dạy, 25% để tăng cường cơ sở vật chất và 10% bổ sung kinh phí hoạt động. Từ năm 2003, Chính phủ chỉ đạo phải sử dụng 40% nguồn thu này để cải cách tiền lương, nhưng mức thu chưa tăng thì lương vẫn… chờ!

Thất thu: không xác định trách nhiệm?!

Với những bất hợp lý trong mức thu phí và lệ phí, Giám đốc Sở Tài chính cho biết, vì mức thu lạc hậu nên ngân sách địa phương phải bù khi phục vụ hành chính cho dân. Chẳng hạn, lệ phí địa chính do Bộ Tài chính quy định thu 25.000 đồng nhưng chi phí thực tế cho công tác cấp giấy chứng nhận QSHN-QSDĐ tại TP đến 85.000 đồng/hồ sơ, buộc ngân sách địa phương phải bù.

Một bất hợp lý khác là phí vệ sinh đô thị (thu gom rác dân lập), nhà nước “bao cấp”, tiền lời “thầu” hưởng. Phí này do tổ chức, người dân đóng góp trực tiếp cho dịch vụ tư chứ ngân sách không thu (mức giá hiện nay là 7.000- 15.000 đồng/gia đình/tháng và đến 150.000 đồng/tháng/tổ chức; nhà hàng- khách sạn đến 10 triệu đồng/tháng), trong khi ngân sách TP phải bao cấp toàn bộ cho các công đoạn quét rác đường phố, vận chuyển và xử lý chất thải rắn.

Đại biểu HĐND TPHCM Trương Trọng Nghĩa chất vấn: Phí giữ xe ở các điểm trên địa bàn TP ai thu, ai quản lý? Các lề đường, bến bãi, được sử dụng nhưng thất thu, ai chịu trách nhiệm? Vì sao dùng lề đường giữ xe nhưng lại có quyền từ chối khi khách có nhu cầu gởi xe? Nếu nói nhà nước không quy định thu phí sử dụng lòng lề đường, vậy việc chiếm dụng lề đường tràn lan, ai chịu trách nhiệm? Trả lời về phần trách nhiệm, Giám đốc Sở Tài chính cho rằng: Sở Tài chính chỉ có trách nhiệm tổng hợp, chứ việc tổ chức thu là do các ngành, còn cơ quan thuế thì có nhiệm vụ quyết toán. Còn việc “bãi xe lậu” tràn lan thuộc trách nhiệm của chính quyền địa phương.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa tiếp: Một số phường ở quận 10 cho phép sử dụng lòng đường giữ xe cho hàng quán. Thậm chí trong tình hình giao thông ách tắc, quận còn bỏ cả chục tỷ đồng xây con đường rồi sử dụng để làm chợ đêm, thu phí thế nào? “Thực tế khi dẹp lòng lề đường mới lòi ra, bãi xe nào cũng đóng phí cho phường nhưng tiền đó đi về đâu, không phường nào báo cáo số thu đó.

Ngay người nghèo chạy xe ôm cũng phải đóng “bến đậu” cho phường 20.000 đồng/tháng. Các phường tự phát hành biên lai thu, không nộp ngân sách mà để giải quyết đời sống cán bộ. Như vậy là thất thu”- đại biểu Nguyễn Minh Hoàng, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TPHCM, bức xúc.

Đại biểu Đặng Văn Khoa tiếp lời, phí giữ xe (1.000- 2.000 đồng/chiếc) do HĐNDTP ban hành từ năm 2005 đã bị phớt lờ, không tuân thủ mà còn tăng giá tràn lan. Ngay việc mỗi bến xe tốn mấy hécta đất, giờ chuyển sang cổ phần hóa, đã không thu tiền sử dụng đất mà xe buýt chỉ ghé vài phút đã bị thu tiền, trong lúc hàng năm TP bỏ hàng trăm tỷ đồng bù lỗ xe buýt, sao bến xe không miễn thu phí xe buýt để giảm bớt gánh nặng ngân sách. Đề nghị quản lý lại tài sản các bến bãi xe.

 Đại biểu Nguyễn Minh Hoàng đề nghị, việc thu phí sử dụng lòng lề đường phải rà lại, ban hành biên lai, nộp ngân sách, chỉ cho phép trích lại bao nhiêu phần trăm cho phường thôi, nếu không nhà nước sẽ thất thu, người dân thiệt thòi (vì phải trả tiền gởi xe với giá cao) mà chỉ có đầu nậu là hưởng lợi.

Các đại biểu còn bức xúc trước thực trạng nhiều địa phương “bày” ra vận động dân đủ loại quỹ nhưng chỉ ghi sổ chứ không có phiếu thu, không công khai việc sử dụng. Có nơi còn vận động “có điều kiện”, khi ký hồ sơ giấy tờ cho dân lại vận động dân hỗ trợ! Nhưng câu trả lời là: Địa phương vận động chứ không bắt buộc, nếu dân thấy không hợp lý thì có quyền không đóng (?)  

HÀN NI

Sắp tới HĐND TPHCM sẽ thông qua phương án thu các loại phí - lệ phí sau: phí thẩm định cấp quyền sử dụng đất, phí xây dựng, phí thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, phí vệ sinh, phí sử dụng bến bãi- mặt nước lề đường, phí đấu thầu- thẩm định kết quả đấu thầu, phí khai thác và sử dụng tài liệu đất đai.

Tin cùng chuyên mục