
Kể từ thời anh em nhà Lumière phát minh ra chiếc máy chiếu phim và chiếu bộ phim đầu tiên do chính họ quay Buổi tan ca của nhà máy Lumière ở Lyon vào năm 1895 đến nay cũng đã hơn một thế kỷ.
Rất ít người Hà Nội biết rằng mình có một niềm tự hào là chỉ bốn năm sau đó đã được xem những bộ phim đầu tiên người Pháp mang sang chiếu ở xứ thuộc địa vào năm 1899. Và đến năm 1920 Hà Nội đã có rạp chiếu phim Pathé nằm trên nền đất Đền Bà Kiệu, chỗ tượng đài Cảm tử bây giờ. Có thể nói người Việt có một quá trình tiếp cận thưởng thức nghệ thuật thứ bảy lâu dài không thua kém bất cứ một quốc gia nào trên thế giới.
Sau ngày tiếp quản Hà Nội năm 1954, thành phố đã có khá nhiều rạp chiếu phim sang trọng, lịch sự. Rạp Công Nhân (Palace cũ), rạp Tháng Tám (Majétic cũ), rạp Hồng Hà (Olympic cũ), rạp Kim Đồng, Đại Nam, Đông Đô, Bắc Đô, Đại Đồng, Long Biên, Đặng Dung, Dân Chủ, Mê Linh… nhiều không kể xiết. Những vùng ven nội vẫn còn những bãi chiếu bóng chuyên nghiệp. Bãi chiếu bóng Cầu Giấy nằm trong khuôn viên đền Voi Phục.
Dĩ nhiên chiếu bóng ngoài trời không thể chiếu ban ngày. Buổi chiều, công nhân chiếu bóng dựng màn ảnh bằng vải trắng viền xanh lam đậm lên hai chiếc cọc tre chằng dây thừng neo chặt xuống bãi cỏ. Buổi tối bán vé cho người vào xem. Loa phóng thanh mắc trên cột cạnh màn ảnh đọc trực tiếp quảng cáo cho bộ phim sắp chiếu. Vé bán 1 hào cho người lớn. 5 xu cho trẻ em. Người lớn dắt cả xe đạp vào bãi phải mua vé hào rưỡi. Ngồi bãi cỏ được vài hàng đầu, phía sau khán giả thường đứng lên xem cho rõ. Người thuyết minh phim Bạch Mao Nữ ngồi co ro trên ghế đẩu cạnh máy chiếu đọc liền tù tì một mạch “Cô áo trắng bên phải buồng máy ngồi xuống và từ đó cuộc đời của Bạch Mao Nữ bắt đầu”. Soát vé cũng chỉ đại khái hơn nửa bãi. Đoạn sau tháo khoán cho vào tự do. Chẳng cho thì trẻ con cũng “a la xô” vào hết.

Minh họa: K.T
Những rạp người lớn quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm là nơi hẹn hò của trai thanh gái lịch. Con gái rất tự hào hãnh diện với bạn bè khi được người yêu mời đi xem bộ phim thần thoại Liễu Nghị truyền thư của Tàu. Phim ấy có liên quan đến truyền thuyết Kinh Dương Vương của người Việt. Tình yêu trai gái ở Hà Nội lúc ấy hình như có một thước đo bí mật là số lần đi xem phim trong tháng? Ngồi trong rạp tối om thể nào cũng phải tranh thủ cầm bàn tay nhau run rẩy ướt mồ hôi. Chỉ thế thôi.
Sang thời chiến tranh phá hoại hầu hết các rạp chiếu phim phải đóng cửa. Nhân viên đi sơ tán cũng tổ chức chiếu phim ngoài bãi ở các vùng nông thôn phục vụ bà con. Công việc vô cùng vất vả, chật vật. Phim chiếu bãi chỉ bán được vé mặt trước màn ảnh. Mặt sau không thể thu tiền và cũng không thể che nó lại. Người ngồi phía sau bao giờ cũng đông hơn. Lại còn giễu cợt lũ ngồi trước là ngu. Người ngồi trước thưa dần có khi chỉ vì không muốn bị coi là ngu mà thôi.
Rạp chiếu phim Hà Nội sau thời chiến xuống cấp thảm hại do không có tiền tu sửa. Cùng lúc ấy khán giả vào rạp cũng bắt đầu có những cư xử hãi hùng. Bước chân vào trong lòng rạp âm u tối là mùi nước tiểu cay sè. Đám thanh niên bặm trợn đi lại nghênh ngang nói bậy chửi tục vung văng. Đám con gái nhà không lành chí chóe tranh giành cãi cọ. Có đứa ngồi cả lên lòng bạn trai quặp chặt quay lưng lại màn ảnh. Rác rưởi và đầu mẩu thuốc lá vứt tràn lan. Rạp nào cũng phải có một đội thanh niên cờ đỏ giữ trật tự nếu như muốn buổi chiếu được an toàn. Gặp khi có phim hay, cửa rạp lũ lượt bọn phe vé án ngữ chào mời.
Gọi là phim hay cũng chỉ đến tầm Những kẻ báo thù không thể bị bắt của Liên Xô. Phim ấy cũng như tất cả các phim Liên Xô khác không bao giờ thiếu cảnh ăn uống và tàu hỏa hơi nước. Hoặc Những đứa con của gấu mẹ vĩ đại của Đức với anh chàng diễn viên thể hình Gojko Mitic người Nam Tư đóng vai tù trưởng thổ dân da đỏ. Anh ấy ném rìu bách phát bách trúng. Những tác phẩm điện ảnh kinh điển thế giới phải đợi đến ngày thống nhất đất nước người Hà Nội mới được Viện Tư liệu phim mang đến chiếu cho xem ở các rạp Đặng Dung, Long Biên, Thái Hà…
Giờ hình như rạp chiếu phim đông hơn khán giả thì phải? Các nhà làm phim luôn oai oái kêu lỗ. Điều đó không khó hiểu. Khán giả Việt có trăm năm kinh nghiệm xem phim chẳng dễ chiều.
Tháng 8-2014
ĐỖ PHẤN