Phim dành cho thiếu nhi, kể cả phim điện ảnh lẫn phim truyền hình, hiện nay là “của hiếm”. Thời buổi này, chẳng hãng phim, đạo diễn nào muốn làm phim đề tài này vì quá nhiều khó khăn. Nào là tìm kịch bản, kiếm diễn viên và phim thuộc hàng khó lấy quảng cáo. Và vì thế, sự xuất hiện của bộ phim truyện truyền hình Dòng sông thương nhớ với dàn 6 diễn viên chính từ 8 tuổi đến 14 tuổi, như cơn mưa mùa hè mát dịu, sau những ngày oi ả, khô hạn.
Vùng quê sông nước miền Tây Nam bộ là bối cảnh chính của 30 tập phim, nơi ấy, cuộc sống, tình cảm của các em đã được khắc họa bằng những khung hình lung linh, trong trẻo; những buồn vui, giận hờn con trẻ khiến người xem lại thèm được trở về một thời tuổi thơ… Chuyện phim mở ra một thế giới tuổi thơ ở nông thôn tràn ngập cảm xúc, những đứa trẻ lớn khôn từng ngày, được bồi dưỡng tâm hồn bằng những bài học chập chững đầu đời về giá trị sống, về tình bạn cao đẹp và lòng nhân ái. 6 đứa trẻ với những cái tên ngộ nghĩnh, gồm: Bình nước mắt (Thiên Kim đóng), Xuyến tranh (Trà My), Nghĩa hiệp (Trí Thảo), Thi hung dữ (Khải Hoàn), Nhân mập (Đình Trí), Sông xanh (Thành Tâm), cùng nhau lớn lên trên vùng quê yên bình mà ngay mở đầu phim đã cho người xem cảm nhận sự hồn nhiên, dễ thương khi cô bé Bình nước mắt ôm con vịt què chân cố chạy trốn khỏi mẹ, chỉ vì mẹ đòi giết thịt con vịt này. Dáng chạy tất tả của cô bé Bình, câu trách giận của mẹ Bình: “Ai đời nuôi vịt mà không cho làm thịt không trời”, đem đến cho người xem sự dung dị, nhẹ nhàng, dễ chia sẻ, dễ cảm thông.
Những tình tiết trong phim, đều có chung sự dung dị như thế; từ hoàn cảnh nhiều trắc ẩn của hai ông cháu Nghĩa hiệp, đến những rung động đầu đời rất đỗi trong sáng, ngây thơ của Xuyến tranh, Thi hung dữ với Sông xanh và những thắc mắc, phản ứng đầy trẻ con của Nhân mập với cô Thủy - vợ sau của ba em… Tất cả làm thành bức tranh sống động và nhiều màu sắc, đem lại cho người xem sự thích thú, chút bâng khuâng... đúng như chia sẻ của đạo diễn Trần Quế Ngọc: “Dòng sông thương nhớ là một ký ức ngọt ngào dành cho người lớn và những trải nghiệm xúc cảm đầy thú vị dành cho trẻ con”.
Để có những cảnh đẹp, mang đặc trưng của vùng sông nước miền Tây Nam bộ, đoàn phim ngoài thành phần các cô chú, anh chị người lớn, còn có 10 diễn viên nhí đã có 3 tháng quay rong ruổi tại một số tỉnh miền Tây. Vì bối cảnh chủ yếu của phim là cảnh sông nước, chèo thuyền, nên đội ngũ thiết kế của phim gồm 5 người, đều là những người bơi rất giỏi. Màu cam đặc trưng của áo phao, đã được tổ thiết kế sơn lại thành màu đen để không bị “lộ” khi quay hình. Trong phim cũng xuất hiện khá nhiều các con vật như trăn, khỉ, chó, vịt… đem lại nhiều pha hồi hộp, thú vị.
Vốn xuất thân từ vùng sông nước miền Tây Nam bộ, nên đạo diễn Bùi Nam Yên có nhiều kỷ niệm, tình cảm với vùng đất này. Chính vì thế, khi bắt tay cùng chồng là đạo diễn Trần Quế Ngọc thực hiện Dòng sông thương nhớ, bộ phim mang lại cho chị thật nhiều cảm xúc, khi chính chị được trở về với tuổi thơ của mình. Với sự giúp đỡ nhiệt tình của người dân nơi đây, bộ phim đã được thực hiện khá suôn sẻ. Những ngôi nhà lá đơn sơ, những tấm lòng nhân hậu, tình nghĩa xóm làng cùng hình ảnh con đò chở các em qua sông, mãi là những hình ảnh đẹp của Dòng sông thương nhớ (biên kịch: Trần Quế Ngọc, đạo diễn: Bùi Nam Yên, Trần Quế Ngọc, Hãng phim TFS sản xuất). Phim đang được phát sóng lúc 17 giờ 30 các ngày thứ hai, ba, tư, năm hàng tuần, trên HTV9.
NHƯ HOA