
Nhớ từ những năm 1980, trong lần đến gặp nghệ sĩ Ba Vân, tôi tình cờ gặp ông, và đó là lần đầu tiên tôi nhìn thấy bản thảo Người Bình Xuyên của ông qua những trang giấy ố vàng… Nhìn hai người của thế hệ trước bàn luận sôi nổi về một giai đoạn lịch sử đã qua, tôi cảm thấy như mình đang lạc vào một thế giới khác, bi hùng, hào sảng và thu hút lạ kỳ…

Nhà văn Nguyên Hùng
Tất cả đã để lại trong tôi một dấu ấn không thể quên, nên mấy năm sau, khi Xưởng phim Tổng Hợp (Hãng phim Giải Phóng) nhận quyển sách Người Bình Xuyên của ông, tôi đã tìm và đọc cho được với một niềm say mê.
Quả thực, những nhân vật của ông đã mở ra cho tôi một sự hiểu biết mới lạ mà từ trước đến nay, dù sinh trưởng ra ở vùng đất Nam bộ, đã đọc những cuốn sách viết về con người phương Nam của Sơn Nam, Đoàn Giỏi, nhưng tôi vẫn chưa hình dung và chưa hiểu hết về cha ông mình.
Nhân vật của ông hầu hết là những cuộc đời ở dưới đáy xã hội với một sức sống hết sức mãnh liệt, và những cá tính Nam bộ đó càng bộc lộ dữ dội trong cả giai đoạn đấu tranh giữ nước của dân tộc.
Đó là những con người dù hành xử thế nào, côn đồ, hảo hán hay dưới chiếc áo thần bí thì cái cốt lõi của nó cũng đều xuất phát từ tinh thần yêu nước, yêu dân, vì việc nghĩa mà làm. Từng nhân vật đã sống trong tôi từ đó, từ thuở tôi còn ở tuổi 30. Mãi đến năm 2000, cùng với Phương Nam và sự ủng hộ của anh Nguyễn Hồ, tâm nguyện của 20 năm xưa đã trỗi dậy, tôi đã lao vào làm phim…
Nhà văn Nguyên Hùng tên thật là Mạc Đăng Thân, sinh năm 1927, nguyên quán Cao Lãnh, Đồng Tháp, ông là hội viên Hội Nhà văn TPHCM từ năm 1993. Ông vừa mất sau một tuần phải nằm viện kể từ khi gặp tai nạn giao thông. |
Trong quá trình phân cảnh, chúng tôi có chỉnh lại đường dây tiểu thuyết của ông, đó là điều thường rất khó thông cảm giữa tác giả và đạo diễn. Chúng tôi vô cùng lo lắng khi trình bày ý đồ làm phim của mình. Nhưng thật sự chúng tôi đã bất ngờ và vô cùng cảm phục trước thái độ cởi mở, chân tình của ông.
Ông lẳng lặng đi lục tìm và đưa cho tôi tất cả những tư liệu mà ông có ở giai đoạn đầu thế kỷ XX cùng những quyển sách chân dung từng nhân vật Nguyễn Bình, Mười Trí, Bảy Viễn mà ông đã viết với lời dặn dò: “ Hai cháu (Phương Nam và tôi) hãy đọc hết đi, và cố gắng làm sao thể hiện được hết tinh thần Nam bộ, phải làm sao truyền được tinh thần của con người thời đại trước, cho người bây giờ hiểu được, phải hiểu hết ý nghĩa thực sự của Người Bình Xuyên, đó là một Bình Xuyên của những người nghèo khổ đoàn kết lại dưới bóng cờ của cách mạng…”.
Và từ đó, ông theo sát chúng tôi như một người thân, ân cần góp ý từng tính cách nhân vật và những bối cảnh trong phim. Những khi cảm thấy khó khăn, tôi đều gọi điện thoại để nghe ông góp ý.
Ông căn dặn: “ Có trở ngại gì cứ nói với chú, chú sẽ giải thích” Chúng tôi đã cố làm hết sức mình, với ngọn lửa mà ông đã truyền cho chúng tôi…
Hơn 50 tập (tập 30 phút) Người Bình Xuyên đã xong phần dựng, đang chờ hòa âm để hoàn thành. Những ngày chúng tôi còn tầm tả quay ngày, quay đêm, ông có mong muốn ra hiện trường thăm một lần để biết các cháu làm việc ra sao. Chỉ một việc nhỏ vậy thôi, nhưng công việc đã cuốn chúng tôi băng đi và cứ lần lựa mãi, để cuối cùng tôi nghĩ: “ Thôi thì khi phim xong, chú xem cũng đâu muộn gì, ra trường quay đông người quá làm sao lo cho chú được”.
Suy nghĩ vậy bởi vì chúng tôi làm sao có thể ngờ được ông đã không còn kịp đợi đến ngày tôi trình cho ông xem bộ phim. Để bây giờ, thực tình tôi đã không cầm được nước mắt khi nghĩ đến ngày phát sóng bộ phim mà không có ông, Nguyên Hùng, người cha đẻ của Người Bình Xuyên! Trong cuộc đời, thực sự có những điều quá nhỏ mà sao ta không thể thực hiện, để bây giờ, dẫu có hối tiếc cũng không sao bù đắp nổi.
Đạo diễn NGUYỄN TƯỜNG PHƯƠNG