Phim trường bao giờ đạt chuẩn?

10 năm trước, khi phim Việt được ưa chuộng và ủng hộ, các đài truyền hình liên tục mở ra “giờ vàng” cho phim Việt và khi doanh thu của hầu hết các đài truyền hình đều có nguồn thu từ phim Việt thì việc đua nhau “người người làm phim, nhà nhà làm phim” đã làm cho tình hình sản xuất phim Việt luôn trong tình trạng náo nhiệt. Thiếu phim trường, hạn chế về bối cảnh là tình trạng thường xảy ra với các đoàn phim truyện truyền hình. Đến nay, sau 10 năm, phim trường không còn là sự lựa chọn tối ưu với các đoàn phim!
Phim trường bao giờ đạt chuẩn?

10 năm trước, khi phim Việt được ưa chuộng và ủng hộ, các đài truyền hình liên tục mở ra “giờ vàng” cho phim Việt và khi doanh thu của hầu hết các đài truyền hình đều có nguồn thu từ phim Việt thì việc đua nhau “người người làm phim, nhà nhà làm phim” đã làm cho tình hình sản xuất phim Việt luôn trong tình trạng náo nhiệt. Thiếu phim trường, hạn chế về bối cảnh là tình trạng thường xảy ra với các đoàn phim truyện truyền hình. Đến nay, sau 10 năm, phim trường không còn là sự lựa chọn tối ưu với các đoàn phim!

Lỗi nhịp...

Phim trường Cổ Loa được hình thành từ những năm sau 1960, từng là “kinh đô điện ảnh” của Việt Nam. Thời điểm đó, Cổ Loa có đầy đủ từ bối cảnh, phòng dựng tới phòng in tráng, lồng tiếng. Lúc ấy, nơi đây là cái nôi của nhiều bộ phim nổi tiếng Việt Nam. Nhưng sau đó, vì nhiều nguyên nhân, phim trường Cổ Loa bị bỏ hoang.

Năm 2008, nhân kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, Cổ Loa lại được quy hoạch để xây dựng phim trường cho những phim cổ trang. Và cho tới giờ, nhiều phim cổ trang đều được quay ở đây như phim truyền hình Trần Thủ Độ, hay phim điện ảnh Thiên mệnh anh hùng…

Từng được đầu tư lớn với phim trường ngoại cảnh, nội cảnh, khu kỹ thuật, khu hậu kỳ... song thực tế, sức hút của phim trường Cổ Loa không được như mong đợi.

Cảnh trong phim lịch sử cổ trang Tể tướng Lưu Nhân Chú được quay tại phim trường Cổ Loa

Ông Phan Văn Hòa, Giám đốc phim trường Cổ Loa, cho biết mặc dù phương án quy hoạch tổng thể đã được làm xong nhưng vẫn đang chờ các đơn vị chức năng phê duyệt. Vì thế hiện nay cái mà các nhà làm phim nhìn thấy ở đây bên cạnh khu lưu trú thì chỉ còn sót lại một vài bối cảnh, khung hình của các đoàn làm phim đã có từ nhiều năm trước và rất nhếch nhác.

Thời hoàng kim của phim truyền hình Việt, ngoài sản xuất phim truyện dài tập (từ 30 tập trở lên), thể loại phim sitcom (có khi dài hơn 100 tập/phim) cũng bắt đầu được ưa chuộng. Để phục vụ cho việc sản xuất theo kiểu cuốn chiếu (vừa làm vừa phát sóng), các nhà sản xuất (NSX) thường phải tìm địa điểm thích hợp để xây dựng bối cảnh phục vụ việc ghi hình kéo dài vài tháng, cá biệt có phim phải quay cả năm. Vì thế, đơn vị sản xuất nào có phim trường là một thuận lợi rất lớn. Vì có phim trường của riêng mình, Công ty BHD đã rất dễ dàng và chủ động trong việc sản xuất bộ phim Cô gái xấu xí - một phim sitcom với hầu hết là cảnh nội, chỉ quay trong nhà.

Đài truyền hình TPHCM được xem là đơn vị nhà nước đầu tiên có hẳn chiến lược xây dựng phim trường. Hơn 10 năm trước, NSND Phạm Khắc, lúc ấy đang là Tổng Giám đốc HTV, đã quyết định xây dựng một phim trường trên Củ Chi, với diện tích gần 50ha. Đó là thời kỳ mà Hãng phim TFS của đài đạt đỉnh cao về phong độ sản xuất phim - sản xuất từ 200 tập đến 300 tập phim/năm. Theo dự kiến, phim trường này có thể chứa được vài đoàn phim một lúc; có thể đào giao thông hào phục vụ các phim đề tài chiến tranh; có thể trồng lúa phục vụ cảnh quay từ lúc gieo hạt đến khi lúa chín vàng; có thể quay những đại cảnh lớn mà không lo chặn đường, lo canh người hâm mộ... Nhưng khi các thủ tục xin đất, giải tỏa đền bù hoàn tất, lại là lúc phim truyền hình Việt đang vào giai đoạn khủng hoảng. Tư duy làm phim của các NSX cũng bắt đầu thay đổi. Thời gian quay giờ đây được rút ngắn, bối cảnh được chọn từ những cái có sẵn: nhà cửa, bệnh viện, xe cộ, trường học, sân khấu...

“Đến phim trường xa quá, mất nhiều thời gian mà đường đi cũng không mấy thuận tiện. Giờ làm phim cái gì cũng tăng, cát xê diễn viên cũng luôn đòi tăng, nhưng giá thành một tập phim vẫn chỉ được các nhà đài trả trong khoảng 180 triệu đến 200 triệu đồng/tập. Nên chúng tôi phải tiết kiệm chi phí tối đa. Nếu phải bỏ tiền xây dựng bối cảnh (một số tiền không nhỏ), xong phim cũng bỏ đi thì phí quá”, một NSX phim chia sẻ.

Cần sự chuyên nghiệp

Một lãnh đạo phim trường Cổ Loa cho biết, năm 2015, tại đây có trình dự án xin xây dựng một số bối cảnh mang tính bền vững hơn các đoàn làm phim khi đến đây đã “sẵn nong, sẵn né”, không cần phải đầu tư quá nhiều để có thể tìm được bối cảnh phù hợp. Nhưng cuối cùng, đề án đó cũng không được thông qua. Vì thế, mặc dù giá cho thuê của phim trường rất rẻ, thậm chí có những trường hợp còn được gợi ý là miễn phí ăn ở để đoàn phim xây dựng bối cảnh có tính bền vững với mục đích khi làm phim xong, phim trường có thể tận dụng khai thác tiếp bối cảnh ấy...

Phim trường Đài Truyền hình TPHCM vắng vẻ. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Song không có thỏa thuận nào được ký. Hiện, cả năm trời, Cổ Loa chỉ đón một vài đoàn làm phim nhỏ. Phim mới nhất được quay tại đây là phim lịch sử cổ trang Tể tướng Lưu Nhân Chú thì cũng từ năm 2015.

Bà Bích Liên, Giám đốc Công ty Sóng Vàng, cho biết: “Nếu thuê phim trường chỉ là một bãi đất trống, rồi phải tiến hành xây dựng mọi thứ, thì tốn quá nhiều tiền, nên chúng tôi chọn quay ở ngoài cho khỏe. Phim trường ít nhất phải đáp ứng được những yêu cầu cơ bản, khi đoàn phim đến chỉ việc cải tạo, thêm thắt chi tiết cho phù hợp với từng phim. Nếu cái gì cũng phải xây dựng, làm mới thì thà thuê nhà thật, bối cảnh thật cho rồi!”.

Đồng quan điểm, bà Bích Loan, Giám đốc Hãng phim Khang Việt, cho biết: “Khi chọn bối cảnh, chúng tôi thường cân nhắc rất kỹ trong việc nên thuê phim trường để dựng bối cảnh hay thuê luôn cảnh thật để quay và bao giờ cũng thấy phương án quay cảnh thật là khả thi nhất vì tiết kiệm được chi phí. Thuê phim trường vừa mắc, lại phải tốn công, tốn thêm tiền dựng lại bối cảnh”.

Theo đại diện Công ty Sao Thế Giới, một đơn vị thường xuyên hợp tác sản xuất phim với các đài truyền hình: “Phim trường với các nhà làm phim là cần thiết, tuy nhiên ở ta chưa có phim trường đạt tiêu chuẩn. Khi đầu tư xây dựng phim trường phải có quy hoạch, mục đích cụ thể - phục vụ phim giải trí, phim cổ trang hay phim lịch sử. Sau khi có quy hoạch cụ thể, mới có thể xây dựng những nền móng cơ bản. Đoàn phim nào thấy phù hợp với phim của mình thì đến thuê rồi chỉnh sửa lại cho phù hợp với yêu cầu của phim mình. Có như thế, lúc ấy phim trường mới thật sự mang đến hiệu quả, lợi ích cho người thuê, người sử dụng”.

Hiện nay một số NSX chương trình cho đài truyền hình thuê mặt bằng để xây phim trường, nhưng chỉ là những phim trường có diện tích nhỏ gọn để phục vụ cho việc ghi hình các gameshow hoặc các chương trình ca nhạc. Phim trường dành cho phim truyện - cả truyền hình lẫn điện ảnh, dù đã được bàn tính, bắt tay thực hiện nhưng luôn trong tình cảnh “tiến thoái lưỡng nan” vì không có vốn đầu tư, thiếu người quản lý giỏi và trên hết là thiếu sự chuyên nghiệp để các phim trường có thể hoạt động một cách hiệu quả. Chính vì thế, nghịch lý hiện nay vẫn là: người làm phim mong có phim trường, nhưng các phim trường dành cho phim lại chịu cảnh “trơ gan cùng tuế nguyệt” vì thiếu kinh phí đầu tư!

Đạo diễn của phim truyền hình Bí thư Tỉnh ủy, Gia phả của đất... chia sẻ, phần lớn phim ông làm đều có bối cảnh làng quê Bắc bộ ở những năm trước và sau đổi mới, thế nhưng trước làn sóng đô thị hóa ngày một mạnh mẽ chỉ một thời gian ngắn, mọi đã thay đổi đến không ngờ. Đoàn phim nhiều lần lâm vào cảnh dở khóc dở cười vì quay ngoại cảnh. Cụ thể như hôm trước, cảnh quay hai nhân vật còn đang trò chuyện bên ruộng lúa vàng óng ả thì ngay ngày hôm sau, khi đoàn phim quay trở lại nó đã biến mất chỉ còn lại những gốc mạ thâm sì... Chủ ruộng giải thích rất đơn giản, “lúa chín rồi, tôi phải gặt không thì rụng...”.


NHƯ HOA - VĨNH XUÂN

Tin cùng chuyên mục