Trong tổng số 142 tác phẩm đăng ký tranh giải Cánh diều 2016, ở lĩnh vực phim truyện truyền hình có 16 phim dài tập, 7 phim ngắn (độ dài từ 90 - 150 phút). Tuy tình hình sản xuất phim truyện truyền hình 2 năm trở lại đây không còn nhộn nhịp “trăm hoa đua nở” nhưng số lượng các phim tham gia giải Cánh diều không vì thế mà giảm sút. Đó là điều đáng mừng vì như thế, giải thưởng của Hội Điện ảnh Việt Nam vẫn được giới làm nghề lưu tâm.
Tập trung trong đề tài
“Hơn 500 tập phim nói về nhiều lĩnh vực khác nhau, nhưng nổi bật nhất của năm nay trong lĩnh vực phim truyện truyền hình là sự tập trung thể hiện ba mảng đề tài rất rõ rệt: đề tài gia đình, đề tài đấu tranh chống tội phạm và đề tài tình yêu”, đạo diễn, NSƯT Vũ Xuân Hưng, Trưởng ban giám khảo phim truyện truyền hình, giải Cánh diều 2016 nhận xét.
Theo đạo diễn, NSƯT Vũ Xuân Hưng, ở đề tài gia đình, rất nhiều phim đã chọn nhân tố trung tâm bị tác động của cá nhân, của xã hội dẫn đến tha hóa nhân cách, đạo đức suy thoái tạo ra tình huống và chính gia đình trở thành trung tâm giải quyết vấn đề. Mảng đề tài đấu tranh chống các loại tội phạm an ninh, kinh tế, chính trị, xã hội... cũng rất nổi trội. Những cuộc đấu tranh này được phản ánh, thể hiện rất quyết liệt, không chỉ của đơn vị chống tội phạm mà còn là của người dân. Mảng đề tài tình yêu cũng vậy, các phim về đề tài này chỉ tập trung khai thác những vấn đề tình yêu.
Thúy Hằng, Trung Hiếu trong phim Mưa bóng mây (phim của VFC)
Một năm qua, mặt bằng sản xuất phim truyện truyền hình có sự chững lại. Lý do mà các nhà sản xuất (NSX) đưa ra là vì kinh phí làm phim mỗi ngày một tăng (do ảnh hưởng từ giá cả thị trường tăng), nhưng nhà đài vẫn giữ nguyên giá trả cho các NSX là từ 180 - 200 triệu đồng/tập (mức giá này giữ nguyên trong vòng hơn 10 năm nay). Chính vì vậy, NSX không dám mạnh tay đầu tư, chỉ gói gọn sao cho việc sản xuất đừng tốn kém quá nhiều, nên sẽ khó đòi hỏi phim truyền hình có những tìm tòi sáng tạo trong cách chọn đề tài và cách thể hiện.
|
Thêm vào đó, khán giả truyền hình, các khách hàng tiềm năng hiện nay ưa chuộng hình thức truyền hình thực tế, nhất là với những chương trình mới lần đầu xuất hiện. Những lý do này đã khiến phim truyền hình Việt giờ đây không còn là lĩnh vực hái ra tiền cho nhà đài cũng như chính các NSX phim. Chọn đề tài dễ thể hiện, tìm người viết kịch bản chắc ăn là những phương án tránh rủi ro cho các NSX hiện nay. Chính vì thế, phim được sản xuất thường tập trung thể hiện vào một đề tài, một ngành nghề cụ thể. Có như thế mới bật lên được nội dung phim và vì sự bó hẹp của đề tài nên việc thể hiện cũng tập trung hơn, không dàn trải và phải rong ruổi kiểu “rày đây mai đó” tìm bối cảnh cho phim.
Tuy nổi bật về ba đề tài, các phim có chất lượng từ trung bình khá trở lên chiếm đa số, nhưng theo đạo diễn, NSƯT Vũ Xuân Hưng, vẫn có những phim thuộc dạng dưới trung bình hoặc chỉ trung bình được NSX tự tin, nhiệt tình gửi đi thi. “Nhìn theo chiều hướng tích cực, việc các NSX nhiệt tình tham gia giải Cánh diều bất luận phim hay hoặc chưa hay, cho thấy NSX rất ủng hộ giải và việc gửi phim đi thi có thể để có điều kiện cọ xát, rút kinh nghiệm làm phim chăng?!”, đạo diễn, NSƯT Vũ Xuân Hưng nói.
Chưa có nhân vật, tác phẩm thật sự nổi trội
Việc tham gia liên kết sản xuất phim truyện truyền hình với nước ngoài của Trung tâm sản xuất phim truyền hình - Đài Truyền hình Việt Nam (VFC) thời gian qua, được ghi nhận đã làm cho lĩnh vực phim truyền hình thêm phong phú; người làm nghề cũng học được cách làm phim chuyên nghiệp, chỉn chu của đối tác nước ngoài. So với mặt bằng chung, những phim hợp tác này hơn hẳn phim trong nước về trình độ, công nghệ... Xem ra, trên đường đua, chắc chắn phim do người Việt làm sẽ khó mà so bì với những sản phẩm này.
Tuy nhiên, nếu ở một vài năm trước, các cá nhân và bộ phim đoạt giải nhận được ngay sự đồng thuận của ban giám khảo, thì năm nay đã từng xuất hiện băn khoăn: “Liệu có phim xứng đáng để trao giải Cánh diều vàng không?”. Theo đạo diễn, NSƯT Vũ Xuân Hưng: “Ban giám khảo cũng đã chọn được tác phẩm để trao giải thưởng, nhưng trước khi thống nhất đưa ra quyết định, chúng tôi đã phải tranh luận khá nhiều và sôi nổi”.
Cảnh trong phim Không có gì và không một ai (phim của TFS)
Về cá nhân, năm nay không có nhiều gương mặt mới triển vọng, có thể thuyết phục và tạo ấn tượng ngay với người xem. Theo tìm hiểu của chúng tôi, các cá nhân đoạt giải năm nay cũng đều là những gương mặt cũ, đã rất quen thuộc với khán giả truyền hình. Có thể với tình hình đào tạo như hiện nay, phim truyện truyền hình đang trong giai đoạn khủng hoảng, sẽ khó có điều kiện để tài năng mới phát lộ.
Ngọc Lan trong phim Mặn hơn muối (M&T Pictures)
Nhìn vào danh sách các phim dự giải Cánh diều năm nay, VFC vẫn là đơn vị dẫn đầu với 4 phim dự thi. Hãng phim TFS chỉ có một phim truyện Không có gì và không một ai. Các hãng phim, NSX tư nhân chủ yếu cũng chỉ tham gia mỗi đơn vị 1 phim, bởi ý kiến chung của các NSX cũng nhìn nhận rằng, phim sản xuất trong năm qua chưa được đầu tư hết sức nên đi thi cũng khó mà có giải! Ngay như hai NSX phim truyện truyền hình tư nhân được xem là mạnh nhất hiện nay - Sóng Vàng và M&T Pictures, mỗi năm sản xuất hàng trăm tập phim, mỗi đơn vị cũng chỉ gửi 1 phim dự thi. M&T Pictures có phim Mặn hơn muối và Sóng Vàng có Mắt lụa. Hầu hết các NSX đều nghĩ, phim mình khó mà địch lại phim hợp tác với nước ngoài.
Khi chưa thể tìm thấy những gương mặt diễn viên mới đủ sức làm nên sức thu hút cho bộ phim, tránh rủi ro cao trong việc thu hồi vốn, việc mời các gương mặt diễn viên cũ, diễn viên đã quen thuộc với khán giả tham gia phim là chuyện đương nhiên. Vì thế, nếu những cá nhân đoạt giải thưởng Cánh diều năm nay đều là gương mặt cũ cũng là chuyện bình thường! Điều này cũng chứng tỏ, lĩnh vực phim truyện truyền hình chưa có lực lượng kế thừa, đủ sức lôi kéo khán giả đến với phim. Dù vậy, với thế mạnh phản ánh nhiều mặt của xã hội, tập trung thể hiện những vấn đề thiết yếu của cuộc sống, phim truyền hình vẫn là tiếng nói hiệu quả trong đời sống giải trí hiện nay.
Giải Cánh diều đề cao giá trị nghệ thuật, được tổ chức hàng năm đã một phần là thước đo về tình hình sản xuất và chất lượng, nhu cầu của người xem với lĩnh vực phim truyền hình. Đó là lý do, có thể Cánh diều chưa là hoạt động đình đám, rầm rộ, được chú ý nhiều, nhưng anh chị em làm nghề vẫn mong cá nhân, tác phẩm của mình được ghi nhận từ chính giải thưởng này.
NHƯ HOA