Một nền điện ảnh phát triển được đo bằng số lượng phim sản xuất ra và số lượng khán giả đến rạp xem những bộ phim đó. Tuy nhiên, một nền điện ảnh đáng tự hào là một nền điện ảnh có những bộ phim nghệ thuật đủ sức làm lay động lòng người.
Nếu nhìn vào số lượng đầu phim phát hành năm nay, chắc hẳn điện ảnh Việt Nam sẽ tràn đầy lạc quan. Sau nhiều năm phim điện ảnh chỉ tập trung vào dịp tết, trong năm chỉ có thêm chừng 1 - 2 phim, năm nay lượng phim đột ngột tăng vọt. Hầu như mỗi tháng đều có phim Việt mới ra rạp, thậm chí vài ba phim còn thổi lên ngọn lửa ở các phòng vé…
- Năm điện ảnh “cất cánh”
2010 có thể xem là một năm bội thu của điện ảnh Việt Nam. Tháng 1, dù chưa đến tết, nhưng sự xuất hiện của Bẫy rồng cũng là bước khởi động làm nóng các rạp.
Tháng 2, được xem là tháng ồ ạt ra quân của phim tết. Những Khi yêu đừng quay đầu lại, Những nụ hôn rực rỡ, Nhật ký Bạch Tuyết, Công chúa teen và ngũ hổ tướng phủ kín các rạp. Lần đầu tiên có nhà sản xuất mạo hiểm tung ra tới 2 sản phẩm trong cùng một mùa tết.
Tháng 3, Không cân sức, một bộ phim của nhà nước rụt rè bước vào rạp, sau khi làm nóng các diễn đàn bằng đoạn trailer (giới thiệu phim) nóng bỏng. Tháng 4, “niềm tự hào” phim Việt - Để Mai tính đã thực sự khuấy động hệ thống các rạp chiếu phim trong thành phố. Bộ phim kéo dài nhiều tháng liên tiếp và đạt doanh thu nhất nhì trong năm. Tháng 5, phim lịch sử Tây Sơn hào kiệt về người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ của gia đình nghệ sĩ Lý Huỳnh đương đầu với thử thách khắc nghiệt của thị trường.
Tháng 6 và 7 là nhịp nghỉ ngắn để tháng 8 phim Việt tiếp tục với Vũ điệu đam mê, một bộ phim khai thác đề tài hip hop của giới trẻ. Tháng 9, với sự xuất hiện bất ngờ của Giao lộ định mệnh được xem là bước ngoặt mới của điện ảnh Việt Nam trong việc khai thác thể loại phim tâm lý ly kỳ, nhưng chưa kịp thỏa mãn với thành công thì Giao lộ định mệnh đã trở thành nghi án của việc đạo phim nước ngoài. Tháng 9 cũng đánh dấu sự xuất hiện của tác phẩm điện ảnh đầu tiên ra mắt dịp đại lễ đó là Long thành cầm giả ca, một bộ phim nhận được nhiều lời khen ngợi từ giới chuyên môn.
Tháng 10, Cánh đồng bất tận tiếp tục làm mưa làm gió tại các rạp, đồng thời cũng mở ra những tranh cãi trái chiều về tính thẩm mỹ trong phim. Cuối tháng 11, theo lịch sắp sẵn tại rạp, một bộ phim mừng đại lễ muộn là Khát vọng Thăng Long sẽ chính thức ra mắt khán giả. Dự kiến phim của tháng 12 sẽ là Em hiền như ma sơ và Sài Gòn bước nhảy. Chưa kể một loạt dự án phim tết đang được triển khai và một loạt phim khác thực hiện trong năm như Bi ơi đừng sợ, Trung úy, Vượt qua bến Thượng Hải...
- Chất và lượng có đi đôi?
Lấy một ví dụ gần nhất đó là bộ phim Cánh đồng bất tận đang được trình chiếu trong cả nước. Bộ phim được đông đảo khán giả yêu thích và con số doanh thu do nhà sản xuất công bố mới nhất sau 12 ngày công chiếu toàn quốc là 9,2 tỷ đồng. Thực chất với kết quả đạt được này có đủ để đánh giá chất lượng của một bộ phim?
Mọi sự so sánh xem ra đều khập khiễng, tuy nhiên chọn ra 2 bộ phim có bối cảnh tương đồng là Cánh đồng hoang của điện ảnh cách mạng từ năm 1979 và Mùa len trâu cách đây 6 năm, cũng nói về sông nước miền Tây Nam bộ thì Cánh đồng bất tận khó mà vượt qua cả về tính thẩm mỹ lẫn độ rung của cảm xúc.
Một bộ phim hay có thể chia làm 2 loại, một loại để thưởng thức và một loại để đồng cảm. Bộ phim Cánh đồng bất tận rõ ràng có sự hấp dẫn, so với mặt bằng chung của phim Việt thì nó được xem là một phim tốt, tuy nhiên đạt tới tầm vóc phim nghệ thuật thì xem ra chưa đạt yêu cầu, ít nhất là ở độ trung thực của bối cảnh và tính cách nhân vật.
Nhìn vào số lượng trên dưới 20 bộ phim của năm 2010 có thể nhận thấy sự phát triển của điện ảnh Việt Nam những năm gần đây. Tuy nhiên, 90% số phim trong năm tập trung vào dòng phim giải trí, dòng phim có thể kéo khán giả đến rạp. 10% còn lại dành cho những nhà làm phim dũng cảm, có cá tính, muốn thể hiện mình trong thể loại phim tác giả, phim độc lập.
Nhưng ngay cả với dòng phim giải trí, với áp lực thu hút khán giả, tạo nên doanh thu cao, không ít nhà làm phim chấp nhận làm những bộ phim na ná phim ăn khách của nước ngoài. Những kiểu copy chi tiết hoặc toàn phần khiến cho sự phát triển của điện ảnh Việt Nam không mang đúng thực chất. Chỉ có khán giả là mất lòng tin, phần đông chấp nhận sự “mua vui trong vài trống canh” rồi dễ dàng lãng quên…
Những bộ phim thuộc thể loại hài hước cũng được xem là món ăn bắt mắt đối với khán giả, song những tiếng cười gặt hái được từ các bộ phim lâu nay vẫn chủ yếu từ cách chọc cười hình thể của diễn viên. Đơn giản và dễ dàng, chỉ cần có khách trong một thời gian ngắn…
Một nền điện ảnh phát triển được đo bằng số lượng phim sản xuất ra và số lượng khán giả đến rạp xem những bộ phim đó. Tuy nhiên, một nền điện ảnh đáng tự hào là một nền điện ảnh có những bộ phim nghệ thuật đủ sức làm lay động lòng người. Điều nào cũng cần thiết trong tiến trình phát triển. Đi nhanh mà đi ẩu thì dễ vấp ngã, đi chậm mà chắc vẫn hơn. Mục đích của điện ảnh là vươn xa, chắc chắn điện ảnh Việt Nam không muốn sản xuất phim chỉ để phục vụ người dân trong nước, nhưng nếu muốn vượt khỏi biên giới thì điện ảnh Việt Nam phải mang bản sắc độc đáo của riêng mình
HÀ GIANG – BẢO THƯ