
“Cư dân mạng, thực chất là cư dân ảo, nhưng lại hiện diện thật trong đời sống. Thế giới mạng tác động mạnh đến cuộc sống thật của chúng ta, nên không thể buông lỏng quản lý cư dân mạng”- Đó là lời mở đầu cuộc trò chuyện giữa phóng viên Báo SGGP với đồng chí NGUYỄN TRUNG TRỰC, Thành ủy viên, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM, về tình hình và những vấn đề mới phát sinh trong hoạt động của báo chí TPHCM.
* PV: Hiện nay, blog trên Internet phát triển đến chóng mặt cả về số lượng, chất lượng và quy mô. Nhiều blog cá nhân tổ chức giống như một tờ báo, vậy có thể nói các blog này là khởi thủy của báo tư nhân không?

* Đồng chí NGUYỄN TRUNG TRỰC: Blog cá nhân tồn tại và phát triển trong thế giới mạng là một điều tất yếu. Blog cá nhân, thực chất là nhật ký cá nhân. Nhưng khi nhật ký này được mở cho nhiều người coi thì không còn nằm trong phạm vi cá nhân nữa. Lúc đó, lời lẽ của cá nhân về một ai đó đã mang tính cộng đồng mà người viết phải chịu trách nhiệm về những thông tin, lời lẽ của mình. Nhưng gọi blog cá nhân là tiền thân của báo tư nhân hay không thì còn phải bàn.
Không bôi đen, không tô hồng
* Có người nói… như đùa: “May mà báo chí Việt Nam ít đến tay bạn đọc ở vùng sâu, vùng xa hay người Việt Nam ở nước ngoài, nếu không, bà con chỉ thấy xã hội chúng ta một màu đen” (!?).
* Quả là báo chí Việt Nam nói chung, báo chí TPHCM nói riêng gần đây đề cập đến mảng tối nhiều quá! Vẫn biết báo chí góp phần không nhỏ vào sự nghiệp phát triển đất nước, dũng cảm phanh phui tiêu cực, phê phán cái xấu, cái ác, nhưng thông tin tiêu cực đăng dồn dập, tô đậm, giật gân, đăng đồng loạt và cùng thời điểm lại gây bất lợi về mặt dư luận. Vấn đề là liều lượng và cách thể hiện bài viết sao cho khách quan, trung thực và mang tính xây dựng. Nếu viết nhiều về tiêu cực chỉ để “câu khách” thì chưa đúng với tôn chỉ mục đích và định hướng tuyên truyền của báo chí cách mạng…
* Nhưng viết gương “người tốt, việc tốt” lại… khó bán báo?
* Quan điểm của tôi là không phản đối bài viết chống tiêu cực, thậm chí còn khuyến khích để báo chí bảo vệ chân lý, nhưng tuyên truyền phải cân đối giữa mảng sáng, mảng tối. Mục đích cuối cùng và cao cả của báo chí là góp phần xây dựng niềm tin trong nhân dân, tạo sự công bằng xã hội và thúc đẩy kinh tế-xã hội (KT-XH) phát triển. Viết tiêu cực, kể cả tích cực, cũng phải chừng mực, không bôi đen, không tô hồng, không giật gân. Tôi đọc nhiều bài về gương sáng đời thường rất sâu sắc, có sức lay động lòng người, được độc giả hoan nghênh và trân trọng, như thế đâu cần viết nhiều tiêu cực trên báo thì độc giả mới đọc báo!
Báo chí chúng ta chỉ “loanh quanh sân nhà”?
* Ngược lại với báo chí trong nước, gần đây, nhiều tờ báo lớn, có uy tín trên thế giới đăng một số bài phân tích, đánh giá tình hình KT-XH Việt Nam khá sáng sủa, phải chăng họ không nắm chắc tình hình Việt Nam?
* Tôi có đọc một số bài báo đó và thấy rằng, họ đánh giá tình hình KT-XH Việt Nam rất nghiêm túc, ở các khía cạnh và góc độ khác nhau. Phần lớn các bài báo do các chuyên gia kinh tế viết, nên họ phân tích khách quan, khoa học và có tính dự báo cao. Đây là kênh thông tin tham khảo trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo.
* Cách đây không lâu, Đài Truyền hình Việt Nam phát phóng sự về khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam. Khi đến nơi, họ mới thấy một Việt Nam năng động, đổi mới, thanh bình và mến khách, vậy mà lúc đầu họ tưởng “Việt Nam đang có chiến tranh”?
* Đó là cái dở trong thông tin đối ngoại của ta! Có lẽ, cuộc chiến tranh ở Việt Nam đã in quá sâu vào tiềm thức nhiều người nước ngoài. Trong khi báo “lá cải” của các thế lực thù địch Việt Nam không ngừng xuyên tạc, nói xấu chế độ ta, thì báo chí chúng ta chỉ “loanh quanh sân nhà” và gần như bỏ trống mặt trận đấu tranh tư tưởng ở “sân ngoài”. Chính vì thế, sắp tới, báo chí TPHCM cùng với báo chí cả nước phải có trách nhiệm chuyển tải thông tin nhiều hơn đến với bạn đọc thế giới về hình ảnh Việt Nam đổi mới, phát triển, thanh bình và nhân ái.
* Có phóng viên nước ngoài vào Việt Nam, muốn phỏng vấn lãnh đạo thì nhiều người ngần ngại, thường là từ chối. Như thế, chúng ta bỏ mất cơ hội quảng bá về đất nước và con người Việt Nam với bạn bè thế giới?
* Đúng là có chuyện như thế! Việc né tránh phóng viên nước ngoài có nhiều lý do, có thể đồng chí đó nắm tình hình không chắc, sẽ nói trật quan điểm, hoặc sợ “mình nói một đằng, nó viết một nẻo” dễ gây ra rắc rối, đặc biệt là mặt ngoại giao… Nhân chuyện này, tôi nhớ hồi đồng chí Mai Chí Thọ hay sau này là đồng chí Nguyễn Minh Triết còn làm Bí thư Thành ủy TPHCM, khi phóng viên nước ngoài xin gặp và đưa trước câu hỏi hóc búa, thì các đồng chí lãnh đạo sẵn sàng tiếp và trả lời thẳng thắn, qua đó, giúp bạn bè thế giới hiểu đúng, hiểu trúng vấn đề đang diễn ra ở TPHCM. Nếu lãnh đạo từ chối, thì họ buộc phải lấy thông tin “lòng vòng”, không chính thống, như thế, bài viết của họ dễ dẫn đến nhận định chủ quan, sai lệch. Do vậy, các đồng chí lãnh đạo trả lời phỏng vấn phóng viên nước ngoài hay trong nước là rất cần thiết, qua đó giúp bạn đọc các nước hiểu rõ, hiểu đúng đường lối, chủ trương và việc làm của chúng ta.
* Vừa qua, bài đánh giá lại lịch sử của Thiền sư Lê Mạnh Thát trên Báo Thanh Niên gây xôn xao dư luận với nhiều luồng ý kiến khác nhau. Theo đồng chí, nên hiểu vấn đề này như thế nào?
* Theo quan điểm của tôi, những bài viết có tính chất nghiên cứu, phản biện, phát hiện, đặt ra vấn đề để tranh luận tìm ra chân lý thì đều đáng trân trọng, tuy nhiên để khẳng định một sự kiện lịch sử như cách đặt vấn đề của Thiền sư Lê Mạnh Thát thì cần có thẩm định khoa học với những cứ liệu xác đáng, đủ sức thuyết phục. Việc tranh luận phản biện đó cần làm trong cuộc hội thảo chuyên đề, trong phạm vi của các chuyên gia, các nhà khoa học và bài viết đăng trên các tạp chí chuyên ngành, chứ đưa ngay ra công luận sẽ gây ngộ nhận, dễ hoang mang, nghi ngờ trong nhân dân.
* Xin cảm ơn đồng chí.
TUẤN SƠN