Cùng với sự quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận và tham gia của người dân, cộng đồng DN nên chương trình đạt được nhiều kết quả quan trọng bước đầu. Nhân dịp sơ kết 2 năm triển khai chương trình, ông Phan Văn Mãi, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, kiêm Chủ tịch Hội đồng tư vấn khởi nghiệp và Phát triển DN tỉnh Bến Tre đã có cuộc trò chuyện với phóng viên Báo SGGP về chương trình trên.
Ông PHAN VĂN MÃI: Có thể kể đến như: Phát triển mới 2.265 DN và đơn vị trực thuộc thành lập mới, nâng tổng số DN và đơn vị trực thuộc toàn tỉnh hiện có lên 5.191 đơn vị; thành lập mới 12.209 hộ kinh doanh cá thể, nâng số hiện nay lên 45.115 hộ; thành lập mới 53 hợp tác xã, lũy kế đạt 95 hợp tác xã; tỷ lệ hộ nghèo còn 8,5%...
Trong 2 năm qua, hội đồng đã tiếp nhận và hỗ trợ cho 408 ý tưởng/dự án khởi nghiệp, kết quả chọn lọc đã hỗ trợ trực tiếp cho 170 ý tưởng/dự án. Chương trình đã hỗ trợ vốn 949 dự án/DN khởi nghiệp với tổng kinh phí khoảng 1.100 tỷ đồng từ các nguồn vốn (Quỹ Đầu tư khởi nghiệp tỉnh Bến Tre, Quỹ Khoa học và Công nghệ, Quỹ hợp tác công tư của Dự án AMD Bến Tre, nguồn vốn khuyến công, vốn vay ưu đãi của các ngân hàng thương mại, các nguồn vốn lồng ghép khác). Cũng qua kết quả thực hiện chương trình, toàn tỉnh có 39.832 lao động được giải quyết việc làm; 1.436 lao động xuất khẩu lao động nước ngoài; 4.133 hộ thoát nghèo, giúp kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo đến năm 2017 còn 8,5%.
Để đạt được những kết quả bước đầu, tỉnh đã tích cực cải thiện hệ sinh thái khởi nghiệp và xây dựng một Bến Tre thành địa phương khởi nghiệp như thế nào?
Với mục tiêu khơi dậy tinh thần lập nghiệp, khởi nghiệp, xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho khởi nghiệp và phát triển DN, thu hút đầu tư, Bến Tre đã xây dựng được một hệ sinh thái khởi nghiệp tương đối hoàn chỉnh. Các tổ chức của hội đồng tư vấn đã tập trung thực hiện các hoạt động có hiệu quả như công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, xây dựng và ban hành các chính sách hỗ trợ DN, nhà đầu tư; cải cách thủ tục hành chính về đầu tư, kinh doanh và thúc đẩy khởi nghiệp; tổ chức các sân chơi, cuộc thi khởi nghiệp; đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, hỗ trợ khởi nghiệp; đối thoại DN; kết nối, hỗ trợ vốn cho khởi nghiệp; liên kết, hợp tác triển khai hoạt động khởi nghiệp; phát triển kinh tế hợp tác.
Tỉnh đã triển khai nhất quán, có hiệu quả các chính sách hỗ trợ của Trung ương, ban hành một số chính sách khuyến khích đầu tư của tỉnh. Điển hình là chính sách khuyến khích DN khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh, chính sách khuyến khích đầu tư vào hạ tầng khu/cụm công nghiệp; chính sách khuyến khích xây dựng chợ; chính sách khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực xã hội hóa. Bước đầu, nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức chuyển đổi từ “quản lý” sang “phục vụ”.
Đặc biệt, với vai trò đầu mối, Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Khởi nghiệp đã chủ trì, phối hợp các sở, ngành hỗ trợ xuyên suốt cho nhà đầu tư từ khâu tìm hiểu thông tin ban đầu, thực hiện các thủ tục đầu tư, đến triển khai dự án; rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính từ 30% - 50% so với quy định.
Những trọng tâm triển khai chương trình trong thời gian tới là gì, thưa ông ?
Mục tiêu chủ yếu của chương trình từ nay đến năm 2020, toàn tỉnh thành lập mới ít nhất 1.500 DN (trong đó có 475 hộ kinh doanh cá thể đủ điều kiện chuyển đổi lên DN; 350 doanh nghiệp khởi nghiệp; 7 DN khoa học công nghệ); thành lập ít nhất 14.000 hộ kinh doanh cá thể; hỗ trợ đăng ký quyền sở hữu trí tuệ cho 8 nhãn hiệu; 15 lượt DN tham gia Dự án năng suất chất lượng. Phấn đấu xây dựng 8 mô hình HTX trên 8 sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh để nhân rộng; thành lập và vận hành có hiệu quả Vườn ươm khởi nghiệp tỉnh Bến Tre; 100% hộ nghèo, cận nghèo (15.858 hộ) đăng ký tham gia Đề án phát triển đa dạng sinh kế, thoát nghèo bền vững tỉnh Bến Tre giai đoạn 2016 - 2020 (có ít nhất 7.263 hộ thoát nghèo bền vững), đến năm 2020 kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh xuống dưới 5,5%.
Tỉnh sẽ củng cố, nâng chất hoạt động Quỹ Đầu tư khởi nghiệp. Phấn đấu đến năm 2020, quy mô quỹ đạt 50 tỷ đồng, tập trung đầu tư các dự án khởi nghiệp trên lĩnh vực nông nghiệp kỹ thuật cao, du lịch, các dự án đổi mới sáng tạo. Đồng thời, những năm tiếp theo, tỉnh thực hiện tốt công tác kết nối nguồn vốn cho khởi nghiệp và DN từ ngân hàng, các quỹ đầu tư, xã hội. Bên cạnh đó, xây dựng và triển khai đề án hỗ trợ DN vừa và nhỏ Bến Tre. Trước mắt trong năm 2018, thành lập và vận hành có hiệu quả Vườn ươm khởi nghiệp tỉnh Bến Tre.