Hội nghị ASEM có sự tham gia của đại diện 53 thành viên ASEM và các tổ chức quốc tế, lãnh đạo một số tỉnh, thành Việt Nam và 13 tỉnh ĐBSCL.
Biến đổi khí hậu gây thiệt khoảng 1,5% GDP/năm
Khu vực ĐBSCL được đánh giá là một trong ba đồng bằng trên thế giới dễ bị tổn thương nhất do tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu (BĐKH).
Theo Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên - Môi trường (TN-MT) Lê Công Thành: Năm 2016 hạn hán nghiêm trọng, nước mặn xâm nhập sâu khiến 11/13 tỉnh, thành tại ĐBSCL buộc phải công bố tình trạng thiên tai. Theo kịch bản BĐKH, đến năm 2100, nước biển có thể dâng lên 1m làm ngập nhiều khu vực ven biển Việt Nam và gây ngập vĩnh viễn diện tích ĐBSCL. ĐBSCL là trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất của cả nước, đóng góp 50% lúa, 65% thủy sản, 70% sản lượng trái cây. Song, sự trù phú và phát triển của ĐBSCL và sông Mê Công đang đứng trước những thách thức hết sức to lớn từ mối đe dọa của BĐKH.
Để ứng phó với BĐKH, theo Thứ trưởng Bộ TN-MT, Việt Nam đã xây dựng và triển khai đồng bộ nhiều chính sách giải pháp cấp chiến lược quốc gia. Đồng thời triển khai nhiều chương trình dự án ứng phó với nguồn lực chính phủ, của các địa phương, sự hỗ trợ của quốc tế, sự tham gia của cộng đồng, và doanh nghiệp. Đây là những nỗ lực to lớn của Chính phủ Việt Nam.
Tuy nhiên, ông Lê Công Thành cho rằng cũng như nhiều quốc gia khác những nỗ lực này là chưa đủ để giải quyết vấn đề BĐKH mà cần sự tham gia đóp góp của nhiều tố chức xã hội thực hiện ở nhiều cấp độ.
"Đây là trách nhiệm cũng như cơ hội để phát triển bền vững. ASEM lần này là nơi chia sẻ học hỏi kinh nghiệm và thúc đẩy hợp tác trong nhiều vấn đề xây dựng và hoàn thiện thể chế chính sách, huy động nguồn nhân lực và tài chính và công nghệ từ các nguồn khác nhau… để ứng phó với BĐKH", Thứ trưởng Bộ TN-MT nhấn mạnh.
Tại hội nghị, các chuyên gia đã chỉ ra: Từ giữa thế kỷ XX, đặc biệt từ năm 1980 trở lại đây, hoạt động của con người làm gia tăng phát thải khí nhà kính trong khí quyển dẫn đến nhiệt độ bề mặt trái đất tăng lên (sự nóng lên toàn cầu). Sự nóng lên toàn cầu là rất rõ ràng với những biểu hiện của sự tăng nhiệt độ không khí và đại dương, sự tan băng diện rộng và qua đó làm tăng mực nước biển trung bình toàn cầu. Trong 100 năm (1906-2005), nhiệt độ trung bình toàn cầu đã tăng khoảng 0,74oC, tốc độ tăng của nhiệt độ trong 50 năm gần đây gần gấp đôi so với 50 năm trước đó. Trong thế kỷ XX, nhiệt độ trung bình của không khí gần mặt đất đã tăng 0,60C. Kết quả tính toán của các mô hình khí hậu toàn cầu dựa trên mối liên hệ giữa phát thải khí nhà kính và sự gia tăng nhiệt độ chỉ ra rằng nhiệt độ bề mặt trái đất trong thế kỷ XXI có thể sẽ tăng từ 1,1 đến 6,40C.
Tại Việt Nam, những năm qua, dưới tác động của BĐKH, tần suất và cường độ thiên tai ngày càng gia tăng, gây ra nhiều tổn thất to lớn về người, tài sản, các cơ sở hạ tầng về kinh tế, văn hoá, xã hội, tác động xấu đến môi trường. Chỉ tính trong 10 năm gần đây, các loại thiên tai như bão, lũ, lũ quét, sạt lở đất, úng ngập, hạn hán, xâm nhập mặn và các thiên tai khác đã làm thiệt hại đáng kể về người và tài sản, làm chết và mất tích hơn 9.500 người, giá trị thiệt hại về tài sản ước tính chiếm khoảng 1,5% GDP/năm.
Điển hình trong thời gian vừa qua, trên địa bàn cả nước đã xuất hiện nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan như: rét đậm, rét hại, băng giá tại một số tỉnh miền núi phía Bắc, triều cường tại các tỉnh Nam Bộ, hạn hán tại các tỉnh miền Trung… gây thiệt hại nặng nề đến cơ sở hạ tầng, sản xuất và đời sống của nhân dân.
Tạo động lực mới cho phát triển bền vững
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhận định: Sáng kiến hội nghị lần này khẳng định quyết tâm mạnh mẽ của các thành viên ASEM nhằm hiện thực hóa tầm nhìn của các nhà lãnh đạo về tăng cường hợp tác liên khu vực và hành động quyết liệt hơn để ứng phó hiệu quả với BĐKH. Hội nghị được tổ chức đúng thời điểm thế giới đang đẩy mạnh các nỗ lực ứng phó BĐKH. Năm 2018 được nhiều tổ chức quốc tế xác định là năm then chốt hành động ứng phó BĐKH vì phát triển bền vững, khi thời hạn hoàn thành nhiều mục tiêu phát triển bền vững và các cam kết đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) vào năm 2020 đang đến gần.
"Trong năm 2018 này, nhiều thành viên ASEM như Pháp, Đức, Liên minh Châu Âu, Anh, Italia, Ba Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc... tiếp tục đi đầu đăng cai các hội nghị toàn cầu và khu vực quan trọng trong lĩnh vực này. Cùng với những nỗ lực đó, hội nghị của chúng ta chuyển đi thông điệp về vai trò tiên phong và đóng góp hiệu quả của ASEM cùng cộng đồng quốc tế ứng phó với BĐKH", Thứ trưởng Bộ Ngoại giao thông tin.
Phát biểu tại Hội nghị ASEM, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh: “Là diễn đàn liên khu vực quan trọng hội tụ 53 thành viên của hai châu lục Á - Âu, ASEM đầy đủ khả năng và trách nhiệm để tiên phong trong hiện thực hóa các cam kết về BĐKH vì phát triển bền vững. Chúng ta có thể tự hào vì những đóng góp quan trọng, thiết thực của ASEM trong ứng phó với các vấn đề môi trường trong suốt hai thập kỷ qua. Nổi bật là nỗ lực hợp tác về quản lý bền vững các nguồn tài nguyên, trong đó có nguồn tài nguyên nước. Tuy nhiên, chúng ta cần phải tiếp tục nỗ lực hơn nữa, hợp tác chặt chẽ và thực chất hơn nữa trong bối cảnh BĐKH đang tác động mạnh mẽ đến việc định hình cuộc sống tương lai của nhân loại và đang trở thành thách thức lớn nhất của thời đại, đe dọa nghiêm trọng mọi mặt đời sống xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện các mục tiêu phát triển và an ninh của từng quốc gia, khu vực và toàn cầu”.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh gợi mở một số hướng hợp tác mới: Các sáng kiến, dự án hợp tác chuyên ngành của ASEM về quản lý nguồn nước, ứng phó và giảm nhẹ rủi ro thiên tai, năng lượng, an toàn thực phẩm, bình đẳng giới và giảm nghèo… cần được gắn kết chặt chẽ hơn nhằm đưa ra các biện pháp toàn diện cho phát triển bền vững. Ở cấp độ quốc gia, ứng phó BĐKH cần được đặt trong tổng thể chiến lược phát triển bền vững, cân bằng, đồng đều và sáng tạo. Thúc đẩy quan hệ đối tác nhiều bên về ứng phó BĐKH vì phát triển bền vững. Cần thiết lập mạng lưới kết nối và chia sẻ thông tin giữa các nhà hoạch định chính sách, viện nghiên cứu, giới học giả, doanh nghiệp, địa phương… trong lĩnh vực này; thúc đẩy chia sẻ trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, các chương trình đối tác công - tư, chuyển giao và sử dụng công nghệ xanh, sạch.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng đề nghị các thành viên phát triển trong ASEM có các biện pháp hỗ trợ tài chính cụ thể cho các thành viên đang phát triển phải đối mặt với những thách thức gay gắt về BĐKH. Với thế mạnh về vốn, công nghệ cao, ít phát thải, các thành viên phát triển có thể hỗ trợ các thành viên đang phát triển trong tiếp cận tài chính, chuyển giao công nghệ, đầu tư thông minh vào năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, thân thiện với môi trường, tăng cường năng lực ứng phó BĐKH nhằm chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, phát thải thấp.
"Tại Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng ở Canada mới đây, Việt Nam đã đề xuất hình thành cơ chế hợp tác toàn cầu về giảm chất thải nhựa ra đại dương và được các nước G7 mở rộng ủng hộ. Việc gia tăng nỗ lực toàn cầu trong lĩnh vực này có ý nghĩa thiết thực nhằm giải quyết thách thức đang đe dọa nghiêm trọng hệ sinh thái biển và sức khỏe đại dương. Tôi đề nghị các thành viên ASEM cùng phối hợp thúc đẩy, cân nhắc đưa vấn đề này vào nội dung hợp tác của diễn đàn" - Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh phát biểu.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh tin tưởng hội nghị sẽ đưa ra các giải pháp cho các thành viên ASEM trong nỗ lực chuyển sang mô hình phát triển phát thải thấp và thích ứng với biến đổi khí hậu. Vấn đề ứng phó BĐKH sẽ được nghiên cứu, đánh giá trong tổng thể chiến lược phát triển bền vững cũng như các nỗ lực xóa nghèo, bảo đảm an ninh lương thực, an ninh năng lượng, an ninh nguồn nước…
Phiên bế mạc của hội nghị sẽ diễn ra vào chiều mai, 20-6.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh:
Các chương trình về thích ứng BĐKH hỗ trợ Việt Nam một cách thiết thực
Việt Nam bày tỏ sự đánh giá cao các quan hệ đối tác chiến lược về thích ứng với BĐKH và các chương trình hợp tác, hỗ trợ hiệu quả về tài chính, chuyển giao công nghệ mà nhiều thành viên ASEM đã dành cho Việt Nam. Các chương trình này đã hỗ trợ Việt Nam một cách thiết thực trong quản lý, sử dụng bền vững nguồn nước, nâng cao năng lực giám sát và thích ứng với BĐKH, ứng phó với nước biển dâng và xâm nhập mặn lan rộng ở hạ lưu sông Mê Công, đồng thời nâng cao khả năng đóng góp của Việt Nam vào các nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn:
Hội nghị ASEM có ý nghĩa rất quan trọng
Hội nghị hôm nay là hoạt động lớn nhất của ASEM mà chúng tôi phối hợp với các thành viên tổ chức trong năm 2018, và cũng là 1 trong gần 25 sáng kiến Việt Nam đã đề xuất trong khuôn khổ Diễn đàn ASEM.
Hội nghị cũng có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với người dân Việt Nam nói chung và đồng bằng sông Cửu Long nói riêng.
Theo đánh giá của nhiều tổ chức quốc tế, Việt Nam là một trong những nước chịu tác động nặng nề nhất của BĐKH, nước biển dâng và thời tiết cực đoan, trong đó ĐBSCL là một trong những khu vực bị tác động nghiêm trọng nhất. Ngay tháng 11-2017 vừa qua, Chính phủ Việt Nam đã lần đầu tiên ban hành Nghị quyết về Phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH, coi vấn đề phát triển bền vững của vùng là một trong những ưu tiên của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Trên 18.600 tỷ đồng thực hiện các công trình thích ứng với BĐKH
Theo thống kê, kể từ năm 2011 đến nay, Chính phủ đã đầu tư 18.623 tỷ đồng để thực hiện các công trình thích ứng với BĐKH phù hợp với từng vùng, địa phương chịu nhiều tác động của BĐKH. Trong đó, khu vực ĐBSCL 6.760 tỷ đồng; các tỉnh ven biển 5.324 tỷ đồng để trồng rừng ngập mặn ven biển, nâng cấp hệ thống kiểm soát mặn, nâng cấp các đoạn đê biển, đê sông ở những khu vực xung yếu; các tỉnh miền núi phía Bắc 5.164 tỷ đồng; khu vực Tây nguyên 1.375 tỷ đồng để trồng rừng phòng hộ đầu nguồn, nâng cấp hệ thống lưu trữ và cung cấp nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất và điều tiết lũ, nâng cấp hệ thống thoát lũ, kiểm soát lũ trên các sông lớn, xây dựng các kè chống sạt lở sông, suối tại các địa bàn sinh sống của đồng bào dân tộc ít người.