Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng: Chỉ đạo quyết liệt để kiềm chế tăng giá

- PV:
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng: Chỉ đạo quyết liệt để kiềm chế tăng giá

Theo công bố của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng tháng 7 tiếp tục tăng 0,94%. Tính từ đầu năm đến nay, tốc độ tăng giá tiêu dùng đã lên đến 6,19%, sắp đạt đến ngưỡng 8,5% của tăng trưởng kinh tế đặt ra cho cả năm. Bên hành lang kỳ họp Quốc hội, báo chí đã phỏng vấn Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng (ảnh) về vấn đề này.

- PV: Thưa Phó Thủ tướng, Chính phủ sẽ chỉ đạo điều hành thế nào để kiểm soát giá cả theo mục tiêu đề ra?

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng: Chỉ đạo quyết liệt để kiềm chế tăng giá ảnh 1

Phó Thủ tướng NGUYỄN SINH HÙNG: Điều quan trọng nhất hiện nay là phải bảo đảm cung cầu hàng hóa, nhất là những hàng hóa thiết yếu. Nếu trong nước sản xuất không đủ thì phải tăng cường nhập khẩu để đáp ứng cầu. Một giải pháp quan trọng khác nữa là kiểm soát tiền tệ thông qua lãi suất ngân hàng. Ngoài ra, còn có biện pháp điều chỉnh về thuế.

Tinh thần của Chính phủ là chỉ đạo quyết liệt để làm sao kiềm chế mức tăng chỉ số giá cả thấp hơn tốc độ phát triển kinh tế. Chúng ta muốn tăng trưởng nhanh, có nguồn thu để xóa đói giảm nghèo, chi tiêu cho các hoạt động y tế, văn hóa, giáo dục. Nhưng tăng trưởng nhanh gắn với lạm phát. Nếu chúng ta kiềm lại thì nguồn lực lại thiếu đi. Nếu nới ra quá mức thì giá cả lên. Cái khó của Chính phủ là chọn phương án tối ưu để điều hành. Làm sao tăng trưởng 8,5% nhưng lạm phát tăng dưới 8% là thành công.

- Chính phủ đang tiếp tục theo đuổi đề án cải cách tiền lương, nhưng lương chưa tăng thì tốc độ tăng giá đã lên cao quá mức. Làm sao giải quyết được mâu thuẫn này để bớt khổ cho người dân?

Sức mua của người dân tại TPHCM tăng 17%

Tuy chỉ số giá cả hàng tiêu dùng tăng, hoạt động thương mại của TPHCM trong tháng 7 vẫn tiếp tục tăng ở mức cao. Mức tiêu thụ hàng hóa của người dân TP tăng tới 17% so với tháng trước (cùng kỳ năm trước chỉ tăng 11,8%). Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 7-2007 trên địa bàn TPHCM đạt 13.447 tỷ đồng, tăng 1,9% so với tháng 6-2007 và tăng 22,8% so với cùng kỳ.

Th.Ng

Nói đến người dân thì phải quan tâm trước hết đến người làm nông, lâm, ngư nghiệp với số lượng hiện chiếm trên 70%. Chính sách nhà nước phải bao trùm, ngoài ra phải quan tâm đến công nhân trong các doanh nghiệp, người ăn lương của Nhà nước trong hệ thống chính trị. Nếu giá nông sản có lên một chút thì có lợi cho nông dân, sẽ không đáng lo. Các doanh nghiệp phải làm ăn hiệu quả để có nguồn trả lương khá hơn. Đối với viên chức, tới năm 2007 chúng ta đã đi trước trong việc cải cách tiền lương, trước dự kiến lương tối thiểu là 400.000 đồng, giờ đã là 450.000 đồng rồi.

Hiện Chính phủ đang nghiên cứu tiếp để giải quyết hai loại đối tượng là viên chức hành chính, gồm cả Đảng và đoàn thể, phải giải quyết lương ở mức trung bình khá. Đối với lương ở đơn vị sự nghiệp thì phải tìm nhiều biện pháp để thúc đẩy vì nhu cầu lớn, biên chế tăng cao như biên chế bác sĩ, y tá, biên chế giáo viên từ mầm non đến đại học cũng tăng nên phải tăng xây dựng cơ sở vật chất, tăng mở trường, tăng các thành phần kinh tế tham gia (cả nước ngoài) một mặt giải quyết nguồn nhân lực, mặt khác giải quyết thu nhập. Các bước đi ấy phải đặt trong tổng thể để giải quyết.

Đối với đối tượng về hưu thì chúng ta điều chỉnh mức lương tương đương với mức trung bình của xã hội, nguồn để trả là từ nguồn bảo hiểm xã hội đã đóng trước đây giờ họ hưởng, thứ hai nguồn bảo hiểm đầu tư đã sinh lời có thể sử dụng làm nguồn tăng lương và nếu còn thiếu thì bổ sung.

- Xin cảm ơn Phó Thủ tướng!

Nguyễn Quân ghi

Cục trưởng Cục Quản lý giá NGUYỄN TIẾN THỎA:
Giá tiêu dùng tăng trong tầm kiểm soát

Ngoài chuyện giá nhiều mặt hàng trên thế giới tăng cao kéo theo sự tăng giá của thị trường trong nước; còn một yếu tố rất quan trọng tác động đến chỉ số chung là thực phẩm. Sự suy giảm của các đàn gia súc (lợn, bò), gia cầm vẫn chưa khắc phục được nên giá thực phẩm tăng rất cao. Đây lại là mặt hàng chiếm quyền số lớn (trên 25%) nên giá thực phẩm tháng 7 tăng 2,29% đã kéo mặt bằng giá tăng theo.

Tốc độ tăng giá hiện vẫn nằm trong tầm kiểm soát. Than, dầu đều phải tạm thời lùi việc tăng giá; xăng cũng có kiềm chế nhất định; nước sạch, điện, cước vận tải hành khách công cộng... tạm thời không điều chỉnh. Chúng tôi cũng đang yêu cầu các đơn vị kinh doanh thép, gas nếu phát hiện thấy dấu hiệu bất hợp lý thì sẽ kịp thời điều chỉnh.

Tin cùng chuyên mục