Ngày cuối cùng Quốc hội chất vấn các thành viên Chính phủ

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng: Tình hình nào, chủ trương ấy

Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Võ Hồng Phúc: Cần giải pháp hợp lý hợp tình cho vấn đề di dân tự do
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng: Tình hình nào, chủ trương ấy

Sáng 13-6, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng khép lại phần trả lời chất vấn của các thành viên Chính phủ với bản báo cáo về các nhóm vấn đề lớn: đánh giá tình hình, chính sách kích thích kinh tế, các gói kích cầu, về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và giảm nghèo, các dự án bauxite và về việc chuẩn bị các giải pháp cho thời kỳ phát triển sau suy giảm. Ông cũng đã trả lời 10 lượt ý kiến của 9 ĐBQH chất vấn tại hội trường về hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước (DNNN), quản lý tài sản công, kỷ cương hành chính và điều hành giá cả một số loại hàng hóa dịch vụ thiết yếu...

Nhấn mạnh phương châm  kịp thời và linh hoạt  trong quản lý, điều hành nền kinh tế, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng tổng kết: “Tình hình nào, chủ trương ấy”.

Trong bối cảnh hiện nay, Phó Thủ tướng cho rằng, mức tăng trưởng GDP 5% và bội chi ngân sách khoảng 7% là những chỉ tiêu hợp lý. “Về cơ bản, còn bội chi là còn mất cân đối ngân sách, là nguy hiểm, nhưng tùy từng trường hợp, bội chi cũng có mặt tích cực của nó. Trong điều kiện kinh tế suy giảm hiện nay, bội chi để kích thích sản xuất kinh doanh là cần thiết” - ông giải thích với ĐB Phạm Xuân Thường (Thái Bình).

Ngoài ra, để đảm bảo nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường định hướng XHCN, việc tăng giá xăng dầu, giá điện... trong thời gian qua được Phó Thủ tướng coi là những giải pháp cần thiết.

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng: Tình hình nào, chủ trương ấy ảnh 1

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng trả lời chất vấn của ĐBQH. Ảnh: Minh Điền.

Cũng liên quan đến định hướng XHCN, khi bàn về hiệu quả hoạt động của khối DNNN – cũng là vấn đề được nhiều ĐBQH đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Võ Hồng Phúc – Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng nói: “Không thể thoát ly vai trò quản lý nhà nước trong điều hành kinh tế thị trường, điều tiết kinh tế vĩ mô và không thể không có lực lượng để làm việc này, do đó chúng ta cũng không thể xem nhẹ lực lượng kinh tế nòng cốt là DNNN. Năm 2008, khối DNNN hầu hết duy trì được tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 10%, lợi nhuận trên vốn của chủ sở hữu đạt 11% và đóng góp khoảng 40% GDP, làm ra 39,5% giá trị sản lượng công nghiệp, trên 50% kim ngạch xuất khẩu. Vấn đề chính là cần đổi mới thể chế, đổi mới quản trị kinh doanh để nâng cao hiệu quả”.

Bàn về những vướng mắc trong việc xây dựng vành đai 3, hoàn thiện hệ thống giao thông cho thủ đô Hà Nội, Phó Thủ tướng đồng tình với ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai) về tính cấp bách của dự án và hứa sẽ chỉ đạo hoàn thành sớm những dự án thành phần quan trọng.

Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cũng đã có lời đáp cho ĐB Danh Út (Kiên Giang) khi khẳng định, Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương đang phối hợp tìm những giải pháp hỗ trợ thiết thực và dài hơi hơn cho nông dân mua máy nông cụ và chuyển đổi giống lúa. Tuy nhiên, sự hỗ trợ này chỉ thực sự có hiệu quả khi công tác tuyên truyền cho người dân được thực hiện tốt, vì đã có tình trạng người dân không nghe theo khuyến cáo, đổ xô trồng giống lúa cho năng suất cao nhưng chất lượng kém, tiêu thụ sản phẩm khó khăn.

Trả lời ĐB Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) về khả năng dự báo của các cơ quan nhà nước làm cơ sở cho điều hành kinh tế, Phó Thủ tướng công nhận rằng, nâng cao chất lượng dự báo là một quá trình phấn đấu lâu dài và không chỉ các cơ quan nhà nước mà ngay cả các doanh nhân, doanh nghiệp cũng cần tự học hỏi, nâng cao khả năng phán đoán tình hình.

Về một số vụ việc cụ thể mà ĐB Nguyễn Minh Thuyết dẫn chứng khi cho rằng kỷ cương hành chính chưa được thực hiện nghiêm; có lúc, có nơi vẫn “trên bảo dưới không nghe”, Phó Thủ tướng nói: Những đường lối chủ trương của Đảng và Nhà nước ta nhận được sự đồng thuận cao của toàn xã hội. Đúng là trong quản lý hành chính có chỗ trục trặc, phải tìm hiểu nguyên nhân cụ thể để xử lý.

Buổi chiều cùng ngày, QH thảo luận tại tổ về dự án Luật Viễn thông.

ANH PHƯƠNG


Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Võ Hồng Phúc:
Cần giải pháp hợp lý hợp tình cho vấn đề di dân tự do

Trước khi Phó Thủ tướng  Thường trực Nguyễn Sinh Hùng phát biểu, vào đầu phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Võ Hồng Phúc (ảnh) tiếp tục trả lời ĐBQH những vấn đề còn lại trong buổi chất vấn trước.

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng: Tình hình nào, chủ trương ấy ảnh 2

Trả lời ĐB Lương Phan Cừ (Đắc Nông) về vấn đề di dân tự do, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc thẳng thắn cho biết, quan điểm của ông là trung ương và địa phương phải phối hợp xử lý vấn đề này một cách có lý, có tình, chứ không phải tìm mọi cách đưa người dân trở lại nơi ở cũ.

Bộ trưởng cũng cho biết, thời điểm này nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có giảm nhưng so với các nước khu vực vẫn khả quan, và Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn đối với nhà đầu tư.

Ông thừa nhận: “Đúng là có một vướng mắc về Thuế Thu nhập doanh nghiệp khi đầu tư khu công nghiệp và khi đầu tư mở rộng sản xuất nên khó khuyến khích nhà đầu tư. Tuy nhiên, dự thảo luật sửa 3 luật thuế chưa đủ điều kiện để xem xét tại kỳ họp này, tới đây sẽ tính giải pháp”.

Liên quan đến tình hình của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong thời kinh tế suy giảm, người đứng đầu ngành KH-ĐT trấn an: “Trong 5 tháng đầu năm 2009 có 34.800 doanh nghiệp đăng ký mới. Số ngừng hoạt động trong cùng kỳ chỉ có 2.400 doanh nghiệp, như vậy đa số vẫn trụ được”.

A. PHƯƠNG


Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng:
Nội dung chất vấn đề cập những vấn đề bức xúc nhất

Khép lại hai ngày rưỡi dành cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn với 255 chất vấn bằng văn bản của 125 ĐBQH và 106 lượt ý kiến trao đổi trực tiếp tại hội trường, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng nhận định, nội dung chất vấn đã đề cập đến những vấn đề bức xúc nhất, không khí chất vấn và trả lời chất vấn thật sự dân chủ, thẳng thắn trên tinh thần xây dựng và trách nhiệm.

Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng trao đổi với các ĐBQH. Ảnh: Minh Điền

Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng trao đổi với các ĐBQH. Ảnh: Minh Điền

Sự có mặt của 95,7% tổng số ĐBQH, sự tham gia của hầu hết bộ trưởng, trưởng ngành là thành viên của Chính phủ, nhiều đồng chí nguyên lãnh đạo, các vị khách quý, sự theo dõi chứng kiến của hàng triệu cử tri đã nói lên sự quan tâm, sức thu hút hấp dẫn của các phiên chất vấn.

Thực tế tại các phiên chất vấn gần đây cho thấy chân lý và sức thuyết phục không phải nằm ở thái độ gay gắt hay là lời nói đao to búa lớn mà nằm ngay ở chiều sâu của trí tuệ và tình cảm chân thành.

Chất vấn là vấn đề cần thiết và quan trọng nhưng “hậu chất vấn” còn quan trọng hơn. Chủ tịch QH đề nghị các thành viên Chính phủ nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến của ĐBQH, sớm triển khai thực hiện các giải pháp, các lời hứa, thực hiện tốt các nhiệm vụ thuộc chức trách của mình, tích cực khắc phục những hạn chế, tồn tại trong công tác quản lý, điều hành kinh tế - xã hội và báo cáo với QH tại kỳ họp sau.

Riêng về vấn đề khai thác bauxite ở Tây Nguyên, Chủ tịch QH cho biết, QH sẽ thực hiện đúng chức năng giám sát; bảo đảm cùng Chính phủ, cùng với các cơ quan khác trong toàn hệ thống chính trị thúc đẩy thực hiện cho được chủ trương mang tính chiến lược rất quan trọng này.

B. AN


ĐBQH Dương Trung Quốc:
Không nên dồn các “điểm nóng” đến kỳ họp QH

Về chất vấn, các ĐBQH cũng như các bộ  trưởng ngày càng “có tay nghề” hơn. Tuy nhiên tôi vẫn thấy chưa hài lòng với cách chất vấn hiện nay, vì căn bản là thời gian ít quá, gói gọn mỗi bộ trưởng chỉ có 2 giờ, thì cũng mới chỉ dừng ở việc tạo ra được sự quan tâm của xã hội, chứ chưa đi đến tận cùng vấn đề.

QH đã có một bước tiến rất tốt là để các bộ trưởng trả lời chất vấn ở kỳ họp, vậy tại sao không mở rộng hình thức hơn nữa? Chúng ta có thể khai thác tốt hơn các kênh truyền thông để cho các thành viên Chính phủ trả lời chất vấn. Trong khi có quá nhiều kênh truyền thông thừa thãi để phát sóng những tin vô bổ, thì tại sao không thể có một kênh dành cho QH. Có thể tiến tới việc nhiều ĐBQH cùng đặt một vấn đề, thì QH có thể yêu cầu bộ trưởng đó trả lời.

Trả lời vào ngay thời điểm đang nóng, những vấn đề mà dân đang bức xúc thì hiệu quả sẽ cao hơn rất nhiều, chứ không phải dồn các “điểm nóng” đến kỳ họp QH. Nếu làm được như vậy thì chúng ta sẽ dành được nhiều thời lượng hơn của kỳ họp QH tập trung cho các vấn đề lớn, các vấn đề mà người ta gọi là “quốc kế dân sinh”.

L. NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục