Chiều 12-9, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Minh Trí đã có buổi làm việc với UBND quận 1 và các cơ quan chức năng về tình hình an ninh trật tự và phòng chống tội phạm đối với địa bàn trung tâm TP. Theo nhận định, tình hình trộm cướp tài sản đang diễn biến phức tạp, cần tập trung đẩy mạnh công tác phòng chống các loại tội phạm.
- Nhiều nạn nhân không trình báo
Ông Phạm Thành Kiên, Phó Chủ tịch UBND quận 1, thông tin: Trong 8 tháng đầu năm, trên địa bàn quận đã xảy ra 168 vụ phạm pháp hình sự, trong đó có đến 140 vụ cướp giật. Nhiều chủ doanh nghiệp khách sạn ở khu vực trung tâm đã gửi đơn bày tỏ bức xúc về tình trạng nhiều du khách nước ngoài là nạn nhân của các vụ cướp giật. Ông Dư Quang Nghĩa, Chủ tịch UBND phường Phạm Ngũ Lão, cho biết: 8 tháng đầu năm nay, trên địa bàn phường đã xảy ra 35 vụ phạm pháp hình sự (tăng 8 vụ so với cùng kỳ năm 2010).
Tại phường Bến Nghé, công an phường này cho biết số vụ trộm cắp tương đối nhiều, chủ yếu tại các cao ốc văn phòng. Một trong những nguyên nhân là do lực lượng bảo vệ tại các cao ốc còn chủ quan, thậm chí có nơi còn là “ăng ten” hoặc tham gia trực tiếp trộm cắp.
Tại phường Bến Thành, 8 tháng đầu năm, toàn phường xảy ra 39 vụ phạm pháp hình sự. Tỷ lệ khám phá 32 vụ (tỷ lệ 82%), so với cùng kỳ năm ngoái giảm 10 vụ. Tuy nhiên, số vụ cướp giật xảy ra đến 15 vụ, tăng 4 vụ so với năm 2010 (tăng 30%). Đối tượng cướp giật chủ yếu là ở các địa bàn khác đến hoạt động như quận 4, Bình Chánh…
Theo Thượng tá Trần Văn Ngọc, Phó Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội - Công an TP, hiện phạm pháp hình sự tập trung vào 2 loại cướp giật có phương tiện và trộm cắp. Mặc dù số vụ cướp giật, trộm cắp có giảm so với cùng kỳ năm ngoái nhưng ông Ngọc cũng thừa nhận thực tế có nhiều người bị hại không trình báo cho chính quyền địa phương và cơ quan chức năng.
Xã hội hóa phòng chống tội phạm
Ông Nguyễn Đình Tiến, Trưởng ban Điều hành khu phố 8, phường Đa Kao, nhận định: “Công tác xử lý chưa mạnh tay!”. Từ thực tế tham gia công tác đấu tranh phòng chống loại tội phạm này tại địa phương, ông Tiến cho rằng công tác phối hợp, chỉ huy chung chưa tốt; cách giải quyết chưa liên tục, chưa đi đến cùng, có lúc “bắt cóc bỏ dĩa” nên tội phạm cứ tái diễn. Nhiều ý kiến cho rằng, lực lượng công an còn mỏng, công tác phòng chống tội phạm trông cậy vào ban bảo vệ dân phố, lực lượng dân phòng nhưng thu nhập của bảo vệ dân phố chỉ 1,2 triệu đồng/người/tháng nên nhiều người không mặn mà…
Ông Trần Vĩnh Tuyến, Chủ tịch UBND quận 1, thẳng thắn nhìn nhận thiếu sót của quận là để phong trào quần chúng chựng lại. Các lực lượng chức năng đông nhưng phối hợp chưa chặt chẽ và không theo kịp tình hình tội phạm. Quận đang thực hiện cơ chế phối hợp giữa các đơn vị nhà nước và tư nhân bảo vệ nhau, trong đó chú ý đến các trung tâm thương mại, cơ quan tài chính, ngân hàng, cao ốc văn phòng.
Đặc biệt, sẽ chấn chỉnh lực lượng bảo vệ tư nhân để ngăn ngừa tội phạm len lỏi vào gây án. Trong tháng 10-2011, quận sẽ báo cáo với UBND TP về dự án đầu tư trang bị hệ thống camera kiểm soát tình hình an ninh trật tự, giao thông, môi trường tại khu vực trung tâm TP.
“Các cơ quan chức năng phải ra tay mạnh hơn để du khách, người dân an ổn” - Phó Chủ tịch UBND TP Lê Minh Trí nhấn mạnh. Theo đó, quận 1 cần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn, tự định ra mục tiêu, yêu cầu, phương án phòng chống tội phạm phù hợp với đặc thù địa bàn, kèm theo đó là cơ chế phối hợp.
Trên cơ sở đó, quận 1 kiến nghị TP các cơ chế đặc biệt như: trang bị phương tiện hỗ trợ; mức khen thưởng xứng đáng, chính sách chăm lo đối với người tham gia công tác này... Quận 1 cần thực hiện xã hội hóa để huy động các nguồn lực xã hội cùng tham gia công tác này như mô hình câu lạc bộ phòng chống tội phạm...
VÂN ANH