
Những người chăm lo cho người nghèo
Bốn năm qua, người dân khu phố 5, phường Tân Thuận Đông, quận 7 đã quen với hình ảnh tất bật của chị Nguyễn Thị Đỏ - một “nhà giáo tình nguyện” của các lớp học xóa mù chữ cho nhiều chị em nghèo, thất học. Văn phòng khu phố từ lâu đã trở thành nơi “thầy trò” chị Đỏ cùng nhau vượt khó. Không đợi ai mời mọc, không tiền bồi dưỡng nhưng chị vẫn âm thầm duy trì việc làm của mình nhiều năm trời. Thành quả 4 năm miệt mài bằng cả tấm lòng của chị là 10 chị đã được xóa mù chữ, cuối năm nay lại sẽ có thêm 12 chị nữa được xóa mù chữ. Chị Đỏ cười hiền lành: “Làm được gì có ích cho người khác trong khả năng mình thì cứ làm thôi…”.

Sinh viên tình nguyện thuộc chương trình tiếp sức mùa thi đang tư vấn điểm trọ cho thí sinh vào thi ĐH tại ga Sài Gòn. Ảnh: Th.THẢO
Cũng lặng lẽ làm những việc “bao đồng” như chị Đỏ là rất nhiều cán bộ về hưu, người lao động bình dị khác trên địa bàn TP. Đó là bác Đinh Huy Cài - một cựu chiến sĩ Điện Biên Phủ ở quận 5 với “Quỹ bác Cài” giúp đỡ người nghèo.
Về hưu, khi đạp xe đi dạo phố phường, ông đau lòng nhìn những cảnh đời, những con người quá đỗi khó khăn, trong đó cũng có cả đồng đội từng chung vai sát cánh với ông trong những năm tháng máu lửa. Sau nhiều đêm trằn trọc, ông quyết định gom hết tiền lương hưu, tiền dành dụm mang ra cho anh em cựu binh mượn. 3 triệu, 5 triệu đồng..., ông thu vén nhà ở hẹp lại để cho thuê nhà thu thêm tiền. Rồi “Quỹ bác Cài” ra đời, sau nhiều năm vun vén đã có 170 triệu đồng lo cho người nghèo…
Trong những năm qua, nhiều gia đình ở TP đã gửi toàn bộ số tiền phúng điếu khi người thân qua đời đến các tổ chức từ thiện để góp chút tiền giúp đỡ người nghèo. Đã có hàng tỷ đồng từ tấm lòng ấy được chuyển đến các trường, trại mồ côi và chương trình mổ mắt cho người nghèo. Đó là chị Lê Thanh Xuân (quận 5) thể theo tâm niệm của người cha quá cố trao cho Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TP 27 triệu đồng và 500 USD để giúp mổ đục thủy tinh thể cho người mù nghèo ở Sóc Trăng. Hưởng ứng lời kêu gọi “Biến tang lễ đau thương thành từ thiện” của Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TP, bà Nguyễn Thị Hai và các con (phường 5, quận 10) gửi toàn bộ tiền phúng điếu chồng (38 triệu đồng) giúp mổ mắt miễn phí cho 76 người mù nghèo huyện Cái Bè, Tiền Giang…
Thi đua tiết kiệm trong công sở
Là một trong những địa phương tích cực thực hiện Nghị định 130 của Chính phủ về chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính, các quận huyện sở ngành trên địa bàn TP cũng đã đi đầu trong thi đua, làm cho phong trào ngày càng phát triển mạnh.
Chỉ trong một năm, 14 phòng ban và 15 phường của quận 5 đã tiết kiệm tổng số tiền hơn 4,71 tỷ đồng. Quận còn phát động thi đua tiết kiệm trong nhiều hoạt động xây dựng cơ bản khác. Kết quả thu được: trong năm 2007, từ các hoạt động phê duyệt dự toán chặt chẽ đã tiết kiệm được 1,591 tỷ đồng; việc thẩm định quyết toán công trình đầu tư xây dựng cơ bản tiết kiệm gần 50 triệu đồng; đấu thầu mua sắm trang thiết bị cho các phòng ban và tại các phường tiết kiệm hơn 200 triệu đồng…
Cũng từ các phong trào thi đua sôi nổi, chỉ trong một năm, các sở ban ngành ở TP đã tiết kiệm hơn 13, 85 tỷ đồng; quận, huyện tiết kiệm 25,86 tỷ đồng; phường xã tiết kiệm 31,3 tỷ đồng… từ các chi phí quản lý hành chính (văn phòng phẩm, điện nước…).
Và tuổi trẻ tình nguyện
Từ mùa hè 1993, chiến dịch Ánh sáng văn hóa hè đầu tiên được thực hiện. Hàng đêm dưới ánh đèn dầu, các “thầy cô giáo” sinh viên đã đem ánh sáng văn hóa đến nhiều người dân. Bằng kinh nghiệm của 3 mùa chiến dịch Ánh sáng văn hóa hè, xuất phát từ thực tế của địa phương và năng lực của thanh niên tình nguyện, từ năm 1997, chiến dịch được nâng cao một bước với tên gọi chiến dịch tình nguyện Mùa hè xanh. Nội dung phong phú hơn, đa dạng hơn qua từng mùa chiến dịch, địa bàn cũng trải rộng không chỉ ở TP mà còn lên vùng núi rừng Tây nguyên hùng vĩ cùng với đồng bào các dân tộc 3 tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đắc Lắc; về ĐBSCL giúp khuyến nông, khuyến ngư, xóa cầu khỉ; tham gia chương trình xây dựng đường Hồ Chí Minh, chương trình 3 giảm…
Qua 14 năm, không thể không nhắc đến những thành quả mà Mùa hè xanh đã đem lại cho đoàn viên thanh niên TP - đó là việc tập hợp được những cá nhân giàu lòng nhiệt huyết, khơi được năng lực, khát vọng sống có ích của thanh niên vào các hoạt động góp phần thực hiện nhiệm vụ KT-XH của TP và đất nước. Có thể nói, trải qua 14 năm, Mùa hè xanh đã trở thành một thứ “đặc sản” mang dấu ấn đậm nét của một lớp thanh niên tình nguyện trên khắp mọi miền đất nước.
Song song với chiến dịch Mùa hè xanh, một hoạt động khác cũng để lại nhiều dấu ấn đẹp trong lòng người dân TP, đó là phong trào Tiếp sức mùa thi. Tính riêng trong năm nay, 5.000 sinh viên tình nguyện của TP đã tham gia thực hiện phong trào này. Sự có mặt của các bạn trẻ khi sáng sớm tinh mơ, lúc đêm khuya tại các bến xe, nhà ga đã làm ấm lòng bao thí sinh thi đại học từ các tỉnh về TP. Có những sinh viên sáng hôm sau phải thi học kỳ nhưng ngay từ 1 giờ sáng đã kịp thời có mặt ở ga Sài Gòn đón chuyến tàu đầu tiên từ Nha Trang vào. Giữa những chuyến tàu trong đêm, không ít sinh viên đã mang bài vở ra học để kịp thi vào buổi sáng sớm. Đó là hình ảnh thật đẹp về những người tình nguyện trẻ…
H.Hiệp - Th.Thảo
Lời kêu gọi Thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh Mục đích thi đua ái quốc là: Diệt giặc đói, Diệt giặc dốt, Diệt giặc ngoại xâm. Cách làm là: Dựa vào: Lực lượng của dân, Tinh thần của dân, để gây: Hạnh phúc cho dân. Vì vậy bổn phận của người dân Việt Nam, bất kỳ sĩ, nông, công, thương, binh; bất kỳ làm việc gì, đều cần phải thi đua nhau: Làm cho mau, Làm cho tốt, Làm cho nhiều. Mỗi người dân Việt Nam, bất kỳ già, trẻ, trai, gái; bất kỳ giàu, nghèo, lớn, nhỏ, đều cần phải trở nên một chiến sĩ tranh đấu trên mặt trận: Quân sự, Kinh tế, Chính trị, Văn hóa. Thực hiện khẩu hiệu: Toàn dân kháng chiến, Toàn diện kháng chiến. Trong cuộc thi đua ái quốc, chúng ta: Vừa kháng chiến, Vừa kiến quốc. Kết quả đầu tiên của thi đua ái quốc sẽ là: Toàn dân đủ ăn đủ mặc, Toàn dân biết đọc, biết viết, Toàn bộ đội đầy đủ lương thực, khí giới, để diệt ngoại xâm, Toàn quốc sẽ thống nhất độc lập hoàn toàn. Thế là chúng ta thực hiện: Dân tộc độc lập, Dân quyền tự do, Dân sinh hạnh phúc, Ba chủ nghĩa mà nhà đại cách mạng Tôn Văn đã nêu ra. Để đi đến kết quả tốt đẹp đó, tôi xin Các cụ phụ lão thi đua đốc thúc con cháu hăng hái tham gia mọi công việc, Các cháu nhi đồng thi đua học hành và giúp việc người lớn, Đồng bào phú hào thi đua mở mang doanh nghiệp, Đồng bào công nông thi đua sản xuất, Đồng bào trí thức và chuyên môn thi đua sáng tác và phát minh, Nhân viên Chính phủ thi đua tận tụy làm việc, phụng sự nhân dân, Bộ đội và dân quân thi đua giết cho nhiều giặc, đoạt cho nhiều súng. Nói tóm lại, ai cũng thi đua, ai cũng tham gia kháng chiến và kiến quốc. Phong trào sôi nổi. Thi đua ái quốc sẽ ăn sâu, lan rộng khắp mọi mặt và mọi tầng lớp nhân dân, và sẽ giúp ta dẹp tan mọi nỗi khó khăn và mọi âm mưu của địch để đi đến thắng lợi cuối cùng. Với tinh thần quật cường và lực lượng vô tận của dân tộc ta, với lòng yêu nước và chí kiên quyết của nhân dân và quân đội ta, chúng ta có thể thắng lợi, chúng ta nhất định thắng lợi. Hỡi toàn thể đồng bào, Hỡi toàn thể chiến sĩ, Tiến lên! Hồ Chí Minh |
9 nội dung trọng tâm phong trào thi đua yêu nước của TPHCM năm 2008 - Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng từ 12,7% đến 13%, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu (tính cả dầu thô) tăng 15%, tổng thu ngân sách đạt 98.070, 2 tỷ đồng, tổng chi ngân sách 18.594,758 tỷ đồng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng. - Các sở ban ngành, quận huyện, MTTQ, các đoàn thể và các cơ quan đơn vị thuộc TP tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị số 19 của Ban Bí thư Trung ương về kỷ niệm 60 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc và tổ chức kỷ niệm ngày truyền thống thi đua yêu nước 11-6 hàng năm, trên cơ sở đó xây dựng chương trình, kế hoạch và phát động phong trào thi đua tại ngành, đơn vị mình. - Các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể và các cơ quan đơn vị phối hợp tổ chức thật tốt công tác tuyên truyền, giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước, gắn với công tác tuyên truyền cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. - Đổi mới, nâng cao chất lượng phong trào thi đua yêu nước, xây dựng các mô hình điển hình tiên tiến, xuất sắc… - Đẩy mạnh cải cách hành chính, phần đấu đến cuối năm 2008, các quy trình, thủ tục hành chính được chuẩn hóa… - Tiếp tục thực hiện tốt chương trình “Phòng, chống tham nhũng”, “Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”… - Giữ vững an ninh, chính trị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trên địa bàn và xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh. - Tiếp tục triển khai và thực hiện tốt Luật Thi đua-Khen thưởng. - Hoàn chỉnh các quy chế và tiếp tục kiện tòan hoạt động của Hội đồng Thi đua-Khen thưởng các cấp; tăng cường công tác giám sát kiểm tra về công tác thi đua-khen thưởng. |