
Theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần VIII đề ra, mục tiêu không còn hộ nghèo (mức thu nhập dưới 6 triệu đồng/ người/ năm) của TP đã hoàn thành cơ bản và sớm hơn 2 năm so với dự kiến. Đến hết tháng 9-2008, TPHCM chỉ còn 0,93% hộ nghèo. Để đạt được kết quả khả quan trên, nhiều cá nhân, địa phương đã có cách giảm nghèo hay, phong phú, đa dạng…
1. “Năm 2005, được địa phương hỗ trợ vốn xóa đói giảm nghèo (XĐGN), tôi đã đăng ký đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) tại Malaysia”, chị Nguyễn Bùi Hải Lý, chủ một cơ sở may gia công tại phường Tân Kiểng quận 7 - đã kể. Sang Malaysia, chị Lý được nhận vào làm việc trong một công ty lắp ráp máy vi tính với thu nhập căn bản là 3 triệu đồng/tháng, chưa kể làm thêm.
Chị nói tiếp: “Tôi cố gắng làm việc để mong thoát nghèo và trả hết chi phí đi XKLĐ. Sau 2 năm làm việc, tôi để dành được 40 triệu đồng và trở về Việt Nam. Với số tiền này tôi dành trả nợ, xây sửa nhà cửa, chăm sóc gia đình và học thêm nghề may công nghiệp. Để có thể nâng cao tay nghề, tôi còn xin làm công nhân may ở một xí nghiệp tại Bình Dương”.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Đua (trái) thăm hỏi, tặng quà một hộ nghèo neo đơn ở quận 6. Ảnh: M.A.
Sau đó, chị Lý dùng số tiền còn lại mua 6 máy may mở cơ sở riêng. Đến nay, cơ sở may của chị đã có thể nhận gia công hàng chục mặt hàng may mặc cho các xí nghiệp lớn.
Không chỉ thoát nghèo, chỉ trong 3 năm (2005-2007), chị Lý còn giúp cho 5 chị em phụ nữ khác có công ăn việc làm ổn định, cùng thoát nghèo với mình.
Theo Ban chỉ đạo Xóa đói giảm nghèo và việc làm (XĐGN-VL) TPHCM, hơn nửa nhiệm kỳ qua, số hộ nghèo ở TPHCM đã giảm từ 86.719 hộ (năm 2005 - tỷ lệ 7,5%) xuống còn 12.200 hộ (tính đến cuối tháng 9-2008 - tỷ lệ 0,93%). Hàng năm, Quỹ XĐGN đã cho 50.000 hộ nghèo vay tiền làm ăn. Ngân hàng Chính sách xã hội TPHCM cũng phát vay 400 tỷ đồng mỗi năm để người nghèo thay đổi cuộc sống.
2. Ở quận 5 (TPHCM) có rất nhiều Tổ tự quản XĐGN, trong đó Tổ tự quản khu phố 6 phường 1 đã được báo cáo kinh nghiệm điển hình. Đầu năm 2005, qua khảo sát thấy khu phố có 29 hộ nghèo, các thành viên của Tổ tự quản tiếp xúc, tìm hiểu và nắm được nhu cầu của các hộ nghèo.
Mỗi tháng, Tổ tự quản họp một lần để giúp khoảng 5-7 hộ có con nhỏ làm đơn xin miễn giảm học phí. Có tháng Tổ tự quản xét chọn các nhân khẩu (trong số hộ nghèo) đưa vào diện trợ cấp khó khăn; cũng có tháng Tổ tự quản đề xuất Quỹ XĐGN phát vay cho khoảng 10 hộ có nhu cầu mua bán nhỏ…
Tổ trưởng Nguyễn Bạch Liễu nói: “Khi Tổ tự quản đề xuất cho các hộ nghèo vay, đều được chính quyền tạo điều kiện thuận lợi. Nhờ có Tổ tự quản, chính quyền tin tưởng là đã chăm lo đúng đối tượng vay vốn”.
Không những thế, Tổ tự quản với sự giúp đỡ của chính quyền, còn tổ chức đăng ký danh sách hộ nghèo để được phát thẻ BHYT, giới thiệu việc làm cho người lao động nghèo. Một số mạnh thường quân thấy Tổ tự quản làm ăn “coi được” nên thông qua Tổ tự quản giúp người nghèo 10 căn nhà tình thương.
Đánh giá về mô hình này, Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận 5 Lê Văn Khoa cho rằng: “Có các Tổ tự quản XĐGN ở hầu khắp các khu phố, quận 5 đã chăm lo đúng-trúng-hiệu quả cho nhiều đối tượng nghèo. So với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ quận lần thứ IX đề ra, chúng tôi đã “về đích” trước 3 năm”.
Bên cạnh sự nỗ lực của mỗi cá nhân, mỗi địa phương, ngân sách TPHCM còn “tiếp sức” khi miễn học phí cho 60.000 học sinh/năm, với số tiền mỗi năm trên 12 tỷ đồng; cấp 270.000 thẻ BHYT/năm và xây dựng mỗi năm gần 2.000 căn nhà tình thương cho người nghèo.
3. Những năm qua, xã Long Thới huyện Nhà Bè nổi lên như một điển hình về XĐGN thông qua dạy chữ - dạy nghề. Chỉ trong vòng 3 năm, từ chỗ có 27,08% hộ nghèo (293 hộ/1.082hộ) trong toàn xã, đến nay Long Thới chỉ còn 0,23% hộ nghèo (3 hộ).
Chủ tịch UBND xã Long Thới Nguyễn Hoàng Phượng cho rằng: “Thanh niên nông thôn khó có khả năng học hết THPT, chúng tôi đề nghị lên huyện cho đưa vào diện học chữ - học nghề. Vì thế hầu hết thanh niên của xã, thanh niên nghèo đều có thể tìm được việc làm vì có bằng cấp, lại được xã ưu tiên giới thiệu vào KCN Hiệp Phước gần đó”.
Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè Võ Minh Thành xác nhận: “Chúng tôi vận động và khuyến khích những học sinh trong huyện không có khả năng học hết THPT tham gia học chữ - học nghề. Sau khi ra trường, ngoài việc có nghề trong tay, các em còn có thêm bằng THPT (bổ túc), nên dễ tìm việc làm. Mỗi năm, Trung tâm Dạy nghề Nhà Bè tiếp nhận hàng trăm học sinh vừa hết THCS đến học chữ - học nghề. Việc này đã đưa vào nghị quyết của Đảng bộ huyện”.
Bên cạnh đó, bộ mặt của những xã, phường nghèo ở Nhà Bè, quận 9, Bình Chánh, Cần Giờ… đã khang trang hơn với 324 công trình hạ tầng như chợ, đường, trường học, trạm y tế (trị giá 279 tỷ đồng) được xây dựng từ vốn ngân sách TPHCM.
4. Mới đây nhất, Quận ủy quận 10 đã tổ chức trao tặng 56 chiếc xe gắn máy cho 56 lao động nghèo đang hành nghề chạy xe ba bánh tự chế. Sau khi TPHCM có chủ trương cấm xe ba, bốn bánh tự chế, Ban Thường vụ Quận ủy quận 10 đã họp và quyết định trích từ nhiều nguồn vốn để mua xe gắn máy tặng cho bà con nghèo chạy xe ba gác.
Ban đầu, theo khảo sát thì một xe gắn máy mới 100% có giá 6 triệu đồng. Sau khi lên dự toán và được duyệt, Phòng LĐTB-XH quận 10 đi mua xe nhưng do vật giá leo thang, giá xe máy đã lên đến 6,3 triệu đồng/chiếc. Vậy là các bộ phận chức năng của quận phải “làm lại từ đầu”, “linh động” thêm các nguồn để kịp mua xe tặng bà con.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Đua đánh giá: “Cách làm của quận 10 vừa giúp cho người dân XĐGN, lại phù hợp với quy định chung. Đây là cách làm mới trong tình hình hiện nay”.
Theo UBND TPHCM, đạt được mục tiêu cơ bản không còn hộ nghèo sớm hơn 2 năm so với dự kiến là nhờ “có chủ trương đúng, hợp lòng dân; quan điểm chỉ đạo xuyên suốt; chính sách-giải pháp phù hợp; sự tập trung tận tụy của đội ngũ cán bộ XĐGN”. |
MINH ANH