- Ở nông thôn, mưa có tác dụng chính là tiếp nước cho sản xuất nông nghiệp. Ở đô thị, mưa có tác dụng giải nhiệt, điều hòa thời tiết. Gần đây, khi đô thị hóa ồ ạt mà việc thực hiện quy hoạch lộn xộn chắp vá, mưa có thêm tác dụng là… gây ngập. Và khi đã ngập, dân tình được biết thêm nhiều thứ mà nếu khô ráo thì không lộ ra.
- Thiệt ngộ. Vậy các thứ biết mới sau cơn mưa gây ngập là gì, thưa anh?
- Cái tường tận đầu tiên là chất lượng công trình hạ tầng. Mưa một trận là nhiều thứ trôi ngay. Tuy nhiên, mưa ngập chuyên dùng để đo chất lượng của công trình xây bằng vốn ngân sách. Chỉ khi xài ngân sách, công trình mới nhanh hư hỏng, và bị lộ khi mưa. Cái thứ nhì bỗng xổ ra khi ngập, là công chúng bàng hoàng phát hiện những tài năng về sử dụng ngôn từ.
- Ồ, cái này rất mới mẻ. Nhưng tại sao ngôn từ lại nảy nở trong mưa mà không xuất hiện trong điều kiện khác?
- Đơn giản là khi mưa to, người có trách nhiệm bèn chống chế rằng theo quy định này nọ, ngập nước chỉ nghĩa là tụ nước. Còn ngập kéo dài mới thực sự là ngập. Tụ nước là nước tụ, tụ không phải là ngập. Giải thích lằng nhằng một hồi thì huề tiền, không ai phải chịu trách nhiệm gì hết ráo. Khi mưa ngập, trách nhiệm chỉ thuộc về ông trời!