(SGGP).- Ngày 26-5, Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TPHCM tổ chức buổi đối thoại giữa doanh nghiệp - chính quyền TP, nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc khi thực hiện các chính sách mới về lao động - tiền lương, bắt đầu có hiệu lực. Tại đây, nhiều doanh nghiệp quan tâm và đặt câu hỏi với lãnh đạo Sở Lao động Thương binh - Xã hội TPHCM (LĐTB-XH) về: công thức tính lương, phụ cấp và việc giải quyết chế độ sau khi nghỉ việc cho người lao động; các loại hợp đồng lao động, thời gian học việc, thử việc…
Đi sâu vào từng lĩnh vực, có doanh nghiệp đặt câu hỏi: “Trường hợp người lao động trong giờ làm việc, nhưng xin nghỉ giữa giờ ra ngoài có việc riêng, sau đó bị tai nạn giao thông, thì có được xem là tai nạn lao động hay không?”. Đại diện Sở LĐTB-XH giải thích: “Trường hợp này không được xem là tai nạn lao động. Bởi theo quy định, tai nạn lao động phải gắn liền với công việc được giao và để được hưởng chế độ do tai nạn lao động, sự việc xảy ra tai nạn đối với người lao động phải phù hợp không gian và thời gian. Tuy nhiên, trên thực tế cũng có những trường hợp tương tự, có thể xem xét để “được xem” là tai nạn lao động”. “Trường hợp lao động nữ đang nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi, có mong muốn được đi tập huấn nước ngoài từ 3 tháng đến 1 năm, có thỏa thuận tự nguyện, vậy công ty cử đi có vi phạm Luật Lao động hay không”? Về trường hợp này, phía Sở LĐTB-XH cho rằng, nếu công ty giải quyết cho người lao động nữ nuôi con nhỏ dưới 12 tháng đi nước ngoài, không những vi phạm Luật Lao động mà còn vi phạm Luật Trẻ em và có thể bị truy tố theo Luật Hình sự, nếu có sự cố gì xảy ra.
Liên quan đến việc trả lương, phụ cấp cho người lao động, doanh nghiệp đặt câu hỏi: “Công ty đang thuê chuyên gia là người nước ngoài, tính lương theo giờ, sau đó họ nghỉ, phía công ty có phải trả phụ cấp không?”. Với câu hỏi này, phía Sở LĐTB-XH trả lời: “Căn cứ Luật Lao động hiện hành, người nước ngoài ký hợp đồng lao động với phía công ty tại Việt Nam cũng được xem là đối tượng điều chỉnh của luật này, do đó doanh nghiệp phải trả phụ cấp khi họ nghỉ việc”. Tuy nhiên, lục lại các văn bản hướng dẫn cũng như trong việc xây dựng thang lương, các doanh nghiệp cho biết, vẫn lúng túng khi áp dụng giải quyết phụ cấp thôi việc cho những trường hợp này. Do đó, Sở LĐTB-XH TP đề nghị sẽ làm việc cụ thể với các công ty để giải thích thêm đối với những vấn đề quy định nêu chưa rõ ràng, cụ thể; đồng thời, kiến nghị cấp trên hướng dẫn, tháo gỡ.
Tương tự, nhiều doanh nghiệp thắc mắc về trường hợp công ty trả phụ cấp, công tác phí… cho người lao động cao hơn mức lương trong giao kết hợp đồng có vi phạm quy định pháp luật hiện hành hay không? Về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Việt, Trưởng phòng LĐ-VL Sở LĐTB-XH, không trích dẫn văn bản pháp luật để trả lời, nhưng nói: “Việc doanh nghiệp trả các khoản phụ cấp ngoài lương mà cộng lại cao hơn lương là bất hợp lý, “có vấn đề”. Đây là một hình thức “né” luật của doanh nghiệp nhằm trốn tránh nghĩa vụ nộp các khoản khác như BHXH… Nhưng làm như vậy doanh nghiệp sẽ bị các đoàn kiểm tra “soi” và khi bị phát hiện doanh nghiệp sẽ bị thiệt hại. Chưa kể, theo quy định mới, trong thời gian tới các khoản này đều được cộng vào để tính “tiền lương”, chứ không tính theo “mức lương” như trước đây. Do đó, tôi đề nghị các doanh nghiệp cần thực hiện theo đúng quy định để không bị thiệt hại về sau”. Các doanh nghiệp cho biết, không thỏa mãn với giải thích của đại diện Sở LĐTB-XH, bởi hiện nay luật không quy định các khoản mức phụ cấp giới hạn là bao nhiêu. Trong khi đó, doanh nghiệp thuê người lao động, để khuyến khích, có những trường hợp như chức danh tổng giám đốc, phải trả thu nhập mỗi tháng trên dưới cả trăm triệu đồng.
LẠC PHONG