Phụ nữ tự tin hội nhập


Vai trò của người phụ nữ ngày càng được khẳng định trên tất cả lĩnh vực. Dù ở vị trí, vai trò nào thì phụ nữ cũng luôn tự tin vươn lên phát triển kinh tế, làm chủ cuộc sống. 
Dù khởi sự kinh doanh khi tuổi đã cao, nhưng bà Lê Bích Quyên (trái) tự tin mình sẽ thành công
Dù khởi sự kinh doanh khi tuổi đã cao, nhưng bà Lê Bích Quyên (trái) tự tin mình sẽ thành công

Không chỉ vậy, với sự trăn trở về thân phận người phụ nữ, nhiều phụ nữ đã bắt đầu khởi sự kinh doanh, khi thành công lại chung tay hỗ trợ để chị em hoàn cảnh khó khăn cùng tiến bước. 

Giúp nhau vươn lên

Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam vừa trao Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam 2018 cho 10 cá nhân tiêu biểu. Theo bà Nguyễn Thị Thu Hà, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, các chị là hình ảnh tiêu biểu của người phụ nữ Việt Nam trong giai đoạn mới: Giỏi trí tuệ, đẹp tâm hồn, luôn say mê sáng tạo, sống có trách nhiệm với gia đình, xã hội và cộng đồng. TPHCM có 1 cá nhân vinh dự được nhận giải thưởng cao quý này, đó là bà Tô Thị Mỹ Linh, Chủ tịch Hội LHPN phường Cầu Ông Lãnh (quận 1). 

Vừa từ Hà Nội trở về, bà Linh đã bắt tay vào việc tổ chức các hoạt động chăm lo chị em nhân kỷ niệm Ngày Phụ nữ Việt Nam 20-10. Bà Linh năm nay 54 tuổi, với 33 năm làm công tác phụ nữ, bà đã sâu sát, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, hoàn cảnh từng chị em để có hướng hỗ trợ kịp thời khi chị em cần. Thấy phụ nữ trên địa bàn trình độ thấp, không có tay nghề, làm các công việc chân tay nặng nhọc, bà trăn trở, rồi tìm cách tháo gỡ. “Phải phát triển kinh tế thì mới giúp chị em thoát nghèo, làm chủ cuộc sống, mà để làm được điều đó thì chị em phải có cái nghề trong tay”, bà Mỹ Linh chia sẻ. Bằng sự tận tâm, nhiệt tình, chịu khó, bà Linh tìm đến các cơ sở dạy nghề, rồi vận động chị em đến học. Bà cũng lo tìm nơi làm việc cho các chị khi ra nghề. Rồi bằng cách thành lập các nhóm, mô hình hoạt động, mạnh dạn giới thiệu cho vay vốn làm ăn, bà Linh đã giúp các chị em buôn bán chiếm lòng lề đường, đơn thân, hộ nghèo… trên địa bàn phường chuyển đổi nghề nghiệp, ổn định cuộc sống. 

Tại TPHCM, Hội Nữ doanh nhân TP đã trở thành nơi để các nữ doanh nhân gắn kết, hỗ trợ nhau cùng phát triển. Bên cạnh đó, sự đóng góp của các chị cho cộng đồng, nhất là vì sự tiến bộ phụ nữ, đã ngày càng lớn mạnh. Với mục tiêu hỗ trợ chị em “chiếc cần câu”, các chị đã thành lập Quỹ cộng đồng Hawee để giúp chị em có ý tưởng kinh doanh sáng tạo có thêm nguồn vốn khởi sự kinh doanh; tổ chức các buổi chia sẻ kinh nghiệm từ các doanh nhân thành đạt để giúp các ý tưởng của phụ nữ thành hiện thực, theo kịp xu thế thị trường. Theo bà Nguyễn Thị Hạnh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nữ doanh nhân TPHCM, hơn 34% doanh nghiệp lớn tại TPHCM là do nữ làm chủ, còn tại các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ thì hầu hết người làm chủ là nữ giới. Điều này cho thấy sự đóng góp của nữ giới trong phát triển kinh tế - xã hội là rất lớn, đồng thời khẳng định vai trò, năng lực cũng như vị thế của nữ giới trong công cuộc xây dựng và phát triển TPHCM thời kỳ hội nhập quốc tế. “Vốn dĩ phụ nữ rất chịu khó, nếu nhận được sự hỗ trợ kịp thời, giúp họ có hướng đi đúng thì các ý tưởng khởi sự kinh doanh nhỏ sẽ dần trở thành doanh nghiệp nhỏ. Mà hầu hết các doanh nghiệp lớn, năng động do nữ làm chủ hiện nay đều bắt đầu từ doanh nghiệp nhỏ mà nên”, bà Hạnh nhận xét. 

Bắt đầu từ mọi vị trí

Từ sạp hàng vải buôn bán nhỏ tại chợ, bà Ngô Thị Vân, Phó Giám đốc Công ty TNHH Vải sợi thời trang Kim Vũ (quận 5), đã gầy dựng nên một công ty vải sợi không chỉ cung cấp hàng cho TPHCM, các tỉnh/thành, mà còn xuất hàng đi nhiều nước trên thế giới. Bà Vân chia sẻ, phụ nữ vốn tính chịu khó, cần mẫn, biết tích tiểu thành đại nên nếu có chí hướng sẽ kinh doanh thành công. 

Với suy nghĩ ở tuổi nào cũng có thể khởi sự kinh doanh, sau nhiều biến cố trong cuộc sống, bà Trần Kim Long bắt đầu vào thương trường bằng nghề tranh thêu ruy băng với thương hiệu Song Long khi tuổi đã gần 60. Chỉ sau một năm, bà không chỉ dần thành công từ con đường này, mà còn giúp đỡ, hỗ trợ nhiều chị em có cái nghề và việc làm ổn định. 

Với chỉ tiêu phát triển 500.000 doanh nghiệp đến năm 2020 theo chương trình đột phá của thành phố, tại Đại hội đại biểu Hội LHPN TPHCM lần thứ X (nhiệm kỳ 2016-2021), UBND TPHCM đã ủy thác số vốn 100 tỷ đồng để thông qua hội tạo nguồn vốn giúp phụ nữ khởi nghiệp. Chính nhờ nguồn vốn này, nhiều phụ nữ đã bắt đầu con đường kinh doanh của mình. Nếu trước đây, thu nhập của gia đình bà Lê Bích Quyên (53 tuổi, ngụ khu phố 4, phường Tân Thuận Tây, quận 7) chỉ trông vào gánh bánh flan, rau câu, thì nhờ vay vốn hỗ trợ của hội phụ nữ, gia đình bà đã mở một quán trà sữa khang trang. Không chỉ bà, mà các anh chị em, con cháu trong gia đình đều bỏ công sức ra để công việc kinh doanh quán ngày một phát triển. “Ai đời hơn 50 tuổi mới bắt đầu khởi sự làm ăn, nhưng đến giờ tôi hài lòng về sự bắt đầu này. Nhờ nguồn vốn của hội, kinh tế gia đình tôi đã ổn định. Không chỉ tôi, mà các cháu gái trong gia đình cũng có nhiều sáng tạo, tự tin để bước vào con đường kinh doanh nhỏ này”, bà Quyên cho biết.

“Xưa Bác Hồ dạy: Việc gì có lợi cho dân thì nên làm. Có hại cho dân thì nên tránh. Tôi chỉ giúp chị em có hướng đi cho đúng, rồi mọi người cứ thế giúp đỡ lẫn nhau. Nhờ đó kinh tế ổn, các chị đã có tiếng nói trong gia đình và cả ngoài xã hội”, bà Tô Thị Mỹ Linh bày tỏ.

Tin cùng chuyên mục