
Việc khai thác cát trái phép dưới chân cầu Ngân Sơn (thuộc tuyến Quốc lộ IA, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên) hiện đang trở thành vấn đề nhức nhối. Hằng ngày, chỉ trên một khúc sông dài chưa đầy 1km, nhiều nhóm trộm cát với mỗi nhóm hàng chục người hối hả khai thác, bất chấp chính quyền địa phương…
Trộm ngày lẫn đêm
Trong vai người mua cát, tôi đến thôn Phú Mỹ (xã An Dân, Tuy An) đúng tầm “tan ca” của một nhóm khai thác cát trái phép. Trong căn nhà mái tôn xập xệ gần chục thanh niên đang sát phạt đỏ đen cho qua buổi trưa. Khi biết tôi đi tìm mua cát cho công trình, một người lớn giọng: “Chờ một chút nghen”.

Chuyển cát từ ghe lên bờ
Được một lát, ông Hồ Công (ở thôn An Mỹ) người thâm niên nhất trong nghề, lên tiếng: “Giá cát hiện đang lên cao nhưng chú là người mới, tôi để lại 350.000đ/xe, có mua không?”.
Tôi gật đầu rồi nhờ ông dẫn ra bãi. Ở đó, dưới cái nắng như đổ lửa, hàng chục trai tráng trần trùng trục vội vã xúc cát từ những chiếc ghe mới vừa cập bờ đổ lên những chiếc xe ben (biển số 78K-44…, 78K-19…, 78K-44…) đang nổ máy chờ sẵn.
Theo ông Công, cát ở đây gồm cát ướt (khai thác giữa dòng) và cát khô (khai thác gần bờ), phần lớn hạt mịn, không lẫn tạp chất, độ kết dính cao nên khách mua rất chuộng. Ông khoe: “Cứ 3 ghe cát là đầy một xe. Mỗi chuyến bán được 360.000đ, mỗi ngày làm cỡ chục chuyến nên cũng khá!”.
Cứ độ chừng 2 phút lại có một chiếc ghe cập bến, trong khoang đầy ắp cát. Trên đoạn sông chưa đến 1km, có đến hơn 10 nhóm gồm Hồ Công (An Dân), Duy Minh Hoàng, Trần Thái Quý (thị trấn Chí Thạnh), Hồ Văn Quý (An Thạch), Nguyễn Hồng Tuế (An Định)… khai thác cát trái phép cùng lúc, bất kể ngày đêm, chẳng nề hà mưa nắng.
Một số nhóm khai thác theo lối thủ công (cho người lặn xuống vớt cát) nhưng không ít nhóm lại sử dụng cùng lúc nhiều máy hút cát công suất lớn có thể đạt năng suất hàng trăm m3 cát/ngày.
Một đối tượng khai thác cát tên Hậu cho biết: “Nhiều lần, cán bộ, công an xuống phục kích, kiểm tra, tụi tôi cứ dong ghe ra giữa dòng là thoát. Lúc đầu cũng sợ nhưng riết rồi quen. Vả lại chẳng bao giờ thấy mấy ổng lập biên bản xử phạt tại chỗ nên… chẳng ngán”.
Ông Công xen vào: “Tuần nào xã cũng mời lên nói chuyện, bắt viết biên bản cam kết không tái phạm. Nhưng khi về, chẳng thấy ai bỏ nghề. Mấy ổng rảnh thì cứ mời tụi tui lên, coi thử làm gì được nhau!”.
Thật vậy, cánh thợ của ông Công vừa làm vừa nói chuyện rôm rả, tuyệt nhiên chẳng thấy bóng dáng của công an hay chính quyền dù địa điểm khai thác chỉ cách trụ sở UBND, công an huyện chừng 10 phút đi bộ!
Theo lời Hậu, với tiến độ khai thác như hiện nay, chỉ vài tháng nữa, dưới lòng sông Ngân Sơn sẽ hết cát. Khi đó, nhóm sẽ dời xuống xóm dưới hay tiến vào khai thác gần bờ.
Xã, huyện bó tay
Đầu năm 2007, với lý do giải phóng việc bồi lấp cát trên diện tích đất sản xuất do mưa lũ và cũng để tạo dòng chảy khỏi bị xói đất, ông Phan Long, trưởng thôn Long Hòa viết “Tờ trình giải phóng gò cát ở mỏm dùi soi giữa” gửi lên UBND xã An Định. Sau khi cho người xuống khảo sát, UBND xã An Định đồng ý với kiến nghị của trưởng thôn và tiếp tục trình văn bản lên huyện đề nghị xem xét.
“Giữa năm 2007, chúng tôi thành lập đội liên ngành gồm đại diện Đội quản lý thị trường số 4, Công an, Phòng Tài nguyên - Môi trường đi kiểm tra, lập biên bản đình chỉ 10 trường hợp khai thác cát lậu ở các xã An Dân, An Thạch và thị trấn Chí Thạnh, tịch thu 3 máy hút cát. Sắp tới, chúng tôi làm quyết liệt hơn để giải quyết triệt để”. |
Ngày 31-7-2007, UBND huyện Tuy An ra Thông báo số 98/TB-UBND cho phép UBND xã An Định được tổ chức nạo vét lượng cát bồi bên bờ sông Cái (thuộc thôn Long Hòa) nhằm khắc phục tình trạng bồi lấp, thời gian nạo vét kéo dài đến đầu mùa mưa lũ.
Sau khi được huyện đồng ý, UBND xã đã cho bà Đỗ Thị Dục (thôn Long Hòa) tiến hành khai thác trong 2 tháng với mức phí nộp vào ngân sách xã là 2,4 triệu đồng/tháng. Thế nhưng khi bà Dục hết thời hạn khai thác, UBND xã An Định và Phòng Tài nguyên - Môi trường không kiểm tra giám sát, từ đó nhiều người dân đổ xô đến khai thác cát tràn lan.
Sau đó, tình trạng khai thác cát trái phép trở nên nhức nhối, nhiều người dân các thôn quanh vùng cực lực phản đối, UBND các xã An Định, An Dân mới cho cán bộ xuống ngăn chặn. Nhưng hễ khi vừa xuất kích là các nhóm khai thác cát trái phép ngưng hoạt động hoặc dong ghe ra giữa dòng.
Chủ tịch xã An Định, Phan Văn Ba lắc đầu: “Thú thiệt, chúng tôi bó tay vì tất cả mọi biện pháp áp dụng đều vô hiệu!”. Sau đó, UBND các xã An Định, An Dân, An Thạch lần lượt kiến nghị lên UBND huyện và huyện ra Thông báo số 18/TB-UBND về việc “Nghiêm cấm khai thác cát trái phép trên địa bàn huyện” nhưng vẫn không chấm dứt được tình trạng trên.
Hậu quả nghiêm trọng!
Trung bình mỗi ngày có tới 15 – 22 lượt xe chở cát ra vào thường xuyên khiến tất cả các con đường dẫn đến bãi đều bị lún sụt, một số đoạn bị biến dạng hoàn toàn. Ngay cả bờ tre lâu năm mà gia đình bà Nguyễn Thị Hồng (thôn Phú Mỹ, xã An Dân) trồng để chống xâm thực cũng đã bị bứt gốc.
Bà Đỗ Thị Dục không giấu được vẻ bức xúc: “Việc khai thác cát tràn lan khiến cho lòng sông nay thành vực sâu không đáy. Trước đây, cứ chiều chiều tụi trẻ lại ra sông tắm nhưng giờ có cho tiền tụi nó cũng chẳng dám ra. Tui sợ cứ đà này, không khéo mấy ổng sẽ làm trốc luôn chân cầu Ngân Sơn” (cầu Ngân Sơn nằm trên Quốc lộ 1A, tuyến giao thông huyết mạch của đường Bắc Nam).
Kể từ khi bị các nhóm khai thác cát trái phép rầm rộ tìm đến “mổ bụng”, dòng sông Cái bỗng “đổi tính”, từ hiền hòa trở nên hung dữ hơn. Hơn một mẫu đất thổ của hộ ông Huỳnh Theo đã bị đổ xuống sông. Hơn 3 sào sắn đúng lứa chưa kịp thu hoạch của ông Phan Tám cũng bị “hà bá” nuốt chửng. Hàng chục hộ dân khác trong thôn cũng chịu chung số phận… mất đất!
Ông Huỳnh Văn Tèo than thở: “Mấy sào đất thổ của tôi đã trôi hết rồi. Vốn liếng nhà nông có bấy nhiêu đó, không còn đất sản xuất thì biết lấy gì ăn”. Nhưng điều đáng ngại hơn là trong đợt lũ vừa qua, nước sông Cái đã lên mức “báo động đỏ” (mức kỷ lục mấy năm gần đây) và xâm thực vào sâu đất liền, uy hiếp nhà ở của hàng chục hộ dân thôn Phú Mỹ và Long Hòa.
Trong khi các ngành chức năng của huyện Tuy An vẫn còn loay hoay, lúng túng thì các nhóm khai thác cát trái phép vẫn lộng hành giữa thanh thiên bạch nhật. Tính riêng về lợi ích kinh tế, theo ước tính ban đầu, tình trạng khai thác trái phép hơn một năm qua đã gây thiệt hại cho huyện này hàng tỷ đồng….
XUÂN HUY