Phục hồi quý 1 - Tăng tốc quý 2: Giải pháp vượt khó, hoàn thành chỉ tiêu

Nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ kinh tế - xã hội trong 3 tháng đầu năm 2022 của TPHCM đã tạo nền tảng và cơ hội vượt qua thách thức để tiếp tục phát triển trong quý 2. Báo SGGP giới thiệu một số giải pháp gợi mở của các chuyên gia kinh tế, văn hóa góp phần hoàn thành nhiệm vụ những tháng tiếp theo.
Phục hồi quý 1 - Tăng tốc quý 2: Giải pháp vượt khó, hoàn thành chỉ tiêu

* PGS-TS HOÀNG CÔNG GIA KHÁNH, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - Luật ĐH Quốc gia TPHCM: Chuẩn bị với những tác động từ thị trường thế giới

Cấu trúc kinh tế của TPHCM có các trụ cột là thương mại dịch vụ, công nghiệp và xuất nhập khẩu. Ba lĩnh vực này đã tạo được đà hồi phục ngoạn mục ngay trong quý 4-2021 sau khi chịu tổn thất nghiêm trọng trong 2 quý trước đó. Tuy nhiên, đến hết quý 1-2022, số liệu thống kê cho thấy quy mô thương mại dịch vụ giảm gần 5% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó doanh thu lưu trú và ăn uống vẫn giảm mạnh; điều này cho thấy lực cầu vẫn còn yếu, phụ thuộc vào tốc độ mở cửa thật sự của nền kinh tế, nhất là du lịch. Công nghiệp và xuất khẩu đã giữ nhịp tăng trưởng và cấu trúc dần đi vào ổn định so với cùng kỳ 2021. Đây là dấu hiệu tích cực cho thấy chuỗi cung ứng đã kết nối trở lại và kỳ vọng đà hồi phục, tăng trưởng sẽ tiếp tục trong các quý còn lại. Thu ngân sách có nhiều chuyển biến tích cực, và nếu tiếp tục giữ nhịp tăng này thì cuối năm 2022 khả năng thu vượt dự toán là rất khả thi.  

Đầu tư nước ngoài (FDI) là vấn đề cần đặc biệt lưu ý, vì FDI sẽ khó phục hồi nhanh khi tình hình dịch bệnh vẫn còn là yếu tố cản trở cộng thêm với yếu tố cạnh tranh và rủi ro liên quan địa chính trị trên thế giới. Tình hình sẽ rất khó khăn cho TPHCM trong dài hạn nếu không ít nhất chặn đứng đà suy giảm và sau đó duy trì được mức độ ổn định của dòng vốn FDI mới như trước khi xảy ra dịch bệnh. Về cơ bản, ngoài dịch bệnh sẽ có 4 yếu tố tác động đến việc thu hút FDI trong năm nay: Áp lực từ giá dầu gia tăng và rủi ro từ lạm phát; Áp lực từ chính sách thắt chặt tiền tệ; Áp lực từ tỷ giá; Dịch chuyển dòng vốn FDI trên thế giới. 

Để tiếp tục đẩy nhanh tốc độ phục hồi và phát triển, cần quan tâm đến các biện pháp trọng tâm: Cải thiện số lượng du khách đến TPHCM; Quyết liệt tháo gỡ nút thắt “chi đầu tư thấp”, nhanh chóng giải ngân đầu tư công, tạo động lực chủ lực và kích thích lan tỏa tăng trưởng GRDP; Chiến lược chuyển đổi số và thu hút đầu tư trong bối cảnh mới với trọng tâm thu hút đầu tư vào khu vực công nghệ cao, Fintech và các ngành liên quan mật thiết đến công nghệ - thông tin - truyền thông cần được triển khai ngay bằng những hành động cụ thể.

* Quy hoạch sư NGUYỄN ĐỖ DŨNG, Giảng viên ĐH Quốc gia Singapore (NUS): Tạo không gian phát triển mới

Điều chỉnh quy hoạch chung đóng vai trò quan trọng trong giai đoạn phục hồi và phát triển TPHCM, nhất là trong bối cảnh thành phố đang vướng pháp lý quy hoạch trong nhiều định hướng mang tầm chiến lược. Từ việc điều chỉnh chiến lược phát triển hậu Covid-19 cần những mô hình mới về nhà ở xã hội, nhà ở công nhân cũng như sự xuất hiện của những hạ tầng mới như các tuyến đường cao tốc, sân bay quốc tế Long Thành, tuyến Metro số 1 dẫn đến những cơ hội mới. Hạ tầng ngầm cũng cần được đặc biệt ưu tiên. Hay một vấn đề quan trọng khác là sự ra đời của TP Thủ Đức với kỳ vọng một không gian phát triển tích hợp các nội dung về đô thị thông minh và đô thị sáng tạo vào quy hoạch chung nhằm hiện thực hóa các nghị quyết của TPHCM trong phát triển đô thị. Các chiến lược thích ứng với biến đổi khí hậu để giúp thành phố phát triển bền vững cũng là một vấn đề cần nhấn mạnh, đồ án Thủ Đức đang thực hiện tiếp tục là một ví dụ, khi nhiều năm qua các nội dung về biến đổi khí hậu vẫn chưa được kết hợp vào quy hoạch chung. Để giải quyết các thách thức đặt ra, TPHCM cần tăng tốc với cột mốc thời gian đã định ra khi nhiệm vụ đã được Thủ tướng phê duyệt ngày 14-9-2021.

* PGS-TS NGUYỄN ĐỨC LỘC, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đời sống xã hội: Củng cố “tấm lưới” an sinh xã hội

Theo khảo sát của Viện Nghiên cứu Đời sống xã hội (Social Life) được thực hiện từ tháng 10 đến tháng 12-2021 tại TPHCM, thu nhập trung bình hàng tháng của người lao động chủ yếu ở mức dưới 7 triệu đồng trong khi mức chi tiêu trung bình hàng tháng cũng gần như tương đương. Khi đại dịch Covid-19 bùng phát, có tới 82% số người được hỏi cho biết đang ở trong tình trạng khó khăn tài chính, trong đó nhóm chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là lao động tự do (94%), trong khi hơn 60% số người lao động không để dành được tiền. Sau dịch bệnh, họ tiết kiệm chi tiêu (52,1%), sử dụng khoản tiết kiệm (24,6%), vay mượn nợ để trang trải (34,6%), nhận trợ cấp từ chính quyền (22,9%) và từ gia đình, người thân (25%)… 


Để chống chọi với “cơn bão giá”, đa số họ phải tìm cách làm cùng lúc nhiều việc mới đủ chi tiêu hàng tháng. Ngưỡng sinh tồn dường như chạm đáy. Có lẽ thành phố cần thêm những giải pháp hỗ trợ an sinh xã hội, nhất là cho người lao động yếu thế. 

Những giải pháp an sinh xã hội trước mắt cần thiết thực và cấp bách như: Khuyến khích doanh nghiệp, chủ nhà trọ miễn, giảm giá nhà trọ để đổi lại việc họ được hưởng các ưu đãi về thuế và chính sách khác của thành phố; Trợ giá điện nước cho người lao động, người nghèo; Khuyến khích doanh nghiệp hình thành quỹ trách nhiệm xã hội để tăng trợ cấp cho người lao động để được các chính sách thuế dành cho hoạt động trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp; Khuyến khích Quỹ vì người nghèo TPHCM triển khai hỗ trợ người nghèo, người lao động tự do có thẻ bảo hiểm y tế tự nguyện. Trung tâm An sinh TPHCM và UBMTTQ các cấp phối hợp với các tổ chức xã hội triển khai các chương trình: Siêu thị thực phẩm 0 đồng; Gian hàng trợ giá trong các siêu thị (khuyến khích trung tâm phát hành thẻ an sinh xã hội có mã số để được mua hàng trợ giá); Khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức xã hội có sáng kiến và thực hiện hoạt động thiện nguyện cộng đồng trợ giúp người nghèo, người lao động.

* PGS-TS NGUYỄN HỒNG QUÂN, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tuần hoàn, ĐH Quốc gia TPHCM: Tập trung giải quyết vấn đề môi trường 

TPHCM vẫn đang đối mặt trước những vấn đề ô nhiễm môi trường, nguy cơ ngập lụt đô thị. Việc lồng ghép các chính sách của nhà nước liên quan đến chuyển đổi số, tăng trưởng xanh, giảm phát thải khí nhà kính… phù hợp với các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trên các ngành và lĩnh vực khác nhau để đảm bảo tính hiệu quả, gia tăng giá trị, cũng là thách thức không nhỏ với chính quyền TPHCM.


Kinh tế tuần hoàn được định nghĩa là các mô hình kinh doanh có thể được áp dụng ở các quy mô khác nhau, đặc biệt để giải quyết các bài toán liên quan đến mâu thuẫn giữa phát triển kinh tế và tác động đến môi trường. TPHCM đã đưa kinh tế tuần hoàn (cùng với kinh tế số, kinh tế chia sẻ) vào chương trình hành động của Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025. Trong quý 1 vừa qua, TPHCM cũng đã thành lập Tổ kỹ thuật Kinh tế tuần hoàn thuộc Nhóm Công tác TPHCM phối hợp với Ngân hàng Thế giới về sự phát triển toàn diện và bền vững của thành phố. Các giải pháp kinh tế tuần hoàn liên quan đến xử lý chất thải rắn, nước thải đô thị, cộng sinh công nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng đã được thảo luận giữa chuyên gia hai bên.

Tuy nhiên, bên cạnh việc hạn chế về các cơ sở pháp lý, hướng dẫn, tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan, kinh tế tuần hoàn đòi hỏi sự kết nối giữa các ngành và lĩnh vực để có thể đạt được “Đa mục tiêu”, nâng cao khả năng huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực. Điều này đòi hỏi phải có sự gắn kết, phối hợp giữa các bên có liên quan. Song song với việc lồng ghép các mô hình kinh tế tuần hoàn vào các dự án, chương trình đang triển khai liên quan đến phục hồi kinh tế, phát triển cơ sở hạ tầng, chuyển đổi số, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giảm phát thải khí nhà kính…, kinh tế tuần hoàn cần được áp dụng trong đề án “Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội TPHCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Tin cùng chuyên mục