Trải qua thời tuổi trẻ tận cùng cơ cực, làm đủ mọi nghề để mưu sinh, được đến trường và tự lập, có thể nói Phùng Hiệu là tấm gương sáng cho những bạn trẻ gặp nghịch cảnh. Bây giờ thì anh đã trở thành một người thành đạt, có cơ nghiệp vững chắc, lại là nhà thơ trẻ có tập thơ Trong thế giới ngụy trang gây ấn tượng trong năm 2014. Đáng quý hơn, lúc nào anh cũng hướng đến sự chia sẻ với những số phận bất hạnh như mình từng nếm trải.
Chàng trai nghèo có tâm hồn nghệ thuật
Nhà thơ Phùng Hiệu
Giữa năm 2011, khi Phùng Hiệu xuất hiện tại Hội nghị Những người viết văn trẻ TPHCM, không ít ánh mắt nhìn phân vân không biết anh từ đâu đến mà trông đen đủi, kềnh càng, bặm trợn, chẳng có vẻ gì… thơ cả. Đến nay thì cái tên Phùng Hiệu đã trở nên quen thuộc, có mặt trong những hoạt động chuyên nghiệp của đời sống thi ca, cho dù anh luôn bận rộn trên những công trường xây dựng.
Sinh năm 1976 ở Đà Nẵng, Phùng Hiệu sớm rời quê hương theo gia đình đi kinh tế mới ở Định Quán, (Đồng Nai). Đời sống quá khó khăn, Phùng Hiệu là con trai cả nên cha muốn anh nghỉ học để phụ trồng trọt nương rẫy, hái củi, đốt than nuôi đàn em đông đúc. Bề ngoài theo ý cha, nhưng anh vẫn âm thầm “trốn” nhà đi học, sau khi cố gắng hoàn thành công việc được cha giao.
Nhưng cuối cùng vì hoàn cảnh gia đình quá bĩ cực, anh cũng đành bỏ dở trung học. Đến tuổi nghĩa vụ quân sự, anh nhập ngũ, được phân bổ về Huyện đội Định Quán, rồi được chọn học thêm bổ túc văn hóa. Tốt nghiệp trung học và khóa chuyên môn cấp tốc, anh về lại cơ quan huyện đội làm công tác thống kê động viên tuyển quân.
Sau ba năm hoàn thành nghĩa vụ quân sự, Phùng Hiệu trở về nhà, mong muốn học tiếp để có nghề nghiệp ổn định. Tuy nhiên, vì gia đình vẫn quá khó khăn, không đủ điều kiện cho anh ăn học, nên anh quyết định tự thân vượt hàng trăm cây số xuống TPHCM tìm cơ hội. Không nghề nghiệp, anh xin làm phụ hồ, đào đường, đúc ống cống cho công trình xây dựng đường ống nước ở gần cầu Bình Triệu. Ngày làm, đêm ngủ ngay trên công trường, có lúc thủy triều lên bất ngờ ướt ngập cả người.
Hết làm cống, anh chuyển sang làm nhân viên tiếp thị, rồi mượn tiền thế chân để chạy thuê taxi. Anh cũng tranh thủ ôn lại bài vở và thi đậu Trường Đại học Mỹ thuật TPHCM. Nhưng vừa làm vừa học được hai năm thì sức kiệt, anh phải bảo lưu kết quả học tập, chuyên tâm chạy taxi để kiếm tiền tích lũy và giúp gia đình, rồi xin vào làm cho một công ty điêu khắc để học hỏi kinh nghiệm cho nghề mỹ thuật.
Không mãi cam chịu thân phận làm thuê, Phùng Hiệu quyết tâm chuyển sang kinh doanh. Bằng số tiền dành dụm, anh mở một cơ sở nhỏ sản xuất các sản phẩm điêu khắc vào năm 2000. Nhờ anh năng động, nắm bắt được nhu cầu thị trường, cơ sở kinh doanh phát triển nhanh. Tám năm sau, hội đủ điều kiện tài chính và học tiếp tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật TPHCM, anh thành lập Công ty TNHH Xây dựng - điêu khắc - trang trí Lạc Hồng do mình đứng đầu. Dần dần Lạc Hồng trở thành một thương hiệu uy tín trong ngành nội thất xây dựng. Đến nay đội ngũ Lạc Hồng có hơn 200 cán bộ công nhân viên, thực hiện nhiều công trình lớn trong và ngoài nước.
Thời bĩ cực của chàng nông dân nghèo trôi vào dĩ vãng. Con đường kinh doanh của anh đang hanh thông. Cuộc sống khá lên, anh không quên quay lại giúp đỡ những người khốn khó bằng những hoạt động từ thiện lặng lẽ, trong đó có nhiều bạn thơ…
Người bạn thơ của những số phận nghèo khó
Ở bất kỳ hoàn cảnh nào Phùng Hiệu cũng nuôi dưỡng trong mình giấc mơ nghệ thuật. Có năng khiếu mỹ thuật nhưng anh lại rất nặng lòng với thi ca và mê viết báo. Từ thời còn lận đận anh đã làm thơ để thổ lộ tâm tình, tự an ủi mình, giải tỏa những thất bại trước tình yêu và cuộc sống. Hai tập thơ Tình không dám ngỏ (năm 2008) và Thức giấc (năm 2010) là cơ sở để Phùng Hiệu được kết nạp vào Hội Nhà văn TPHCM năm 2011.
Nhờ sự gặp gỡ, giao lưu với các nhà thơ đi trước, thế giới nghệ thuật thi ca mới thực sự “mở mắt” cho anh. Thơ không đơn giản chỉ vần vè, nhịp nhàng, uốn éo. Thơ không sáo ngữ, mỹ từ, đại ngôn. Thơ không ồn ào, dễ dãi, hư danh. Thơ là sự tinh lọc của ngôn từ, là hình tượng ẩn chứa sự va đập của đời sống, thiên nhiên, ký ức và bao số phận mà tạo hóa không nuông chiều. Sự “mở mắt” ấy đã giúp Phùng Hiệu nâng trình độ thẩm mỹ thi ca, có cái nhìn khác đối với công việc sáng tạo, mà kết quả là tập thơ Trong thế giới nguỵ trang đã ra đời giữa năm 2014, gây bất ngờ cho những ai đã từng đọc, từng biết thơ Phùng Hiệu “nên vần nên điệu” trước đây.
Ở lời tựa tập thơ mới của Phùng Hiệu, nhà thơ Phạm Sỹ Sáu đã viết: “Thơ anh với sự gân guốc trong từng dòng, từng khổ như hình ảnh cuộc sống được chiếu rọi thông qua lăng kính ngôn từ. Ở đó, trên những dòng thơ bồi hồi cảm xúc, cuộc sống được phát hiện, được dựng dậy, được tái sinh với nhiều chiều kích đa dạng. Không dễ để làm như vậy, quá khó để viết như thế nếu trong tim không chất chứa một thứ tinh chất nhiệt tình, một tình yêu mãnh liệt cuộc sống, một niềm tin vào con người không thể chuyển lay”.
Còn nhà thơ Đynh Trầm Ca trong bài “Những lời thơ thế sự” cũng đồng cảm nhận định: “Với nhà thơ Phùng Hiệu, sự khắc khoải của đời người và của thi ca như nhau, là một con đường khai mở âm thầm trên những dốc gai và bạc bẽo. Chính vì vậy, tập thơ Trong thế giới ngụy trang của Phùng Hiệu ta thấy ít mỹ từ mang tính trừu tượng, tuy nhiên anh lại đẩy được ngôn ngữ vào thế cùng cực như những cành gai nhọn, vì vốn cuộc đời chân thực nhiều những gai nhọn hơn hoa hồng”.
Những cành gai nhọn ngôn ngữ thơ Phùng Hiệu ra sao? Thì đây, hình ảnh một gia đình cái bang trong bài Số phận:
Hướng về phía hoàng hôn
những vách lá liêu xiêu loang lổ bóng đêm
một gia đình trú ngụ trên nền đất cái bang tanh tưởi
Sự sống vẫn duy trì
sự sống vẫn bừng lên mái đầu ngụp lặn
sự sống vẫn mãnh liệt hơn những gì tôi biết
Còn đây, nỗi lòng trước tiếng rao của em bé thất học đi bán vé số:
Không thể nào xoa dịu nỗi đau
Cho em bé đến trường
Bằng tiếng rao
Vé số…
Và đây là tình cảnh những người thợ trẻ xây dựng, phụ hồ tha phương cật lực lao động kiếm sống nhưng xuân về tết đến vẫn không có cơ hội đoàn tụ với gia đình:
Em đã đi qua
Từng dãy nhà liên kế
Từng phố villa
Từng khu cao ốc
Em trôi nổi theo từng dự án…
Đêm giao thừa em hát khúc tha phương
Giữa cuộc đời
nổi trôi
bí mật!
Ngày đã cạn mà trời chưa hẹn đất
Năm đã tàn mà tháng vẫn chưa yên
Đến bao giờ…
Đến bao giờ em biết mặt tháng giêng?
Đau đớn hơn nữa là số phận bao cô gái quê ngây thơ bỗng “trở thành cánh chim hoang lạ” cho trò giải trí sau bức tường màu đen vô cảm không lối thoát:
Lý trí bị đánh vỡ chỉ sau một đêm thử trò buông thả
Em trở thành cánh chim hoang lạ
Bay về phía vô cùng
Nơi có những bức tường chỉ trang trí màu đen
Thời gian không ngã giá
Còn nhiều, rất nhiều số phận bất hạnh thầm lặng khác “bước” tự nhiên vào ngôn ngữ thơ gai góc của Phùng Hiệu. Không trải qua nỗi đau chính mình thì khó mà đau nỗi đau của đời. Với thơ, nỗi đau như Phùng Hiệu càng khó. Đó cũng chính là tình yêu, giấc mơ vượt thoát mà anh mong tiếp sức cho những người bất hạnh giữa thế giới còn lắm nguỵ trang. Và đó cũng là ý thức trách nhiệm công dân đáng quý của một nhà thơ trẻ dấn thân với ước muốn mang cái đẹp cái thiện đến cho cuộc sống.
PHAN HOÀNG